Mồ côi tuổi nào không đau thấu tim gan

16/09/2021 - 14:36

PNO - Hơn 1.500 học sinh mồ côi cha mẹ vì COVID-19. Những con số lạnh lùng đau thấu tim gan. Tôi mồ côi cha khi trưởng thành mà chênh vênh bao ngày tháng. Vậy những đứa trẻ mồ côi kia sẽ lớn lên thế nào?

Sáng sớm cầm điện thoại, tôi giật mình bủn rủn tay chân khi thấy bạn thân đổi ảnh đại diện trên trang cá nhân màu đen. Sau mấy hồi gọi bạn mới bắt máy, tiếng bạn nghẹn lại khi tôi còn chưa kịp hỏi. “Ba tao mất rồi”, bạn khóc. Lòng tôi nghẹn lại, nước mắt chảy ra. Thương bác, thương bạn mình đến thế.

Thành phố vẫn đang thực hiện Chỉ thị 16. Dịch bệnh ập tới mang theo bao nhiêu hệ lụy. Tôi và bạn, người ở đầu, người ở cuối thành phố thôi mà trở thành xa đến mức không thể tới với nhau lúc cần nhất.

Tôi hình dung ra bạn mình: người đàn ông tuổi 40 sụp xuống, đau đớn, mất mát. Đừng nghĩ trưởng thành rồi thì người ta cứng rắn, mạnh mẽ trước mọi hoàn cảnh, tình huống. Mồ côi cha ở tuổi nào mà không tủi? Lại tang ma trong cảnh thành phố giãn cách xã hội, người với người đến với nhau nói một lời sẻ chia cũng không thể. Sao mà đau.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hôm rồi giỗ cha tôi, cũng trong những ngày thực hiện Chỉ thị 16. Anh em tôi ngậm ngùi nhìn nhau qua màn hình điện thoại. Tự an ủi rằng cha sẽ hiểu, tự động viên nhau mình còn bình an là tốt rồi. Sáng hôm đó, vợ tôi khẽ khàng: “Em không kiếm được đủ đồ để nấu những món ba thích…”.

“Ba hiểu mà…”, tôi trả lời kèm tiếng thở dài. Lúc đó mới thấm thía câu nói đùa ngày nào đã đúng: Tiền nhiều để làm gì?

Không ai hình dung được một ngày giữa một thành phố lớn, có tiền trong tay mà không thể mua thực phẩm để có mâm cơm cúng ba đàng hoàng… Anh Hai nói nhà anh cũng vậy, em út nói nhà em còn sắp hết rau ăn. Nhưng thôi, may mà ba anh em vẫn ổn. Thiếu thốn trong đại dịch không sao cả, chỉ cần mạnh khỏe, bình an. Nỗi nhớ ba sau mấy năm ông đi xa vẫn chông chênh như cũ. Năm nay tôi có thêm nhiều thời gian để hồi tưởng về những xưa cũ cùng ba bên mâm cúng đạm bạc. Không có ba, ở tuổi nào cũng vẫn thấy khuyết một điểm tựa trong đời.

Vậy mà sau đó tai tôi lùng bùng khi nghe có khoảng 250 trẻ em sinh ra thiếu hơi ấm của mẹ vì mẹ các bé không qua khỏi trong đại dịch COVID-19. Thông tin trên VTV về những đứa trẻ vừa lọt lòng mẹ đã chịu mất mát khiến tôi thật sự không dám nghĩ tiếp.

Chưa hết, thành phố có khoảng hơn 1.500 học sinh mồ côi cha mẹ vì COVID-19. Những con số lạnh lùng mà đau thấu tim gan. Tôi mồ côi cha khi trưởng thành mà chênh vênh bao ngày tháng. Vậy những đứa trẻ mồ côi kia sẽ lớn lên thế nào?

Các con sẽ đối mặt với sự bất ổn về tâm lý, sự thiếu hụt tình cảm gia đình, sự trống vắng những yêu thương chăm bẵm của đấng sinh thành. Một vòng tay ấm của mẹ, một cánh tay rắn chắc choàng vai sau một ngày mệt mỏi, hay sau những ấm ức ngoài đường… sắp tới các con tìm nơi đâu? Nếu may mắn có người thân nuôi dưỡng, cũng đâu phải ai cũng đủ yêu thương và điều kiện để nâng giấc các con.

Tôi khóc. Sao ông trời bất công với những đứa trẻ thơ dại đến vậy?

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tôi nói với bạn rằng mình sẽ kiếm giấy đi đường để qua bên nhà, thắp cho ba bạn nén nhang. Nhưng bạn nói đừng qua, vì bạn đã tạm gửi ba về chùa an nghỉ. Tôi thắt lòng thêm một lần nữa. Không thể tưởng tượng được rằng đến lúc chết, bác lại một mình lặng lẽ trong cô đơn. Dịch bệnh đáng sợ biết nhường nào.

Mồ côi, giống như một vết sẹo lớn trong đời mà mỗi khi trái gió trở trời lại tấy nhức. Thời gian có thể giúp nhiều vết thương lành lặn, nhưng những mất mát khi cha mẹ không còn thì tuổi nào nỗi đau cũng vẫn vẹn nguyên...

T. Hùng

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI