Mẹ đánh đổi cả thanh xuân mới dạy được tôi cách sống hạnh phúc

16/12/2021 - 08:56

PNO - "Cuộc đời người con gái không nên phụ thuộc vào người đàn ông. Mẹ đã từng ước mình có thể mạnh mẽ sớm hơn”... Mẹ đã phải đánh đổi cả thanh xuân của bà để dạy tôi cách sống như vậy.

Thời của mẹ tôi

Bà ngoại thường dặn mẹ tôi: “Mình là phụ nữ thì phải chăm lo, vun vén cho gia đình nhỏ của mình. Chồng con làm gì cũng không nên phản đối. Con cứ cố gắng nhịn để gia đình êm ấm”.

Bà đã bên ông ngoại cả đời người. Ông rất thương bà, bà cũng thương ông, hai người sống với nhau hạnh phúc. Mỗi lần xảy ra xích mích bà đều nhịn, để ông tự bình ổn cảm xúc rồi nói chuyện sau.

Mẹ tôi nghe lời bà ngoại, sống với bố tôi được 22 năm. Trong khoảng thời gian bố mẹ sống với nhau, mẹ tôi khóc nhiều. Đã có lần bố mẹ cãi nhau rất lớn và bố đánh mẹ. Mẹ lúc nào cũng nhịn, để rồi những cuộc cãi vã ngày càng nhiều, chỉ mẹ là người chịu tổn thương.

Lúc mẹ tôi quyết định ly hôn, bà ngoại cản, bà nói: “Mình có một gia đình nhỏ rồi, cố gắng giữ lấy nó, con hãy nghĩ nhiều hơn về con cái mình, chúng nó sẽ ra sao nếu như không có bố?”. Mẹ tôi khóc nức: “Con thực sự không chịu đựng được nữa. Con xin mẹ cho con làm theo ý muốn của bản thân lần này thôi, mẹ cho phép con ly hôn nhé!”.

Bà và mẹ ôm nhau khóc. Tôi nhìn cảnh đó cũng đau lòng không kém. Cuối cùng, mẹ tôi đã quyết định ly hôn. Khi tôi hỏi chuyện, mẹ nói: “Con ạ, cuộc đời người con gái không nên phụ thuộc vào người đàn ông, chúng ta hãy tự biết gầy dựng hạnh phúc cho chính mình, độc lập và thật tự tin con nhé. Mẹ đã từng ước mình có thể mạnh mẽ sớm hơn”. 

Nghe mẹ nói, tôi rất xúc động. Mẹ đã phải đánh đổi cả thanh xuân của bà để dạy tôi cách sống.

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

 

Đến thời của tôi

Mỗi lần gọi điện cho tôi, mẹ hay hỏi: “Con gái dạo này có người yêu chưa?”.
- Con chưa. 
- Thôi đừng kén cá chọn canh con gái ạ, ai thương mình, mình cứ đồng ý rồi tính đến chuyện hôn nhân đi là vừa. 
- Con không đồng ý với quan điểm của mẹ. Khi nào con thấy thật sẵn sàng con mới cưới. Sẵn sàng hai thứ: “Tinh thần và vật chất”. Nếu con không sẵn sàng, gia đình nhỏ của con xảy ra điều không như ý, khi đó mẹ sẽ càng buồn hơn.

Bà tôi, mẹ tôi và tôi đều có những quan điểm khác nhau, đều cho nhau những lời khuyên: “Bà cho mẹ, mẹ lại cho tôi… và có thể sau này tôi lại cho con tôi”. 

Với tôi, bà khuyên mẹ hay mẹ khuyên tôi, tất cả những lời khuyên ấy đều đúng đắn, vì lời nói ấy xuất phát từ những trải nghiệm của họ. 

Thời của bà tôi, bố mẹ sắp đâu con ngồi đó, chuyện hôn nhân chẳng thể nào quyết được. Thời của mẹ tôi, mọi người thấy chuyện ly hôn là điều nên tránh nhưng không còn đặt nặng như thời của bà. Mẹ cố gắng rất nhiều nhưng tình cảnh nhà tôi vẫn không thay đổi. Đúng như ai đó đã từng nói: “Khi chúng ta đã cố gắng hết mình, nhưng kết quả không được như ý thì buông bỏ là lựa chọn 
tốt nhất”.

Kể từ ngày bố và mẹ không còn sống cùng nhau nữa. Bố lấy vợ mới, hạnh phúc bên gia đình mới và mẹ tôi cũng hạnh phúc với cuộc sống tự do. Chứng kiến hoàn cảnh như vậy, trong lòng tôi nổi lên một thắc mắc: “Vậy làm thế nào để có thể cho con những lời khuyên đúng nhất?”.

Tôi quyết tâm tìm câu trả lời. Tôi tham gia các lớp học tâm lý và các lớp khai vấn đều nhận được một câu trả lời như thế này: “Chúng ta cần học cách làm bạn với con, làm bạn để thấu hiểu con, làm bạn để biết được rằng con mình cần điều gì, muốn điều gì. Như thiền sư Thích Nhất Hạnh từng nói: Muốn yêu phải hiểu”. 

Một vấn đề xuất hiện, với tư cách là một người bố, người mẹ chúng ta có cách nào để hiểu con? Câu trả lời khiến tôi rất bất ngờ và vỡ òa vì tìm được hướng đi cho bản thân: “Muốn hiểu được con cái của mình, bố mẹ hãy tự hiểu chính mình. Để dùng kinh nghiệm hiểu bản thân đó chia sẻ thêm với con trên hành trình trưởng thành của bạn ấy”. 

Quá trình hiểu bản thân, các chuyên gia tâm lý đều cho rằng: “Đây là một quá trình khám phá chính mình. Để hiểu được chính mình ta cần biết được vì sao mình lại làm chuyện này, chuyện kia. Khi hiểu được vì sao ta lại làm hành động đó, bố mẹ mới thấy rõ được lý do sao con làm chuyện này”.

Thêm nữa, chúng ta cần trở thành nhà tâm lý của chính mình trước khi thấu hiểu và lắng nghe con cái. Chỉ khi nào bố mẹ biết yêu thương bản thân đúng nghĩa, ta mới yêu được con đúng nghĩa. 

Tuệ Nga

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI