Mái tóc gội bồ kết của cụ Thuận

21/05/2023 - 13:48

PNO - Mắt đã mờ, tai đã điếc lại mang căn bệnh ung thư nội mạc tử cung, vậy mà cụ bà Nguyễn Thị Thuận (87 tuổi, ở TP Hà Nội) vẫn cùng con gái đi gần 20 cây số đến tiệm cắt tóc để tham gia chương trình Hiến tóc cho đi yêu thương tặng những bệnh nhân mắc bệnh như mình.

Đây là mái tóc của cụ khi chưa cắt (ảnh gia đình cung cấp)
Đây là mái tóc của cụ khi chưa cắt (ảnh gia đình cung cấp)
Tóc cụ sau khi cắt tặng, vẫn đủ để vấn khăn
Tóc cụ sau khi cắt tặng, vẫn đủ để vấn khăn (ảnh gia đình cung cấp)

Với một người “dành cả thanh xuân để nuôi tóc”, tóc bao giờ cũng đến gối để vấn khăn, thế mà bỗng nhiên đồng ý cho cắt đến 50 phân là cả một câu chuyện thú vị.

Chia sẻ lý do thuyết phục được mẹ mình đi xa để cắt tóc, chị Nguyễn Thị Lợi (con gái duy nhất của cụ Thuận) vừa nói vừa tủm tỉm: “Lúc đầu nói cắt tóc để làm từ thiện, mẹ tôi không chịu. Bà không hiểu “từ thiện” là gì. Bà cứ nghĩ đưa bà ra tiệm cắt tóc để bán. Bà còn nhẩm tính nếu bán chừng đó tóc cũng được khoảng 600.000 đến 1 triệu đồng. Nhưng sau khi biết mục đích dùng tóc để tặng những em bé, người nghèo… bị ung thư phải hóa trị, xạ trị đến rụng hết tóc, mẹ tôi đồng ý ngay nhưng dặn “Mẹ xấu lắm, đừng quay phim chụp ảnh đấy”. 

Cụ bà Nguyễn Thị Thuận không ngại cho đi mái tóc cụ kỳ công nuôi dưỡng để góp phần đem lại niềm vui và sự tự tin cho những bệnh nhân ung thư
Cụ bà Nguyễn Thị Thuận không ngại cho đi mái tóc cụ kỳ công nuôi dưỡng để góp phần đem lại niềm vui và sự tự tin cho những bệnh nhân ung thư
Kẹp ba lá, vấn tóc như mấy chục năm về trước (ảnh gia đình cung cấp)
Cụ dùng kẹp ba lá, vấn tóc và gội bồ kết như phụ nữ thế kỷ trước (ảnh gia đình cung cấp)

Tuổi tác không lấy đi những đường nét thanh tú trên gương mặt cụ bà sinh năm 1936. Nước da cụ vẫn trắng, sống mũi gọn, khuôn miệng trái tim. Đặc biệt, chiếc khăn vấn và miệng nhai trầu luôn tạo ấn tượng khó quên với người lạ khi gặp cụ.

“Sợ mất hình ảnh” là kiểu nói vui của các cháu khi nhận xét về bà ngoại. Nói về mẹ mình, chị Lợi tâm sự: “Mẹ tôi thuộc kiểu người xưa, thật thà như đếm, hết mình vì mọi người, hay sợ người khác mất lòng”.

Bởi thế, mỗi lần chở mẹ về quê, chị Lợi có một tá việc để làm: thống kê bao nhiêu người bà con bị ốm, cụ ông cụ bà nào qua đời cần đến thắp hương, đứa cháu nào mới sinh con… Nhà nào cũng phải ghé ngang chào họ một tiếng.

Ở tuổi cổ lai hy, cụ bà vẫn còn ngăn nắp sạch sẽ (ảnh gia đình cung cấp)
Ở tuổi cổ lai hy, cụ bà vẫn còn ngăn nắp sạch sẽ (ảnh gia đình cung cấp)

Phải khó khăn lắm chị Lợi mới thuyết phục được mẹ lên ở với mình. Thậm chí chị còn nhờ bác sĩ can thiệp rằng “tuổi già nhiều bệnh, nhịp tim đập không đều, nhất thiết phải ở với con cháu”, cụ Thuận mới nghe theo. Trước đó, cụ luôn từ chối, phần vì sợ phiền con cháu, phần vì cụ quen nếp sinh hoạt của người quê.

Công việc cụ Thuận yêu thích và “mặc định” luôn của mình là phơi và xếp áo quần. Sợ con cháu giành việc, cụ đặt ngay chiếc ghế ngồi trước cửa máy giặt. Máy giặt bao lâu thì cụ ngồi canh nó bấy lâu. Khi nào máy hết kêu là cụ biết giặt xong nhưng không biết mở cửa lồng nên phải nhờ con cháu, xong “đuổi” đi ra như sợ… mất phần. Chỉ hôm nào trời mưa, cụ mới không… gác máy giặt.

Đến giờ, cụ vẫn giữ thói quen chăm chải tóc, gội đầu bằng bồ kết nên dù tóc đã bạc nhưng vẫn còn khá “chất”. Cụ từng nói, nếu còn nhiều thời gian sẽ chăm tóc, nuôi tóc để tặng tiếp.

Hạnh phúc của chị Lợi không gì hơn là cùng chồng con quây quần bên mẹ trong bữa cơm gia đình(ảnh gia đình cung cấp)
Hạnh phúc của chị Lợi không gì hơn là cùng chồng con quây quần bên mẹ trong bữa cơm gia đình(ảnh gia đình cung cấp)

Cách đây 3 năm, cụ Thuận được phát hiện mắc bệnh ung thư nội mạc tử cung. Vì cụ tuổi cao, bác sĩ tây y không can thiệp nữa. Chị Lợi cho mẹ điều trị theo đông y. Ngày biết mẹ mang bệnh K, chị Lợi như chết lặng. Ung thư đã cướp đi cha chị cách đây 23 năm. Chị sợ phải tiếp tục chứng kiến người thân của mình vật lộn trong đau đớn như thế nữa.

Nhưng rồi chị tự trấn an và động viên mẹ: “Mẹ ơi, mẹ chịu khó uống thuốc. Mẹ không uống vì mẹ thì vì con vì cháu, mẹ nhé!”. Chẳng nghe rõ con gái nói gì nhưng cụ Thuận như hiểu lòng con nên dần dà hợp tác.

Lắm lúc cơn đau tái phát, cụ trở nên cau có, gắt gỏng. Cụ trút nỗi đau đớn bất lực lên đầu con gái. Để rồi khi cơn đau qua đi, cụ lại gọi cái Cún, thằng Bi đến bảo: “Cháu nói với mẹ rằng bà không phải thế đâu. Bà thương mẹ cháu lắm!”.

Tình thương con, thương cháu đã hằn vào nếp nghĩ, nếp ăn. Đến bữa, các cháu lắm khi phát giận vì bà nhường thức ăn cho đứa này, đứa khác. Có lần bà đưa cho chị Lợi 5 chỉ vàng rồi nói: “Mẹ có được ngần này, con bỏ thêm cho 1 chỉ nữa thành 6 để sau này chia cho 3 đứa cháu, mỗi đứa 2 chỉ làm kỷ niệm”. Cầm quà cốt để cho mẹ vui nhưng nghĩ đến việc mẹ chắt chiu dành dụm lâu nay, chị Lợi lại mủi lòng. 

Lâm Hoàng

 Ảnh: Nhân vật cung cấp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI