Gần nửa thế kỷ trôi qua nhưng những ký ức đầu tiên về Bác Hồ trong tôi vẫn vẹn nguyên như ngày hôm qua.
Ở quê tôi (xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang), hầu như mỗi nhà đều thờ ảnh Bác Hồ. Bọn trẻ chúng tôi thắc mắc: “Ai vậy cha?”. Và cha tôi - người đàn ông cả đời gắn bó với ruộng đồng - đã nhẹ nhàng kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện về Bác.
 |
Các em nhỏ huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang say mê đọc sách từ chương trình “Tủ sách Bác Hồ chắp cánh ước mơ” do Chi đoàn cơ sở Báo Phụ nữ TPHCM trao tặng - Ảnh: Thành Lâm |
Không phải những bài diễn văn khô khan, cũng chẳng phải những trang sử xa xôi, cha tôi kể về Bác bằng giọng điệu chân chất, mộc mạc của bác nông dân. Tôi nhớ mãi câu chuyện đêm 30 tết lạnh giá, Bác đi thăm người dân, tình cờ gặp một người mẹ vẫn còn đang gánh nước thuê để kiếm chút tiền sắm tết cho 4 đứa con. Bác đã bất ngờ đến thăm gia đình chị và tặng quà cho các con chị. Hay chuyện Bác tặng kẹo và dẫn các bạn nhỏ đi thăm nơi làm việc của Bác…
Những câu chuyện dung dị, gần gũi ấy thấm sâu vào tâm hồn non nớt của chúng tôi một cách tự nhiên như cổ tích. Tuổi thơ tôi lớn lên cùng những hình ảnh đẹp đẽ về vị lãnh tụ vĩ đại mà giản dị và đầy lòng yêu thương.
Giờ đây, khi đã là một người mẹ, tôi lại tiếp tục gieo mầm cho các con tình yêu và sự kính trọng với Bác Hồ, cũng như lịch sử dân tộc. Tôi kể cho các con nghe những câu chuyện ngày xưa cha đã kể và nhiều câu chuyện tôi được đọc. Vẫn là những chi tiết đời thường về tình yêu của Bác với thiếu nhi, với đồng bào, với chiến sĩ… và qua lăng kính của một người mẹ, tôi muốn các con cảm nhận được sự vĩ đại trong những điều giản dị ấy.
Tôi còn đưa các con đến Bến Nhà Rồng - nơi Bác ra đi tìm đường cứu nước - để các con hiểu thêm về lịch sử; về khát vọng độc lập, tự do luôn cháy bỏng trong trái tim Người. Tôi còn tặng con bộ sách truyện về Bác. Những đứa trẻ 10 tuổi chỉ quen đọc truyện tranh rất hào hứng khi cầm những quyển truyện tranh màu sắc về Bác Hồ. Con tôi lần giở từng trang, đọc say sưa và xuýt xoa “Đẹp quá, mẹ ơi!”, “Hay quá, mẹ ơi!”. Tôi cảm nhận ngọn lửa tình yêu kính Bác Hồ đang được nhen nhóm và lan tỏa trong trái tim bé nhỏ của con mình.
Mạch chảy tình yêu Bác Hồ đã được cha tôi khơi nguồn, nuôi dưỡng trong tôi và giờ đây, tôi lại tiếp tục vun đắp cho các con mình. Đó không chỉ là sự kính trọng đối với một vĩ nhân mà còn là sự trân trọng những giá trị nhân văn sâu sắc, những bài học đạo đức cao đẹp Bác đã để lại cho dân tộc. Ngọn lửa tình yêu ấy sẽ mãi cháy sáng, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Bác Hồ “vào” truyện tranh Đã có rất nhiều đầu sách viết về Bác Hồ - vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc - nhưng lần đầu tiên có một tựa sách về Bác được thể hiện bằng hình thức truyện tranh màu. Đó là tác phẩm Bác Hồ sống mãi do Nhà xuất bản Kim Đồng và Công ty Phan Thị phối hợp thực hiện. Bộ sách gồm 5 quyển với 20 câu chuyện về Bác. Nét vẽ sắc sảo, sinh động kết hợp cùng nội dung ngắn gọn; ngôn ngữ trong sáng, giản dị, duyên dáng… khiến bộ truyện rất phù hợp với thiếu nhi. Cũng là những mẩu chuyện Bác Hồ với thiếu nhi, Bác Hồ với người dân, Bác Hồ với cán bộ, chiến sĩ… có thể chúng ta từng nghe, từng đọc nhưng ở lần xuất hiện này, Bác Hồ càng gần gũi, dung dị như một người ông thân thương, kính yêu của các em nhỏ.  | Các em nhỏ say sưa đọc bộ sách Bác Hồ sống mãi - Ảnh: Phùng Huy |
Ở bộ truyện, người làm sách đã lựa chọn được những câu chuyện thú vị đầy tính giáo dục và tính nhân văn về Bác Hồ. Tập 1 gồm các câu chuyện thể hiện tình cảm yêu thương vô bờ của Bác dành cho thiếu nhi như: Hãy yêu thương các cháu, Đã hứa thì phải làm, Cháu muốn xem nhà Bác… Tập 2 là các câu chuyện về tình yêu nước, thương dân, quan tâm từ những điều rất nhỏ của Bác với người dân. Tập 3 là những câu chuyện về nghĩa cử của Bác đối với người dân, với di sản. Tập 4 là tình cảm của Bác và những bài học quý báu, ý nghĩa, những lời dạy chân tình của Người với các chiến sĩ. Tập 5 gồm các truyện nói về phẩm chất cao quý của Bác (luôn hết lòng vì cách mạng, vì nhân dân…). Chỉ cần giở những trang đầu tiên, bạn đọc sẽ được “gặp” Bác Hồ qua những bức vẽ sinh động. Bên cạnh đó là cảnh núi rừng Tây Bắc, Đông Bắc nên thơ, hùng vĩ. Bạn đọc nhí sẽ bất ngờ khi không những bắt gặp hình ảnh Bác Hồ kính yêu trong hình thức truyện tranh mà còn có cơ hội ôn lại những bài học quen thuộc. Bộ truyện tranh màu Bác Hồ sống mãi là một ấn phẩm ý nghĩa, mang đến cách tiếp cận mới mẻ, hấp dẫn để tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Bác. Với hình thức đẹp, nội dung xúc động và giàu tính giáo dục, bộ sách xứng đáng có mặt trong tủ sách của mỗi gia đình Việt Nam. Bảo Khánh |
Thùy Dương
Chuyện hoa khoai lang
Bức thư này mẹ gửi cho các con từ làng Sen quê Bác, một bức thư viết tay trên nền giấy màu tím nhạt. Bởi sắc trắng - tím của hoa khoai lang vườn nhà Bác cứ đọng mãi trong lòng mẹ một câu chuyện, một tấm lòng, một cuộc đời…
 |
Học sinh Trường tiểu học Thạnh An, huyện Cần Giờ, TPHCM tham gia cuộc thi kể chuyện Bác Hồ - Ảnh: Nhã Chân |
Mẹ đã không cầm được nước mắt khi nghe kể về chuyến thăm quê hương của Bác năm 1957. Với bộ kaki trắng, đôi dép cao su giản dị, Bác ra thăm mảnh vườn trước nhà vẫn tím biếc hoa khoai lang và màu xanh của lạc. Cán bộ địa phương xin phép Bác được trồng hoa huệ, hoa hồng… cho đẹp. Bác cười hiền từ: “Hoa khoai lang vẫn đẹp…”.
Trên chính mảnh vườn này, ngày xưa mẹ Bác luôn trồng khoai lang để cung cấp lương thực cho cả nhà. Thời điểm Bác nói là năm 1957, miền Bắc mới được hòa bình, tuy giặc ngoại xâm lùi xa nhưng giặc đói, giặc dốt vẫn còn. Cùng với cơm gạo, từng củ khoai, trái bắp đã giúp gia đình no dạ và chi viện cho chiến trường miền Nam.
Bao nhiêu năm trôi qua, mảnh vườn này chỉ trồng mỗi khoai lang từ câu nói đơn sơ mà sâu đậm ý tình của Bác. Nụ hoa chúm chím nảy từ thân dây và chớm nở, bung xòe tim tím báo hiệu một mùa bội thu. Dây khoai úa vàng, vườn khoai nham nhở là khi cái đẹp của hoa đã lặn xuống lòng đất, lặng lẽ dâng tặng con người những món quà thơm dẻo, ngọt ngào. Nói đến đây, lòng mẹ chợt dậy lên câu thơ nhà thơ Chế Lan Viên viết về vị cha già kính yêu:
“Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc
Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa”
(Trích bài Người đi tìm hình của nước)
Từ hoa khoai lang của Bác, mẹ mong các con học hành, phấn đấu, mai sau làm đẹp cho đời. Các con hãy tạo ra những cái đẹp chan hòa, những cái đẹp ứng dụng, những cái đẹp gắn với đời sống nhân sinh.
Tô Diệu Hiền (ghi theo tâm sự
của chị Diễm Châu, TP Thủ Đức, TPHCM)