Lưu bút thứ ba… học trò

07/06/2018 - 08:00

PNO - Bao nhiêu thế hệ học trò là bấy nhiêu trang lưu bút được nối dài, chỉ là với học sinh thời hiện đại, phương tiện ghi dấu cảm xúc chia tay phong phú, đa dạng và có khi… bá đạo hơn...

“Lúc chụp hình, bạn nào cũng mặt hớn hở, cười toe toét nhưng khi tiếng loa phát thanh vang lên thông báo “tất cả học sinh vui lòng ra về để nhà trường thu dọn vệ sinh” thì bạn nào cũng thẩn thờ, hụt hẫng, nước mắt đã chực trào, chỉ đợi nắm tay, bu vào, ôm nhau là khóc òa. Nhớ buổi học cuối cùng buồn vui lẫn lộn, cảm giác khó tả". Đỗ Khánh Tâm Tâm - cựu học sinh Trường THPT Hùng Vương, Q.5, TP.HCM - đã chia sẻ về khoảnh khắc quý giá của tuổi học trò.

Tâm kể: "Cuối năm học 12 là giai đoạn nước rút chuẩn bị bước vào kỳ thi quan trọng nhưng những buổi cuối học không tập trung. Mấy bạn giấu thầy cô lén khều khều, chuyền lưu bút cho nhau viết vội vài dòng kèm theo cái cười lưu luyến lẫn chút sụt sùi. Nhiều bạn đem theo bịch bột, giấu giám thị đến khi chuông reo hết buổi học thì chọi nhau trắng phau đầu cổ, mặt mày đến… má nhìn không ra. Hôm nay ngồi bên nhau, rồi ngày mai biết có còn thường xuyên gặp lại. Đứa du học, đứa đi làm, đứa lập gia đình… đâu dễ dành thời gian cho nhau”. 

Luu but thu ba… hoc tro
 

Bao nhiêu thế hệ học trò là bấy nhiêu trang lưu bút được nối dài, chỉ là với học sinh thời hiện đại, phương tiện ghi dấu cảm xúc chia tay phong phú, đa dạng và có khi… bá đạo hơn. Xưa, chỉ dừng lại viết cho nhau những dòng tâm sự, lời chúc lành, chép vài bài thơ, nhạc sến hoặc ai khéo tay thì vẽ góc phố sân trường, điểm vài cánh hoa phượng ép hình bướm. Nay, trang lưu bút sống động với những chiếc môi son ịn lên trang giấy trắng. Những chiếc áo dài trắng, sơ-mi trắng ngày cuối cũng đành “hy sinh” cho bạn nguệch ngoạc đủ thứ thông điệp từ tỏ tình, lời nhớ thương đến những câu từ, hình ảnh nhí nhố, cười lộn ruột…

Những biểu tượng ấy, có thể là vô nghĩa với người khác, nhưng với học trò, đó là ký ức ngọc ngà tuổi thần tiên. Đặc biệt, học sinh thời @, còn có thêm lưu bút điện tử, có sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ thông tin, của mạng xã hội giúp lưu giữ và lan tỏa những khoảnh khắc không bao giờ trở lại.

Không gọi là giã từ, giã biệt, đạo diễn Việt Đặng đặt tên cho cảm xúc của các bạn cuối lớp 12 là “hẹn gặp lại”. Vì hôm nay chia tay, các bạn sẽ còn thường xuyên gặp gỡ khi nhớ nhau, có thể là ngày Nhà giáo 20/11 cùng về thăm trường, có thể là báo cáo vinh quang đậu vào đại học... 

Ở tuổi sắp ngồi sui, chị Kim Hân có việc lục lại kho hình cũ, bất giác rơi ra một tấm hình cô giáo chủ nhiệm, bạn bè chụp lưu niệm bên bờ hồ Trúc Giang (TP.Bến Tre), cạnh trường cấp III của mình. Cảnh đẹp và thơ mộng nhưng thầy trò đều buồn hiu hắt, mặt sưng húp, mắt đỏ ké. Bao nỗi nhớ ùa về vây lấy chị.

Luu but thu ba… hoc tro
Ảnh: Internet

Nhớ hồi lớp 12, lũ “thứ ba học trò” lớp mình chơi trò độc là dán lên cặp cô giáo ba chữ “đại hạ giá” (do ra chợ thấy ba chữ này dán đầy ở các quầy bánh trung thu). Cô hỏi “nét chữ này của ai”, cả lớp im lặng, cúi đầu. Cô giận, chạy lủi vào văn phòng mà bước chân không kịp giọt nước mắt trào rơi.

Tiệc chia tay cuối năm, từng bạn lần lượt chụp hình lưu niệm với cô, đến lượt Hân, Hân sụp xuống ôm chân cô, khóc sướt mướt. “Em xin lỗi cô và cảm ơn cô đã thương em, không giận em”. Hân thú thật mình là tác giả của ba chữ “đại hạ giá” đó, nhiều tháng rồi Hân đã không dũng cảm nhận lỗi. Cô cười thật hiền và nói cô đã biết rồi, cô hiểu đó là cách bày tỏ tình cảm của Hân và cả lớp dành cho cô, dù cách ấy có hơi hồn nhiên, vụng về. 

Không khí đầm ấm của lớp, lòng bao dung của cô, tình bạn chân thật, mến thương là hành trang Hân mang theo dù ở phương trời nào. Tấm ảnh cũ, quyển lưu bút và nỗi nhớ cồn cào xui Hân một chuyến về thăm trong mùa hè này, khi các cháu của Hân và con của vài người bạn cũng đang tất bật cho kỳ thi tốt nghiệp phổ thông và bùi ngùi bên trang lưu bút giã biệt tháng ngày áo trắng. “Họp lớp nghen các bạn. Chẳng cần nhân dịp gì. Thật ra là nhớ quá đi”, chị Hân dí dỏm mời gọi các bạn học cũ trong nhóm chat. 

Tô Diệu Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI