Làm sao thoát “chiến trường thìa muỗng”?

20/11/2014 - 11:04

PNO - PN - Không ít cha mẹ than phiền về nỗi khổ chạy theo con, làm trò, quát nạt để đút cho con từng miếng cơm, thìa cháo, từ lúc con một tuổi đến tận lúc năm tuổi. với họ, Việc dỗ con ăn là chuyện rất gian nan.

Bi hài chuyện cho con ăn

Ngay trước cửa nhà tôi có một sân chơi trẻ em, buổi chiều luôn có những cảnh tượng vui mắt. Đứa cháu khoảng năm tuổi đạp xe đạp vèo vèo, người bà cầm một bát cháo nhỏ, chạy theo, đút cho một miếng. Và cứ thế, cháu đạp xe, bà chạy, cho đến khi hết bát cháo. “Ăn đi”, “nuốt đi”, “sao ngậm mãi thế”, “kinh quá”, “con với chả cái”, một bà mẹ quát con gần đó. Đứa bé đã ngậm thìa cháo năm phút, dù việc nuốt một cái chỉ mất chưa đến năm giây.

“Ông Kẹ đến kìa. Đứa nào không ăn ông bắt đi” - một bác có lẽ là giúp việc dọa dẫm một bé gái hai tuổi. Đứa bé lấm lét nhìn trước sau, nuốt ực. “Đúng rồi, ăn đi không là bị bắt đấy, không về được với mẹ Liên đâu” - bác giúp việc “thừa thắng xông lên”, đút thêm một thìa to nữa.

“Cứ đến lúc con ăn là cả nhà cãi nhau. Con không chịu ăn, mẹ căng thẳng, quát mắng. Con khóc, nôn hết đồ ăn ra. Bố nạt mẹ, mỗi việc cho con ăn mà không được. Một tuần phải vài lần như vậy”, chị Lam Hà (Nghĩa Tân, Hà Nội) kể.

Tương tự chị Lam Hà, với nhiều bà mẹ, việc cho con ăn quả là ngán ngẩm. Trong “chiến trường thìa muỗng”, họ lo lắng mất đi 10 năm thanh xuân trong cơm cháo bỉm sữa. Đây cũng là băn khoăn của nhiều bà mẹ trẻ khi đứng trước quyết định sinh đứa con thứ hai.

Lam sao thoat  “chien truong thia muong”?

Lỗi tại ai?

Cha mẹ hì hụi nấu nướng, đôi khi rất kỳ công, rồi bỏ ra cả tiếng đồng hồ cho con ăn, miếng cơm tận miệng mà đứa trẻ không "đếm xỉa", mọi tức giận dĩ nhiên đổ lên đầu đứa trẻ. Nhưng ta hãy nhìn lại xem.

Bắt đầu từ lúc bảy, tám tháng, trẻ em đã rất hào hứng bốc những đồ ăn nhỏ mềm, cho vào miệng. Ở độ tuổi này, bé thích cầm thìa, đòi tự xúc ăn, dù sẽ làm đồ ăn đổ tung tóe ra bàn. Khi thấy cả nhà dùng đũa ăn, các bé hai-ba tuổi cũng đòi gắp bằng đũa. Lúc người lớn pha sữa, bé đòi tự đổ sữa ra cốc, tự rót nước và khuấy sữa, thậm chí, còn đòi rửa cốc sữa mình uống. Mẹ nấu ăn, bé còn đòi nhặt rau, rửa rau…

Chúng ta thường làm gì khi đó? Ngăn lại và làm hộ trẻ: “Để bà/mẹ làm cho”, “lộn xộn quá, con ra chỗ khác chơi đi!”, “thôi, không phải xúc đâu, đổ hết bây giờ!”, “đấy, con có gắp được miếng nào đâu, tung tóe hết cả, con dùng thìa đi”…

Chúng ta làm hộ nhiều thứ cho con, nhân danh tình yêu con, nhưng thực ra là yêu chính mình, lo cho chính mình, lo nhà cửa sẽ bẩn, mình sẽ phải dọn dẹp, để con làm thì chậm chạp quá, mất thời gian… Cứ như vậy, chúng ta tước đi cơ hội học hỏi, khám phá vốn đang thời kỳ phát triển mạnh mẽ của con, tước đi cơ hội để con tự lập.

Đến lúc con bước vào tiểu học, cấp II, đã quen với cơm bưng nước rót, mọi thứ được phục vụ tận răng, cha mẹ muốn rèn con tự lập, làm việc nhà, thì đã muộn. Con đã trở thành một vua con lười biếng, chỉ thích được phục vụ, ngại lao động, không còn là đứa bé hai-ba tuổi háo hức tự làm mọi thứ nữa.

Trẻ em ăn khi đói

“Trẻ em ăn khi đói. Đó là toàn bộ quan điểm của tôi về việc ăn của trẻ. Nếu tối nay, con bạn chỉ ăn vài thìa, hẳn ngày mai bé sẽ đói”, bà Christine Munn, Chủ tịch Hiệp hội Montessori (Mỹ) trả lời các bà mẹ trong một hội thảo về dạy con tự lập ở Hà Nội vừa tổ chức mới đây.

Là giáo viên mầm non ở Mỹ, bà Christine Munn khẳng định, từ khía cạnh lý thuyết lẫn thực tế, trẻ hai tuổi có thể tự ăn, tự đổ sữa/nước ra cốc, biết dọn bàn, cắt những đồ ăn mềm bằng dao nhỏ. Cha mẹ không những nên tạo điều kiện để con tự ăn mà còn cần cho con tham gia vào quá trình nấu ăn, dọn bàn, để con phát triển kỹ năng tự phục vụ và chăm sóc người khác. Như vậy, các bé năm - sáu tuổi có thể chuẩn bị những bữa ăn đơn giản cho chính mình và người thân.

“Hãy cho con ngồi vào ghế ăn từ sáu tháng tuổi và duy trì thói quen này: cứ mỗi lần ăn đều cho bé ngồi vào ghế. Không bật ti vi hay làm những thứ thu hút sự chú ý của trẻ, để con tập trung hoàn toàn vào việc ăn. Từ sáu - bảy tháng tuổi, hãy để bé tự bốc thức ăn mềm, tự xúc ăn khi lớn hơn một chút, và chịu khó dọn đống bừa bãi mà bé bày ra” - đó là kinh nghiệm đơn giản và hiệu quả của Kẩm Nhung, một bà mẹ Việt ở Mỹ, người vừa xuất bản cuốn sách ghi chép cách dạy con của người Mỹ có tựa đề Con là khách quý.

Kiên nhẫn, chuẩn bị cho bé thành phần thức ăn đa dạng và để bé tự ăn là cách để cha mẹ có thể thoát khỏi “chiến trường thìa muỗng” do chính mình tạo ra, để con được hạnh phúc trong việc ăn uống, như tự nhiên vẫn vậy.

 Hằng Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI