Là con trai thì không được khóc

05/09/2014 - 20:10

PNO - PN - “Là con trai thì không được khóc” - câu nói này của mẹ đã theo suốt cuộc đời con. Mỗi khi có những điều không vui, con cũng không cho phép mình nản lòng huống chi là rơi nước mắt. Con học được những điều đó từ mẹ, nhưng...

edf40wrjww2tblPage:Content

“Mẹ ơi, mẹ có sao không?”, “Mẹ không sao… con à, con cố gắng làm việc”, rồi mẹ vội vàng cúp máy như sợ con nghe được tiếng ho của mẹ, sợ con lo. Mẹ là thế, lo lắng cho người khác còn bản thân thì bỏ mặc, mỗi lần bệnh là giấu. Cả đời mẹ quen chịu đựng, quen hy sinh và quen luôn với những gì gọi là bất hạnh - nhưng với mẹ đó là điều hết sức bình thường.

Lấy chiếc vé chiều muộn, con lên xe về quê, về với mẹ. Xe băng qua từng dãy nhà ven quốc lộ trong ánh nắng nhạt nhòa cuối ngày, khói bếp tỏa lên hòa quyện cùng với tiếng kêu í ới của trẻ con, tiếng mắng con trìu mến của người mẹ khiến lòng con se thắt. Con nhìn thấy hình ảnh của mình từ hơn 20 năm trước, mải vui chơi nên chiều nào mẹ cũng phải đi gọi anh em con về, tắm rửa cho từng đứa. Đôi khi tụi con nghịch nước, bị mẹ phát vào mông mà vẫn toe toét cười. Với anh em con, chuyện được mẹ đánh đòn là một niềm vui, bởi lúc nào cũng kèm theo câu “cha mi, răng mà lì lợm rứa!”.

La con trai thi khong duoc khoc

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Mẹ là cô gái lớn lên ở xứ Huế kinh kỳ, vì yêu ba mà về làm dâu miền Tây. Năm tháng qua đi, mẹ trở thành cô dâu miệt vườn chính hiệu. Mẹ nấu ăn ngon, kết hợp cả hương vị Huế và cả hương vị đồng quê Nam bộ. Con thèm món canh chua lá giang, đọt choại, cá lóc đồng đã lâu không được ăn, nghe trong vị chua chua cay cay ấy còn có cả vị nước mắt. Con còn nhớ như in, trưa hôm ấy, con trốn mẹ chèo xuồng xuống sông vừa câu cá, vừa bứt đọt choại, lá giang. Đi ngang khu vườn ông Chín, thấy chôm chôm trĩu quả, con lẻn vào vườn hái mấy chùm lớn. Không ngờ bị ông Chín phát hiện, xách tai về méc mẹ. Trước mặt khách, mẹ đánh con một trận nên thân. Sau đó, khi khách về, mẹ đã nghiêm khắc nhìn con và khóc, lời mẹ nói con vẫn còn nhớ như in đến suốt cuộc đời: “Dù có nghèo, có đói, có khát thì cũng không bao giờ được phép ăn cắp, con nhớ chưa?”. Con đau lắm, không phải vì trận đòn roi mà vì cảm thấy xấu hổ, vì đã làm mẹ thất vọng, tổn thương… Từ đó trở đi, con không bao giờ bị mẹ đánh đòn nữa. Giờ con lớn khôn, đôi khi lại “thèm” được mẹ đánh đòn, thèm mẹ ký vào đầu và mắng yêu “cha mi”.

Mùa này quê mình chắc lũ lớn. Hồi còn bé con là tay sát cá. Mẹ thường bảo con mang cá sang chia cho nhà cô Năm, cô Bảy, chú Tư. Mẹ luôn dạy: “Của mình ăn sẽ hết, của cho người sẽ còn”. Những câu nói giản dị nhưng lại chứa đựng sâu sắc bài học về đối nhân xử thế, biết mình và biết người.

Đường về quê chiều nay bỗng nhiên con thấy xa chi lạ, những cơn gió chuyển mùa cứ thốc lên, có lẽ mẹ ở nhà buồn và ho nhiều lắm, vậy mà mẹ không chịu uống thuốc, cứ bảo “ối, cảm xoàng ấy mà... ”. Lần này về nhà, con nhất định đưa mẹ đi khám bệnh, quyết tâm cãi lời mẹ để có thời gian bên mẹ. Con sẽ đưa mẹ đi chơi, đến những nơi mà thời con gái mẹ thường ước mơ được đặt chân đến. Mẹ à, hãy cho phép con được chăm sóc mẹ, được lo lắng và quan tâm đến mẹ - đó là niềm hạnh phúc của con.

 Hạnh Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI