Khu tập thể của một thời

07/01/2021 - 05:27

PNO - Hà Nội không thể đẹp nếu thiếu đi những khu tập thể như thế . Một tuổi thơ êm đềm đã đi qua.Một phần hồn chúng tôi vẫn còn lại ở đó.

Khu tập thể nói chung và khu Văn Chương (Hà Nội) nói riêng là nơi ở dành cho những gia đình cán bộ, công chức thời gian trước năm 1975. Nhà tôi từng ở khu B1, nằm trong chuỗi nhà tập thể của khu vực. Ký ức chúng tôi không thể xóa nhòa những năm tháng sống ở đây. Một phần vì nó quá sâu đậm, một phần vì chính bản thân chúng tôi cũng không hề muốn quên đi. 

Chúng tôi lớn lên ở những khu tập thể cũ kỹ - Ảnh minh họa
Chúng tôi lớn lên ở những khu tập thể cũ kỹ - Ảnh minh họa

Hồi ấy, vào các buổi chiều được nghỉ học, lũ chúng tôi cùng nhau chạy nhảy, chơi trò “ném lon” hoặc “chồng nụ chồng hoa” ở một góc sân chung của khu tập thể. Cả bọn quậy như giặc, có lúc còn vô tình làm bể chậu kiểng, thế là bị bố mẹ hoặc các cô, các bác cầm roi đuổi đánh. Cả bọn hốt hoảng chạy có cờ. 

Các căn phòng khu tập thể nơi tôi ở, khi ấy phần lớn sơn màu vàng nhạt. Màu thời gian cũ kỹ nhưng chứa đựng trong đó những ký ức ấm áp vô tận. Mấy nhà dùng chung cái bếp. Đến giờ nấu cơm, tiếng các mẹ các chị tíu tít gọi nhau. Mẹ thì rửa rau, bác nhà kế bên vo gạo, rửa bát đĩa… Rồi thì nhà vệ sinh cũng dùng chung cho cả mấy hộ. Điều đó dĩ nhiên là bất tiện rồi, nhưng hiếm khi nào nơi này ngưng tiếng nói, tiếng cười, tiếng chào hỏi, trêu đùa nhau… tạo thành một thứ âm thanh đặc sản mà chỉ khu tập thể mới có.

Buổi trưa hè, lũ chúng tôi trốn ngủ, hẹn nhau ra chỗ cầu thang. Cả đám rì rầm trò chuyện, thi thoảng lại: “Suỵt, nói khẽ thôi kẻo bố mẹ bắt về đi ngủ”. Ở đây, mỗi bậc thang rất thấp, nên có chạy đi chạy lại đến mấy chục bận vẫn không thấy mỏi. Thi thoảng có đứa bị bố mẹ bắt về ngủ trưa. Cả đám im re, sợ sệt, nhưng chỉ được một lúc, rồi đâu lại vào đấy. Đứa bị bố mẹ lôi về, sau một hồi, lại chạy trở ra với đám bạn. 

Khu tập thể có khe sáng xuyên qua từ bức tường hoa bê tông, có những dãy hành lang chung lộn xộn, những khoảng sân nối giữa hai khối nhà, những ghế đá, những góc đường, rồi những căn hộ bé xíu chỉ chừng 10-24 mét vuông. Cửa sổ cũng bé xíu, như ngôi nhà của bảy chú lùn trong chuyện cổ tích, nhưng đằng sau nó là cả một khung trời tuổi thơ sống động của lũ chúng tôi. 

Hồi đó khu tập thể hay bị mất điện. Mỗi lần như vậy, người lớn thì túa ra cửa, trò chuyện râm ran ngoài ban-công. Đám trẻ con chúng tôi lại í ới gọi nhau ra góc cầu thang quen thuộc. Những câu chuyện về ma quỷ, thánh thần thiên địa… lại được dịp khui ra, mỗi đứa kể mỗi kiểu. Nghe đi nghe lại mà vẫn cứ thấy hay ho, ly kỳ và hấp dẫn vô cùng. 

Khoảng sân lớn của khu tập thể là nơi đông vui nhất. Chiều chiều, khi nắng đã tắt, nhiều người già trong khu xuống sân đi dạo, tập dăm ba động tác thể dục. Các cụ không quên khơi lại những câu chuyện chiến sự thu lượm được qua chiếc radio nhỏ. Lũ chúng tôi không được phép chạy nhảy gần các cụ vì sợ làm các cụ ngã. Bố mẹ chúng tôi dặn rất kỹ điều ấy. Câu chuyện của các cụ tuy không mấy hấp dẫn, nhưng chúng tôi vẫn rất thích lân la gần đó. Nhất là khi các cụ có quà từ tổ hưu trí hoặc quà dành cho người có công với cách mạng từ tổ dân phố. Họ sẽ mang cho lũ trẻ ở khu những chiếc kẹo vừng, kẹo lạc ngọt lịm. Thỉnh thoảng cũng có cụ ngã bệnh, và bố mẹ sẽ dẫn chúng tôi sang thăm hỏi sức khỏe các cụ, đầy ân cần. 

Vui nhất là ngày tết, các hộ sẽ cùng góp chung để nấu một nồi bánh chưng. Khu tập thể có nhà có điều kiện, cũng có nhà vô cùng khó khăn. Mọi người đều đồng lòng san sẻ để nhà nào cũng có được chiếc bánh chưng ăn tết. Nồi bánh chưng thật to được đặt ngoài khoảng sân chung, chếch bên hiên nhà, khói lửa tưng bừng thâu đêm suốt sáng. Đối với chúng tôi, đó thực sự là những ngày hội. Hạnh phúc càng nhân lên gấp bội khi những chiếc bánh vuông nghi ngút khói được từ từ nhấc ra khỏi nồi, trước sự hân hoan, rạng rỡ của những con người sống trong khu tập thể. Ai cũng có thể mang về nhà mình một chiếc, đặt ngay ngắn lên bàn thờ, rồi mời ông bà tổ tiên cùng về ăn tết với cháu con. 

Hà Nội không thể đẹp nếu thiếu đi những khu tập thể như thế. Một tuổi thơ êm đềm đã đi qua. Một phần hồn chúng tôi vẫn còn lại ở đó. 

Khánh Phương

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI