Diễn đàn "Rich kid - con là ai?"

Không phải rich kid nào cũng hư!

29/03/2021 - 06:11

PNO - Không hẳn rich kid sinh ra ở "vạch đích" thì sau này sẽ thành công, và cũng không hẳn cứ rích kid thì ăn chơi, vung tiền, khoe mẽ...

Mời bạn chia sẻ quan điểm về việc con trẻ tiêu xài sang chảnh trong diễn đàn "Rich kid - con là ai?". 

Bài viết, ý kiến, clip... xin gửi về địa chỉ email online@baophunu.org.vn. Bài được chọn đăng sẽ nhận nhuận bút của toà soạn như quy định.

Ngoài dàn rich kid nổi tiếng bởi "thành tích" ăn chơi qua những bộ sưu tập siêu xe, hàng hiệu, tôi cũng được gặp các rich kid ở phía tích cực. Không phô trương khoe mẽ, nhưng các em có những phẩm chất đủ khiến bạn bè, người quen ngưỡng mộ.

Cuộc sống sang chảnh của một rich kid VIệt
Cuộc sống "ngập trong hàng hiệu" của một rich kid Việt

Hoài Anh, một rich kid có bố là "đại gia" trong lĩnh vực bất động sản ở Q. Bình Thạnh, TPHCM, mẹ là cán bộ một viện nghiên cứu lớn. Lớn lên trong giàu có, được đào tạo trong môi trường quốc tế với sự cạnh tranh "đẳng cấp giàu nghèo" khốc liệt, nhưng Hoài Anh vẫn học giỏi và khiêm tốn, dù ở bé hội tụ đủ yếu tố của một "hot girl": con nhà giàu, học giỏi, xinh đẹp, sành điệu, luôn nổi bật ở bất cứ nơi nào bé xuất hiện.

13 tuổi, Hoài Anh đã một thân một mình sang Mỹ học. Ở tuổi đó, trong khi nhiều cô cậu bé cùng tuổi ở quê nhà vẫn được bố mẹ đánh thức mỗi ngày, mua sẵn đồ ăn sáng và đưa đón đi học thì Hoài Anh phải tự bắt xe buýt đến trường giữa những trận tuyết rơi dày đặc.

Sống xa nhà, thiếu thốn tình cảm gia đình giữa thời tiết khắc nghiệt là một thử thách khiến nhiều bạn trẻ du học đầu hàng, nhưng Hoài Anh luôn dẫn đầu lớp với thành tích xuất sắc cả trong việc học lẫn các phong trào ngoại khoá của trường.

Trở về Việt Nam trong lúc nước Mỹ đang giai đoạn cao điểm dịch COVID-19, trong khi nhiều du học sinh khác chuyển sang học trực tiếp ở các trường quốc tế tại TPHCM cho thuận tiện, Hoài Anh vẫn kiên trì học online, lấy đêm làm ngày, chờ ngày trở lại Mỹ để tiếp tục bao dự định học hành còn dang dở.

Rich kid khác tôi quen trong một chuyến du lịch là bé Trần Phan Đăng Nhiên, con một "đại gia" trong lĩnh vực cung cấp các sản phẩm thuộc ngành nha ở Q.2, TPHCM.

12 tuổi, trong khi nhiều bạn bè cùng lứa đã nghiện game hoặc xem học tập như cực hình, Nhiên đã nói thạo ba ngoại ngữ Anh, Pháp, Đức, biết nấu nhiều món ăn, từng du lịch cùng ba mẹ hết 63 tỉnh thành của Việt Nam và hơn 70 nước trên thế giới.

Sở thích của cô bé có nước da màu socola đáng yêu ấy chỉ đơn giản là vẽ, chơi trống và học (tất cả đều giỏi). Nhiên ham học và đam mê ngoại ngữ nên rất chú tâm học. Đến mức, chị Oanh - mẹ Nhiên từng than phiền rằng vợ chồng chị mong con ham chơi một chút.

Thậm chí mẹ bé mong con biết làm điệu để "còn nhận ra con là con gái". Thấy con tối ngày chúi mũi học tập với cặp kính dày cộp, chị tiếc rằng tuổi thơ ngắn ngủi của con sẽ qua mau.

Không chỉ tập trung học, cô bé còn rất siêng tập luyện thể thao. Đó là nhờ Nhiên được thừa hưởng lối sống tích cực của ba mẹ - hai "vận động viên" thể thao nghiệp dư luôn có mặt trong các kỳ thi như Ultra Trail Cầu Đất 2020, HCM Marathon 2020 cũng như các cuộc thi cả gia đình đã đăng ký tham dự nhưng bị hoãn lại do dịch COVID-19 như Oceanman Krabi 2021 (Thái Lan), World scholar’s Cup HCMC regional round 2021Ironkid Da Nang 2021 dành cho trẻ em.

Bé Đăng Nhiên - Ảnh NVCC
Bé Đăng Nhiên - Ảnh NVCC

Dù nhà có hai người giúp việc nhưng ba mẹ Nhiên vẫn muốn con gái tự lập để chuẩn bị cho cuộc du học sau này. Anh chị mua một căn hộ gần nhà và cho Nhiên ở riêng để tập thu xếp mọi thứ một mình.

Cô bé rất tự tin trong việc nấu ăn, dọn rửa, giặt giũ quần áo và sắp xếp việc học mà không có người hỗ trợ vì ba mẹ thường đi công tác xa dài ngày.

Chị Oanh cho biết, anh chị rất an tâm về con, bởi từ khi học cấp I, Nhiên đã quen với việc chọn lựa và tự quyết định nhiều thứ (dĩ nhiên là với gợi ý của ba mẹ) như chọn trường để học, chọn môn năng khiếu, chọn môn thể thao phù hợp và gần đây nhất là em đã chọn nước Đức để sau này du học.

Ảnh NVCC
Nhờ thừa hưởng lối sống tích cực, lành mạnh từ bố mẹ nên Đăng Nhiên yêu thích vận động thể thao hơn các trò giải trí vô bổ - Ảnh NVCC

Tôi cho rằng, chuyện thành công hay không của những rich kid mà tôi kể vẫn là bí mật của tương lai, bởi các bé còn quá trẻ. Tiên đoán hay kết luận điều gì ở tuổi này e rằng hãy còn sớm.

Tuy nhiên, những thành quả tốt đẹp mà các bé đạt được, rõ ràng không chỉ do may mắn lớn lên trong gia đình có điều kiện, mà còn nhờ nền tảng giáo dục ưu việt của gia đình, nhờ ảnh hưởng từ những phụ huynh có lối sống lành mạnh, tích cực.

Tôi nghĩ, không hẳn cứ rich kid sinh ra đã ở sẵn "vạch đích" thì sau này sẽ thành công, cũng không phải cứ rich kid thì ăn chơi, hư hỏng. Nghĩ như thế là ác cảm, phiến diện!

Lê Thị Ngọc Vi
(Q.7, TPHCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI