PNO - PNCN - Chị bảo sống như vầy chắc chết. Không phải chết vì thiếu cơm ăn áo mặc, mà chết vì buồn, vì nản, vì mỗi ngày vô ra quanh quẩn chừng đó chuyện. Chồng thì ngày một đi nhậu về trễ hơn, con thì ngày một đi học nhiều hơn,...
Chị vốn không có thói quen bắt người khác phải chịu đựng gánh nặng tâm sự của mình. Chị đã chọn, từ hồi còn trẻ, một cách sống trầm lặng, thậm chí có phần khô khan, tất cả dành cho chồng con, không bon chen giành giật gì ở đời. Nghề nghiệp của chị cũng góp phần định hình cách sống ấy, chị là giáo viên trung học, cùng lắm là mở lớp dạy thêm ở nhà chứ cũng chẳng biết vẫy vùng gì hơn. Mà chị lại không muốn o ép học trò, không “nổ” để kéo thêm học trò về nhà, không liên kết thầy này cô kia để lập nhóm dạy kèm, không đầu tư phương pháp mới, trang thiết bị tân tiến… thành ra lớp học của chị chỉ dăm ba đứa, rồi đến lúc cũng tự tan. May mà con cái cũng đủ lớn khôn, đau ốm thì nhờ vào bảo hiểm. Con gái đầu của chị vào trường sư phạm, nối nghiệp cha mẹ, con trai chắc vài năm nữa cũng vào sư phạm luôn.
Số phận không ưu ái nhưng cũng không vùi dập gia đình chị. Chị sống không ngu ngơ, cạn nghĩ, nhưng cũng chẳng bao giờ dám chạm vào những điều gì sâu sắc. Chị sợ. Hạnh phúc được bao nhiêu thì chỉ nên hưởng bấy nhiêu, chị coi như mình đã hưởng xong hạnh phúc rồi. Cuộc sống có hối thúc phải tất bật hơn thì chọn cách hạn chế bớt những nhu cầu của bản thân, để lùi lại phía sau, né bớt gió bão. Chị bằng lòng với số phận, con cái không thiếu vắng tình thương cha mẹ, cũng lắm khi mệt mỏi muốn bỏ đi tất cả để sống cho mình mà không ngại một lý do nào khác, nhưng rồi lại thôi.
Cho đến khi chạm tay vào ngưỡng cửa tuổi về hưu, chồng chị hình như mới giật mình hốt hoảng. Anh tụ tập với bạn bè nhiều hơn, say sưa lên mạng, say sưa đi đâu đó, say sưa đến nỗi có những ngày về rất khuya, đổ ập vào nhà như cái bao tải nồng nặc mùi rượu. Đã quen với sự bình lặng cố hữu trong nhà, chị không thể lớn tiếng gây gổ, cũng chẳng thể quyết liệt yêu cầu anh chọn cái này bỏ cái kia. Mấy lần định nói chuyện với anh, nhưng rồi chị nhận ra, mình cũng chẳng có gì để mà nói: chuyện yêu thương thì đã xa xưa rồi, chuyện trách nhiệm thì anh vẫn làm tròn: đưa lương tháng đầy đủ, không đánh mắng vợ con, còn nói gì được nữa? Trong một cơn say chưa đến nỗi “quắc cần câu”, anh bảo, nhà này buồn quá, vợ này buồn quá, đời này buồn quá, hổng có gì vui sao em…
Chị nghe mấy câu nói của anh trong lúc say mà nẫu ruột. Mà anh hình như cũng không màng đến vợ đang bực bội, về đến nhà cứ dửng dưng như chuyện thường ngày, nếu có thấy nặng nề cũng mặc kệ, không mở lời nói một câu cho vui nhà vui cửa. Chị có bực thì cứ bực đi cho đã vài ngày rồi thôi, mà chị vốn cũng đã hay bực bội quạu cọ ở nhà rồi mà… Chị thấy, dần dần cảm giác vui buồn của mình cứ trơ ra. Chị trách chồng - con người ích kỷ, kém nhận thức, chỉ nghĩ đến nhu cầu cá nhân mà không quan tâm đến người khác cũng chẳng thèm tính đến hậu quả về sau. Nhưng rồi chị nghĩ, hậu quả về sau là gì vậy ta? Có là bệnh tật? Có là cô đơn? Có là gì đi nữa chắc cũng trầm trầm buồn buồn như vậy thôi chớ gì. Chị đã thử tìm những lúc anh ở nhà (ngày một hiếm) để nói bóng gió với anh về những lời lối xóm bà con góp ý, nhưng anh bảo không nhậu nhẹt phá phách gì đến họ thì thôi. Câu trước câu sau, anh đã lại dắt xe đi hoặc chúi mũi vào cái máy tính, bỏ ngoài tai mọi lời ca cẩm, càm ràm của vợ.
Gia đình càng ngày càng ít có bữa cơm đúng giờ, nếu có thì lại càng vắng vẻ, nhất là buổi tối. Chỉ có anh và chị, con cái thỉnh thoảng mới thoát khỏi lịch học thêm, làm thêm để ăn cơm chung, ít ai trò chuyện gì với nhau trừ chị cằn nhằn con sao đi hoài, sao về trễ. Ăn xong, chị thở dài đứng lên dọn dẹp, nghĩ sao việc nhà từ mua sắm, sửa sang, chăm sóc dạy dỗ con cái, cơm nước, dọn dẹp, giặt giũ, cả đến những việc không tên cũng cứ mặc nhiên là phần của mình. Cũng thấy tủi thân chút chút rồi tự an ủi số phận mình như vậy, buồn cũng chỉ nặng nề thêm thôi, ừ thì kệ, ráng vậy.
Tâm trạng trĩu nặng rồi dần như vô cảm, chị không vui chẳng buồn, cũng không để ý sức khỏe mình đang mệt mỏi theo thời gian bởi thường xuyên mất ngủ sau những lần ông chồng, thằng con về trễ. Chị cũng hay ốm vặt mà chồng con coi đó là chuyện thường, vì chị vẫn cố gắng “hoàn thành nhiệm vụ” với chồng con. Khi không khỏe, quạu cọ thêm một chút cũng không ai trong nhà chấp nhặt, vì bình thường chị cũng mấy khi vui.
Cái lần chị than thở với cô bạn cùng trường “sống như vầy chắc chết”, cô bạn đã cười mà nói với chị: “Sống sao rồi cũng chết thôi mà chị!”. Nhìn cô nói đến chuyện chết mà cười tươi tắn vô lo, chị chợt hiểu ra có cái gì đó đã sai trong cuộc sống của mình: chẳng lẽ mình sống như vầy cho đến chết? Nhưng sống khác đi rồi cũng chết mà! Mà biết sống sao cho khác đi bây giờ?
Những câu hỏi ấy trăn trở trong chị, nhiều khi làm chị chóng mặt và buồn ghê gớm. Stress không phải là một cơn đau có tên có mặt để dùng một liều thuốc là dứt cơn được. Áp lực cuộc sống cứ dai dẳng đeo bám con người, lộ ra những lúc người ta mệt mỏi, theo sát từng suy nghĩ, quyết định của người ta trong đời sống. Ly hôn ư? Cũng chẳng có lý do gì, cũng không là giải pháp. Ly hôn để làm gì? Cuộc đời chỉ cho mình lựa chọn một lần, thời hạn đổi hàng đã qua từ lâu, biên lai mua hàng cũng đã lạc đâu mất, mà chắc gì đã đổi được món hàng tốt hơn. Du lịch ư? Đồng lương công chức cũng chẳng dư dả gì để nghĩ đến một lần hoang phí, mà đi đâu bây giờ, một mình nơi xứ lạ, lỡ ốm đau bất trắc thì sao…
Mãi cho đến lúc này, chị mới nhận thấy mình đã đánh mất từ lâu lắm thói quen tâm sự với bạn bè, người thân. Có lẽ, ngày mai, chị sẽ gọi điện cho cô bạn hay cười dạy chung trường. Gia đình có phải đòi hỏi mình hy sinh hết như vậy không? Hay là mình đã tự mình tắt mình đi, tự biến mình thành một thứ buồn tẻ, nhạt nhẽo, đến lúc nào đó rồi bản thân sự hy sinh ấy cũng chẳng còn giá trị gì nữa, vì mọi thứ đã bị đánh mất từ lâu lắm rồi…