Khi người lớn “kết bè” xúc phạm trẻ

30/12/2020 - 05:41

PNO - Cậu bé lớp Tám yêu sớm, nhà trường và gia đình "kết bè" miệt thị, mạt sát cậu. Cậu bỏ nhà ra đi...

Hôm qua tôi gặp dì của Bảo Phúc. Chị nhờ tôi giúp, vì đứa cháu trai ôm quần áo bỏ nhà, bắt xe ôm về ngoại ở lì một tuần, không chịu về nhà với mẹ.

Lỗi của Phúc, theo cả dòng họ là to lắm, ghê gớm lắm. Cậu yêu cô bé lớp Tám cùng trường, gia đình bé gái phát hiện cậu rủ rê hò hẹn con nhà người ta ngồi quán hàng, lê la siêu thị và yêu cầu nhà trường xử lý.

Phúc bỏ nhà vì không chấp nhận được cách xử sự của mẹ ở trường - Ảnh minh họa
Phúc bỏ nhà vì không chấp nhận được cách xử sự của mẹ ở trường - Ảnh minh họa

Nhà trường gọi cả mẹ Phúc cùng mẹ cô bé kia lên làm việc. Mục đích thì cơ bản thôi: cấm yêu đương hẹn hò, nhắc chú bé tập trung học hành.

Mẹ Phúc xin lỗi nhà bên kia, chị còn khóc tại phòng hiệu trưởng. Với Phúc, hình ảnh mẹ vừa khóc lóc vừa kể xấu con trai trước mặt hiệu trưởng và những lời mẹ bạn gái liên tục miệt thị cậu là không thể chấp nhận.

“Căm hận cả thế giới”, cậu trộm ít tiền của mẹ và ôm quần áo, bắt xe ôm về nhà bà ngoại ở Q.Tân Phú, TP.HCM. Suốt một tuần sau đó, Phúc chịu đựng sự tra tấn của… các dì, các cậu. Tối nào cũng có người sang giáo huấn cháu. Mẹ Phúc tới đón con không được, chốc chốc lại nhắn tin vừa kể lể công ơn, vừa la mắng rồi lại năn nỉ Phúc về nhà.

Phúc có vẻ là chàng trai dậy thì khó khăn và bất ổn. Cha mẹ cháu ly hôn và giành con ở cổng trường suốt những năm cấp I. Lên lớp Bốn, Phúc đã có người bạn gái đầu tiên. Sau này, cứ chừng vài tháng, cháu “đổi” bạn gái một lần. Vấn đề là, vì đâu Phúc luôn kết thân với những người bạn gái và đổi bạn gái nhanh chóng; có cách nào “hãm” tốc độ yêu đương của cậu lại không, thì mẹ và cả nhà trường không bỏ công tìm hiểu. Họ chọn cách đơn giản hơn: “đánh phủ đầu” bằng cách cấm cản, dọa nạt, buông lời xúc phạm…

Tôi vẫn hay hỏi bạn bè một câu đến nhàm: "Ngày xưa ông/bà không thế sao?”. Đấy là khi tôi thấy bạn bè cứ hốt hoảng khi khám phá ra đứa con tuổi teen ngoan hiền bỗng nổi loạn, mất kiểm soát.

Từng được nhiều đồng nghiệp “nhờ vả” kết giao với các bé tuổi teen, khi cha mẹ chúng… đầu hàng, tôi chia sẻ cảm nhận của mình thế này: đứa bé nào cũng có thể “rất hư”, rất nhiều “chiêu”, lừa lọc và “trên cơ” cha mẹ vì chúng vốn thông minh, lại được xem - nghe - đọc khối kiến thức tâm lý - xã hội khổng lồ mỗi ngày.

Trẻ bây giờ có chính kiến và xác định lối sống rất sớm. Thế nhưng, nhà trường và cha mẹ vẫn giáo dục trẻ bằng những kiến thức, phương pháp quá cũ, những “chiêu” dạy con cứng nhắc. Ai cũng hòng mong áp dụng răm rắp lên mọi đứa trẻ, trong khi mỗi đứa trẻ là một sự khác biệt. 

Chúng chỉ giống nhau ở chỗ: vô cùng cô đơn, không thể chia sẻ những bất ổn với ai, rất nhạy cảm, luôn có cảm xúc tiêu cực ở mức quá cao khi bị xúc phạm. Đây là tâm lý bình thường mà nếu cha mẹ nhớ lại, thì khi xưa ta bé, ta cũng hệt vậy.

Thế nên, khi “làm thân” với bọn trẻ, tôi thường hay bắt đầu bằng việc kể về mình: “Nhìn con cô nhớ cô ngày xưa quá. Hồi ấy mắc cười ghê, cô từng bị đuổi học, từng nghĩ mình vô dụng, cô từng muốn nhảy xuống sông, lấy cái chết của mình để trả thù thầy cô… Nhìn cô thế này, con thấy khó tin không?”. Chúng bắt đầu mắt chữ O, miệng chữ A, sau đó xáp lại gần tôi hỏi han, chia sẻ…


Mai Oanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI