edf40wrjww2tblPage:Content
.png)
Vợ chồng Quý Vân - Kiến Nam rạng ngời trong ngày cưới
Niềm tin từ sự sẻ chia
“Đây là cháu tôi”, mỗi lần nhớ lại câu nói này của mẹ, Hoàng Ân(*), ngụ Q.8, TP.HCM lại nghe tim đau nhói. Đưa Ân đi khám, vô tình gặp bác sĩ là đồng nghiệp công tác cùng bệnh viện mười năm trước, mẹ Ân đã nói như vậy. Ở trường cai nghiện về, Ân được mẹ quản lý chặt chẽ: kiểm soát ăn uống, không cho sử dụng điện thoại, không được giữ chìa khóa nhà, đi đâu mẹ chở, mẹ bận thì Ân chỉ ở trong phòng. Ngôi nhà năm tầng khang trang không cho Ân một chốn nương thân đúng nghĩa, thậm chí, đó chính là tù ngục, khiến Ân phải lén tìm đến Trung tâm tham vấn và hỗ trợ cộng đồng Pháp Bảo (Q.Gò Vấp, TP.HCM).
Cách yêu thương của mẹ không được Ân cảm nhận trong tình trạng tâm lý nhạy cảm, mất thăng bằng của mình. Những lời nói, cử chỉ vô tình cũng có thể là mũi kim châm vào vết thương lòng đứa con. Mặt khác, nếu không tìm hiểu, trang bị kiến thức, gia đình sẽ lúng túng, không biết cư xử, hành động thế nào là đúng, là tốt cho người thân bị nhiễm HIV.
Tai ương trùm lên túp lều nhỏ của chị Nguyễn Thị Hạnh (P.Trường Thọ, Q.Thủ Đức) khi chị bỗng dưng nổi hạch cổ, sốt mỗi chiều và đi xét nghiệm phát hiện mình bị dương tính với HIV. Tại Trung tâm Y tế dự phòng Q.Thủ Đức, cầm kết quả, chị ôm con khóc. Nỗi đau càng chồng chất khi chị biết chồng và một đứa con cũng nhiễm bệnh. Lúc nào chị cũng nghĩ đến cái chết. Nếu không có sự chia sẻ, không có điểm tựa từ chồng, từ mẹ ruột, có thể chị đã ngã gục trước cuộc sống bế tắc.
Gia đình chị còn được sự quan tâm hỗ trợ kịp thời của các nhân viên Trung tâm Công tác xã hội trẻ em (Sở Lao động, thương binh và xã hội TP.HCM), khi thì thùng mì ăn liền, lúc là học bổng cho con… Cuộc sống gia đình dẫu còn nhiều cơ cực nhưng tình thương từ bao người đã thắp lại cho chị niềm vui, tin vào điều kỳ diệu ở phía trước.
Chị Hạnh giấu biệt chuyện nhà có bốn thành viên thì hết ba người bị nhiễm HIV. Vì che giấu tình trạng bệnh của mình nên anh chị làm thuê ở đâu cũng không bền vì mỗi tháng phải nghỉ mấy ngày đi lãnh thuốc hoặc không thể làm việc vì sức khỏe kém. Chủ thuê không biết anh chị mắc bệnh nên khó có thể cảm thông, hỗ trợ. Chị Hạnh luôn băn khoăn, có nên cho người khác biết bệnh tình của mình?
Tuy nhiên, theo chị Trương Thị Hồng Tâm (tác giả hồi ký Tâm Si đa - Vượt lên cái chết), chị Hạnh nên mạnh mẽ hơn, cân nhắc để chia sẻ tình trạng sức khỏe của mình với một số người, tổ chức xã hội. Người nhiễm HIV, sống khép kín dễ thiệt thòi cho bản thân và gia đình, hơn nữa, càng làm tăng sự kỳ thị, phân biệt đối xử trong cộng đồng và dễ lây lan cho người khác vì không đề cao ý thức phòng vệ.

Túp lều xiêu vẹo, rách nát nhưng ấm áp của vợ chồng chị Nguyễn Thị Hạnh
Bó hồng "độc nhất vô nhị"
Quý Vân (Trưởng nhóm tiếp cận, tham vấn phụ nữ mại dâm Bình Minh Đêm) và chàng trai kém bốn tuổi - Kiến Nam vừa làm lễ thành hôn trong lễ cưới tập thể của chín cặp đôi đồng tính, chuyển giới và nhiễm HIV diễn ra ngày 14/11 tại Đà Nẵng. Ba mẹ của Nam còn lên kế hoạch tháng 12 sẽ về quê nhà gái ở Cần Thơ để làm lễ rước dâu. Lúc chưa cưới, ba mẹ Nam đã mời Vân về ở chung nhà để không phải tốn tiền thuê trọ. Con gái của Nam và người vợ đã chết vì bệnh AIDS gọi Vân là mẹ. Họ gắn kết thành một gia đình. Trong gia đình ấy, không có nguyên tắc thông thường nào tồn tại ngoài tình yêu và cần có nhau.
Họ gặp nhau lần đầu tại Trung tâm Y tế dự phòng Q.3, TP.HCM khi Nam là bệnh nhân đến điều trị còn Vân là nhân viên tiếp cận xã hội, tham vấn cho cộng đồng. Bẵng một thời gian dài, Vân bất ngờ nhận được lời thăm hỏi từ Nam khi đang ở trại tù Xuân Lộc (Đồng Nai). Mấy lần cùng gia đình lên trại thăm Nam, Vân nhiệt tình động viên, khuyên nhủ Nam cải tạo tốt như cách Vân vẫn thường tham vấn. Tuy nhiên, lần thứ tư lên thăm, tim Vân bắt đầu bồi hồi khi đón nhận từ Nam một bó hồng. Bó hồng gồm nhiều hoa đủ sắc màu tự tay Nam tỉ mẩn xếp bằng bao xốp đựng trái cây từ những lần Vân mang vào trại. “Em có chờ anh không?” - trao bó hồng, Nam khẽ hỏi.
Những dòng thư từ Vân đã bộc bạch hết khoảng lặng sâu kín trong cuộc đời truân chuyên chìm nổi của mình: từng nghiện ma túy, làm gái mại dâm, dang dở hai lần đò, nhiễm HIV... “Nếu anh cũng như em, quyết xếp lại quá khứ, giúp ích cho người đồng cảnh thì bao lâu em cũng sẽ chờ”. Tình yêu của Vân khiến Nam “lột xác”, đầu tiên là cải tạo tốt, được đặc xá vào dịp 30/4/2014 (về trước hạn chín tháng), sau đó trở thành một tiếp cận viên xông xáo, trách nhiệm trong hỗ trợ, tham vấn cho người sử dụng ma túy.
Để Nam cứng cỏi hơn và hòa nhịp vững vàng trong cuộc sống mới, Vân vừa thử thách vừa chia sẻ, động viên chồng mà cũng là để vực dậy bản thân. Vân nghĩ, trước đây mình đã làm nhiều điều xấu nên không thể đòi hỏi gia đình, xã hội sẵn sàng dang tay đón nhận mình. Cứ kiên trì làm điều tốt, có ích rồi sẽ dần cải thiện được hình ảnh trong mắt mọi người.
Nắm tay Vân, Nam chia sẻ: “Vợ tôi là người kéo tôi lên từ hố sâu. Giờ đã có vợ quan tâm, tôi thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa. Trước khi làm gì, tôi cũng suy nghĩ đến vợ, sợ làm vợ tổn thương. Giờ đây, mỗi sáng thức dậy, tôi cảm thấy vui và khát khao sống chứ không bất mãn, chán chường và chỉ muốn nổi loạn, lao đầu vào chỗ tối như trước”. Đường đời xuôi ngược có nhau, Vân - Nam đếm hạnh phúc bằng khoảnh khắc vợ chồng rủ nhau uống thuốc, nhắc nhau ăn uống kỹ lưỡng, giặt cho nhau chiếc áo...
TÔ DIỆU HIỀN
(*): Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.
Có thể thấy sự kỳ thị người nhiễm HIV đã giảm, những người nhiễm HIV được sống chung trong mái nhà với người thân, được bảo bọc, chăm sóc. Dù vậy, sự kỳ thị từ phía gia đình và cộng đồng vẫn còn với những sắc thái, mức độ khác nhau. TP.HCM đang hướng tới kết thúc đại dịch vào năm 2030, đòi hỏi toàn xã hội hành động vì mục tiêu "ba không": không người nhiễm mới, không phân biệt đối xử, không chết do AIDS. Cụ thể, người có nguy cơ phải được xét nghiệm, phát hiện sớm, điều trị ngay và tuân thủ điều trị tốt; mạng lưới điều trị dự phòng cho người phơi nhiễm được mở rộng, dự phòng lây nhiễm cho người có nguy cơ. TP.HCM đang có khoảng 30.000 người điều trị bằng ARV, kết quả rất khả quan. TS-BS Lê Trường Giang (Chủ tịch Hội Y tế công cộng TP.HCM) |