Học sinh nghỉ dài, thầy cô như ngồi trên lửa chứ sung sướng gì

08/02/2020 - 10:15

PNO - Sau khi học sinh các tỉnh thành được thông báo nghỉ tiếp tuần thứ 2, càng nhiều mũi dùi chĩa về phía các thầy cô. Nhưng họ nào có biết, nghề giáo viên không nhàn như người ta vẫn nghĩ, kể cả khi được nghỉ hay có vẻ được nghỉ.

Giữa tâm dịch virus corona, người người, nhà nhà đều thấp thỏm. Đa phần người lao động vẫn phải đi làm nhưng ruột gan mấy ai trọn tâm vào công việc. Người ta bàn tán nhau “con cái gửi ở đâu” “tích trữ được những gì” “giá cả thịt cá tăng hơn ngày hôm qua, hôm kia là mấy”…

Mời bạn chia sẻ quan điểm, thông tin riêng và câu chuyện liên quan dịch viêm phổi do virus corona cùng Báo Phụ Nữ. Tin bài xin gửi tới email: online@baophunu.org.vn

Có người khẽ thở dài phân bì “chỉ có thầy cô là sướng vì được nghỉ theo học sinh mà vẫn ăn lương, lại có thời gian ở nhà chăm và chơi với con”. Chỉ có những người trong cuộc mới thấu hiểu: thầy cô cũng như ngồi trên đống lửa chờ ngày đi học lại.

Câu nói “sướng trước khổ sau” vẫn được nghe trong nhà trường là vì thỉnh thoảng thầy cô và học sinh tạm nghỉ khi có thiên tai, địch họa. Nghỉ trong điều kiện đặc biệt như thế là khi người giáo viên thèm khát được đi dạy như những ngày bình thường. Bởi sau đợt nghỉ, kín lịch để dạy bù, chồng chéo trong buổi học mà chương trình vẫn phải kịp tiến độ cho các đợt kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ.

Bình thường buổi học 3, 4 tiết được đôn lên thành 5 tiết mà nhiều môn vẫn không kịp thời gian. Thậm chí giờ ra chơi, thầy cô còn tranh thủ ra thêm bài về nhà để các em ôn tập. Biết học sinh đã uể oải vì đói vì mệt nhưng thầy cô cũng chỉ biết cười động viên “cố lên chút nữa các em”.

Áp lực càng đè lên vai giáo viên cuối cấp khi chương trình vừa nặng vừa nhiều. Kết quả trong các kỳ thi ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng giáo dục và tâm lý người dạy, người học. Những lỗ khuyết dài về thời gian thật khó lấp trống bằng những tiết dạy chỉn chu.

Mặt khác, đa phần trường học chính khóa trong hệ thống quốc dân đang học theo phương pháp truyền thống: học tập trực tiếp ở nhà trường. Vì vậy sự tương tác bài vở với học sinh ở nhà không phải là chuyện dễ dàng. Thầy cô lập grop (nhóm) trên Facebock, Zalo  hay nhắn tin Messenger  chỉ giải quyết được khâu tình thế nóng ruột của cá nhân chứ để học sinh tự giác, nghiêm túc chấp hành thì hơi khó vì không có quy chế ràng buộc, với lại các em vốn đã chưa quen cách học online. Nên học được chữ nào hay không thì thầy cô không dám kỳ vọng, chỉ biết cầu trời cho cô trò chóng gặp lại nhau mà rượt đuổi với thời gian.

Đó là chưa kể nỗi khổ của những giáo viên ở các vùng sâu vùng xa, các trung tâm dạy nghề sau mỗi đợt nghỉ dài ngày bất kể lễ tết hay thiên tai. Tâm lý lười học của học sinh là một căn bệnh nan y mà thầy cô nơi đây trăn trở. Làm thế nào để huy động học sinh và liên lạc với phụ huynh để các em quay lại trường học đúng lịch không phải là chuyện dễ dàng.

Nhiều giáo viên thôn bản mất ăn mất ngủ, cơm nắm khăn đùm lội bộ hàng chục cây số để thuyết phục các em tới lớp. Nhiều trung tâm, trường học lổn nhổn vài bóng dáng học sinh vì “các em nghỉ mãi cũng quen”, thêm đó là sự rủ rê của những bạn bè đồng trang lứa nghỉ học sớm đi làm ăn xa.

Sự “thất thoát” học sinh là một hiện thực có thật và đang trở nên phổ biến khiến nhà trường và bản thân thầy cô ái ngại mỗi đợt nghỉ dài ngày. Cuốn sổ đánh vắng học sinh thường trở nên kín chỗ nên thầy cô chọn cách ghi học sinh có mặt. Số buổi nghỉ học của các em nhiều đến mức thầy cô cũng ái ngại và “ém” bớt đi để tạo điều kiện cho các em có cơ hội ngồi lại trên ghế nhà trường.

Lũ lụt thì thầy cô è lưng dọn lụt, dịch bệnh thì thầy cô cũng phải gửi con, thậm chí đưa con đến trường vì không có nội ngoại ở gần để cùng nhau lau từng góc bàn, cái ghế, giặt từng chiếc khăn bàn, chùi từng nhà vệ sinh, lớp học. Mỗi tuần thầy cô đứng lớp trung bình 17 tiết chuẩn tương ứng với 5 buổi thì trong những đợt này, số buổi thầy cô được ở nhà cũng không nhiều hơn, chưa kể nhiều khi có lệnh điều động đột xuất dựa theo diễn biến tình hình.

Mỗi nghề mỗi việc, chẳng có nghề nào chính đáng mà việc nhẹ lương cao. Nghề giáo vốn đã nổi tiếng “nghèo mà sang”. Với đồng lương không nhiều nhưng khi đã dấn thân, ít ai nghĩ tới chuyện bỏ nghề, vì cái “sang” của nghề chính là đứng trên bục giảng, được làm tấm gương cho học sinh noi theo. Để các em hiểu rằng: mỗi buổi sáng đứng trên bục giảng là suốt cả đêm họ thức trắng soạn bài. Các em có kết quả cao, ý thức rèn lyện tốt là khi thầy cô quên đi bản thân, thậm chí có chút lơ là gia đình để sát cánh cùng học sinh thân yêu trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào. Thế mới thấy, nghề giáo viên không nhàn như người ta vẫn nghĩ, kể cả khi họ được nghỉ hay có vẻ họ được nghỉ!

 Lâm Hoàng (giáo viên THPT tỉnh Thừa Thiên - Huế)

                                                                                                                                                                         

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(8)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI