Câu chuyện tình yêu: Người có tình rồi sẽ về bên nhau

21/05/2025 - 11:30

PNO - Không có đám cưới đường hoàng, không được gia đình 2 bên chấp thuận, từng lạc mất nhau trong đời, chuyện tình của ông Nguyễn Công Lý và bà Đặng Thị Minh Nguyệt (ngụ quận Bình Tân, TPHCM) là minh chứng cho câu: “Người có tình rồi sẽ về bên nhau dẫu muôn ngàn trắc trở”.

Những bức ảnh cưới đầu tiên sau mấy chục năm chung sống của ông Lý và bà Nguyệt được chụp vào dịp cận lễ 30/4/2025 - Ảnh do nhân vật cung cấp
Những bức ảnh cưới đầu tiên sau mấy chục năm chung sống của ông Lý và bà Nguyệt được chụp vào dịp cận lễ 30/4/2025 - Ảnh do nhân vật cung cấp

Cuộc chia ly không lời hẹn ước

Năm 1979, duyên số run rủi đưa ông Nguyễn Công Lý (sinh năm 1956) gặp bà Đặng Thị Minh Nguyệt (sinh năm 1961). Ông Lý và anh trai bà Nguyệt là bạn học lái xe cùng nhau. Những buổi theo chân bạn về nhà chơi mỗi cuối tuần, ông Lý đã gieo mầm thương nhớ trong lòng người thiếu nữ. Thấy ông Lý hiền lành, chân chất, học giỏi, lại đẹp trai, bà Nguyệt thêm mến mộ.

Đối với ông Lý, bà Nguyệt khi ấy là đóa hoa xinh xắn, dịu dàng. Tình cảm vừa chớm nở thì ông Lý nhập ngũ. Bà Nguyệt tìm đến quân trường nơi ông huấn luyện nhưng vì quy định nghiêm ngặt, bà đành lủi thủi ra về.

Không lâu sau, ông Lý được điều động sang chiến trường Campuchia làm nhiệm vụ. Họ giữ liên lạc qua thư nhưng dần dà, những cánh thư thưa dần rồi bà Nguyệt không còn nhận được tin tức gì từ ông. Bà nhớ lại: “Khi ấy, tôi cứ hỏi anh trai xem có tin gì của anh Lý nhưng anh tôi đều lắc đầu. Lúc đó tôi nghĩ chắc anh Lý không thương mình vì khi còn ở Việt Nam, anh chưa từng dẫn tôi về quê ra mắt. Đến khi đi, anh chẳng nói một lời; viết thư chỉ hỏi thăm mà không hề có lời hẹn ước…”.

Nhắc lại chuyện mấy chục năm trước, giọng bà Nguyệt vẫn như hờn trách. Ngồi cạnh vợ, ông Lý liền giải thích: “Nhập ngũ thời đó, tình hình biên giới còn bất ổn, có ngày đi không biết ngày về nên tôi không dám hứa hẹn, bởi lỡ hẹn rồi mà không về được thì khổ thân con gái người ta”.

Vì bặt tin ông Lý, bà Nguyệt lấy chồng rồi sinh con. Trớ trêu thay, khi bà đã lên xe hoa, anh bà mới liên lạc được với ông Lý. Hay tin người con gái ấy đã lấy chồng, ông nghe tái tê trong lòng nhưng rồi cũng gửi lời chúc phúc.

Cuộc hôn nhân của bà Nguyệt kết thúc chóng vánh do cả hai không tìm được tiếng nói chung trong cuộc sống. Bà trở thành mẹ đơn thân, một mình nuôi con nhỏ. Người ta thường nói “người có tình rồi sẽ về với nhau”, quả đúng như vậy. Năm 1983, ông Lý trở về quê hương, tìm gặp lại người xưa. Mặc cảm bản thân đã một đời chồng và day dứt vì đã không kiên nhẫn chờ người ta, bà Nguyệt tìm cách tránh mặt. Nhưng rồi, chính tình cảm chân thành ông Lý dành cho mẹ con bà đã giúp bà gạt bỏ mọi rào cản, mạnh dạn mở lòng đón nhận tình yêu.

Bà kể: “Thời gian đầu khi ông ấy qua nhà chơi, con gái tôi lúc đó mới 2 tuổi cứ chen vào ngồi giữa, hễ thấy ông ấy đến gần tôi, con lại la lên, đẩy ra. Nhưng một thời gian sau, bé cảm nhận được tình thương của ông nên mỗi lần ông đến, bé lại sà vào lòng, quấn quýt không rời”.

Từ người vợ bị từ chối đến nàng dâu số một

Những tưởng vượt qua thử thách, mối tình trắc trở ấy cũng tới ngày kết trái ngọt ngào. Nào ngờ, đoạn tình chắp nối vấp phải sự phản đối quyết liệt từ cả 2 bên gia đình. Với dòng tộc, ông Lý là trưởng nam, lại là trai tân, nên việc cưới một phụ nữ từng dang dở hôn nhân, lại có con riêng là điều khó chấp nhận. Về phía gia đình bà Nguyệt, dù quý mến tấm lòng ông Lý nhưng nỗi lo con gái mình phải chịu thiệt thòi, bị nhà chồng xem nhẹ vẫn canh cánh trong lòng. Bỏ ngoài tai bao lời bàn tán, ngăn cản, cuối năm 1983, cặp đôi quyết định về chung nhà, chỉ đăng ký kết hôn mà không tổ chức đám cưới rình rang.

Ông Lý và bà Nguyệt vui sống bên nhau ở tuổi ngoài 60 - Ảnh: Nhã Chân
Ông Lý và bà Nguyệt vui sống bên nhau ở tuổi ngoài 60 - Ảnh: Nhã Chân

Nhắc đến ngày ấy, đôi mắt bà Nguyệt ngân ngấn lệ: “Tôi chỉ thấy thương ổng thiệt thòi đủ bề. Trai tân, cháu đích tôn của cả dòng họ mà lại lấy người đã có con riêng, đến cái đám cưới tử tế cũng không có…”. Ông Lý nắm nhẹ tay vợ, giọng trầm ấm: “Thời đó mình nghèo quá, vợ chồng tối mắt tối mũi làm lụng lo cho con, đâu dám nghĩ tới chuyện cưới xin rình rang”.

Ký ức về những năm tháng gian khó vẫn còn in sâu trong lòng bà Nguyệt: “Về chung sống một thời gian, tôi với ổng có thằng con trai. Ổng làm nghề lái xe, thường xuyên vắng nhà. Con trai vừa tròn 1 tháng, ổng đã biền biệt mấy tháng trời không tin tức. Vậy là tôi vừa ôm con mọn vừa nuôi heo kiếm thêm, vừa tranh thủ đi dạy trẻ ở trung tâm. Nhiều hôm, tôi đến trường đón con gái lớn và thấy chỉ còn mình con đứng đợi. Rồi tôi lại vội vã chạy sang đón thằng bé. Trên chiếc xe đạp cũ, 1 đứa phía trước, 1 đứa phía sau, tôi tủi thân lắm”.

Ban đầu, cha mẹ ông Lý không vừa bụng nàng dâu. Nhưng rồi, tháng ngày chứng kiến con dâu tảo tần gánh vác gia đình, một lòng một dạ vì chồng con, suy nghĩ của họ dần thay đổi. Tình thương cha mẹ chồng dành cho bà Nguyệt cứ thế lớn dần. Ông Lý khẽ mỉm cười, ánh mắt đầy tự hào: “Nhà có đến 5 nàng dâu nhưng vợ tôi luôn là số 1 trong lòng mẹ”.

Sau mỗi chuyến đi làm xa trở về, ông Lý xoa dịu những giận hờn, tủi thân của vợ bằng sự chu đáo, chân thành. Mọi việc từ chăm sóc cửa nhà, con cái, ông đều quán xuyến. Khi bà sinh con thứ ba, ông chuyển về làm gần nhà hơn để tiện bề chăm lo vợ con. 41 năm bên nhau, vượt qua bao gian khó, giờ đây niềm hạnh phúc lớn nhất của ông bà là nhìn thấy các con trưởng thành, ăn học thành tài và có công việc ổn định.

Xa nhau nhưng lòng luôn hướng về nhau

Năm 2008, khi má ruột qua đời, ông Lý quyết định trở về quê nhà ở huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An sinh sống và chăm lo nhà thờ tổ. Mỗi khi nhớ vợ con, ông lại chạy xe máy vượt hơn 40km lên TPHCM thăm. Còn bà Nguyệt, vì muốn ở lại thành phố trông nom cháu để các con yên tâm công tác nên cũng chẳng thể theo chồng về quê. Các con nhiều lần khuyên cha về sống cùng để tiện bề chăm sóc lúc tuổi già nhưng ông không đồng ý. Hiểu tính chồng, bà Nguyệt tôn trọng quyết định ấy. Thế là ông bà thay phiên nhau đi về giữa 2 nơi, vun đắp tình cảm bằng những chuyến thăm nom.

Hôm thực hiện cuộc phỏng vấn cùng chúng tôi, ông Lý lặn lội từ Long An lên TPHCM. Thấy chồng nhễ nhại mồ hôi, bà Nguyệt vội vàng lấy chiếc khăn mềm lau mặt, chỉnh lại vạt áo cho ông, rồi ân cần rót ly nước mát. Bà khẽ trách yêu: “Lúc trước má bệnh thì nói về chăm má, má khuất rồi thì lên đây với vợ con. Hứa mà có giữ lời đâu, bao nhiêu năm cứ ở miết dưới đó”. Ông Lý chỉ cười hiền: “Ở đâu quen đó, anh thấy không khí dưới quê thoải mái, hợp với anh hơn. Miễn sao lòng vợ chồng mình luôn hướng về nhau là được”.

Nhã Chân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI