Hết lòng với nhà chồng, lạnh lùng với ruột thịt

07/01/2020 - 10:20

PNO - Với người ngoài, chị đã giúp thì như đinh đóng cột, còn với người ruột thịt trong nhà, mọi chuyện chỉ là dự tính/dự định...

Chị được ăn học đến nơi đến chốn, gia đình có của ăn của để, chị có chức quyền cao, và nếu so với các anh chị em khác trong gia đình, thì chị không khác gì làm “quan”. Đây là điều không ai phủ nhận.

Đó là những lần chồng chị, bạn bè, hay bà con bên chồng gặp chút rắc rối liên quan đến cơ quan công quyền về mặt giấy tờ, thủ tục… khi đến tay, chị giải quyết cái rụp. Công việc kinh doanh của chồng chị suôn sẻ, thành công mỹ mãn đến ngày hôm nay, là nhờ sự đóng góp công sức không nhỏ của chị. Vì thế, có thể nói, với người ngoài, chị không khác chi ân nhân, với chồng, chị là hình mẫu của một người vợ “vượng phu”. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cô em chồng chị chân ướt chân ráo từ miền Trung vào, tốt nghiệp cao đẳng ngành kế toán, nhờ các mối quan hệ của chị dâu mà xin được công việc khá tốt với mức lương cao. Thế mà với bản tính “ẩm ương”, chẳng nơi nào cô làm quá một năm. Chỗ thì xa nơi ở, chỗ thì không hạp với đồng nghiệp.

Lần này, cô lại tiếp tục nhảy việc vì biết chỗ quen biết với chị dâu mình là đơn vị sự nghiệp, dù sao “cũng có uy tín và lâu dài hơn, chế độ đãi ngộ cũng tốt hơn”, như lý giải của cô. Cũng rất nhiều lần, bạn bè, người thân bên chồng chị khám bệnh, nhờ sự gửi gắm của chị mà việc khám chữa bệnh cũng diễn ra nhanh chóng, suôn sẻ. Mọi giao dịch giấy tờ nhà đất, xin học cho con em họ cũng được chị lo lắng chu đáo mà không đòi hỏi quyền lợi gì.

Nhưng nhìn lại về phía gia đình chị, qua những lần có dịp tâm sự cùng mẹ chị, thì hình như có gì đó sai sai.

Chị Hai của chị 46 tuổi bị thất nghiệp do công ty làm ăn thua lỗ nên giải thể. Vừa lớn tuổi, trình độ chỉ tốt nghiệp lớp Mười, chị Hai bèn nhờ mẹ mở lời nhờ chị xin một công việc ổn định vừa sức như lao công, dọn dẹp văn phòng nào đó. Mẹ chưa dứt câu, chị đã giãy nãy lên: “Biết bả có làm bền không, hay lại làm mất uy tín con, rồi mặt mũi con để đâu?”. Mẹ chị bảo, cứ nói là chị bà con cho đỡ mất mặt. Lúc này mặt chị mới giãn ra: “Để con xem lại đã rồi trả lời sau”. 

Cú “xem lại” của chị kéo dài đến nay là ba năm và vẫn chưa thấy trả lời. Trong khi một thời gian sau đó, chị bà con bên chồng (tuổi tác cũng tương đương, trình độ chỉ cấp II) lại được chị ưu ái giới thiệu một công việc khá tốt. Công việc phù hợp, vừa sức, lương lại thỏa đáng, nên đợt rồi chị ấy kéo cả chồng mình vô làm bảo vệ chung nơi làm việc, con trai được nhập học một trường tiểu học điểm tại một quận. Tất nhiên là có sự giúp đỡ vô tư hết lòng của chị. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cháu ruột chị nhìn về phía em chồng chị mà thèm thuồng một công việc tương tự. Nói nào ngay, nó nhập hộ khẩu theo ba (ở tỉnh), tốt nghiệp trường đại học cũng ở tỉnh, nên con đường làm việc có đôi chút gập ghềnh, từ bằng cấp cho đến hộ khẩu, dù nó cũng thuộc dạng chịu khó và có năng lực. Đem vấn đề trên đề cập với chị, cũng như lần trước, chị giãy nãy: “Nó làm có bền không, hay lại nghỉ ngang làm con mất uy tín. Thôi để con xem lại!”.

Với người ngoài, chị đã giúp thì như đinh đóng cột, còn với người ruột thịt trong nhà, mọi chuyện chỉ là dự tính/dự định theo kiểu: “Con dự tính/dự định giới thiệu chỗ làm này ngon lắm mà con sợ làm không bền nên con thôi”. Nói chung lúc nào chị cũng có lý do để từ chối. Ban đầu mẹ chị còn hào hứng hỏi chuyện, sau mẹ chị không đề cập đến nữa. 

Thứ Hai tuần trước, nhỏ em út bị đau bụng, cơn đau càng lúc càng quặn khiến mặt em tái xanh, môi nhợt nhạt. Do là buổi sáng của ngày đầu tuần, các bệnh viện thường hay quá tải, lại không thuộc dạng cấp cứu khẩn cấp, nên phải ngồi chờ đến hơn một tiếng đồng hồ mới đến lượt khám. Biết chuyện, chị xót xa: “Sao không gọi cho con? Con nói một tiếng với giám đốc bệnh viện để vô khám nhanh”. Chị nói mà quên mất chuyện tương tự cách đây không lâu, em trai chị vừa nhờ chị gửi gắm để khám bệnh tay chân miệng cho con, thì bị chị xạc cho một trận với giọng điệu xéo xắt: “Bộ tưởng tui là thánh hay sao mà chuyện gì cũng đến tay tui?”.

Dễ tính với bên chồng, chuyện tiền bạc chị cũng rất rộng rãi. Bốn năm trời chị chu cấp em chồng ăn học, kiếm cho công việc tốt, sắm sửa đủ thứ phục vụ sinh hoạt hằng ngày. Sau này, có đôi lần chị còn cho em chồng mượn tiền và xác định là không đòi lại. Trong khi em trai chị, do làm ăn thất bại nên đời sống khó khăn, có tháng lương về trễ không đủ trang trải nên mượn đỡ chị năm triệu đồng. Đó là số tiền quá nhỏ nếu so với tổng thu nhập hằng tháng của gia đình chị. Ấy thế mà hễ gần tới hạn trả, chị cứ lượn qua lại nhà mẹ ruột, nhờ mẹ hỏi dò em trai về khoản tiền mượn rồi nhắc phải trả cho đúng hẹn. 

Chiều nay, trên trang cá nhân của chị là hoạt động từ thiện mới nhất vừa được chị cập nhật với dòng trạng thái: “Cuộc sống là vô thường, hãy yêu thương nhân loại, yêu cuộc sống và nhất là gia đình, những người thân ruột thịt. Cùng nhau mở rộng tấm lòng nhân ái để cuộc sống tốt đẹp hơn…”.

Tuyết Mai

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(3)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI