Hãy đồng hành, đừng quản lý

10/09/2013 - 11:23

PNO - PNO - Đọc loạt bài “Cuộc chiến hai thế hệ”, tôi chợt nhớ đến chị họ tôi. Con học lớp 11 mà anh chị vẫn đưa đón mỗi ngày. Con bé mắc cỡ với bạn nên cứ đòi bố mẹ đứng đợi cách cổng trường một quãng.

edf40wrjww2tblPage:Content

Hay dong hanh, dung quan ly

Có lần, tôi hỏi cháu để tóc dài qua lưng chi cho vướng víu, nóng nực, lại trông già trước tuổi. Cháu trả lời cố ý cho mẹ nghe: "Thì mẹ bắt cháu để vậy!" Chị tôi "đốp" ngay: "Không để vậy thì lại đi nhuộm tím, nhuộm đỏ hay uốn xoăn như bọn nít ranh à?" Áo quần cô bé mặc cũng phải theo ý mẹ, mà màu sắc ưa thích của chị chỉ là trắng, xanh hoặc đen chứ con bé chẳng được rớ tới các màu khác, dù đang tuổi "ô mai". "Vậy đi cho nó "lành", diêm dúa sặc sỡ rồi tập tính se sua chưng diện chứ ích gì?". Chị giải thích, khi tôi hỏi sao không cho con bé ăn mặc tươi tắn một tí.

Chuyện bạn bè của con bé mới thật sự làm nó có cảm giác bị mẹ "kiểm soát". Con nhà nghèo thì chị không cho chơi, còn mấy đứa nhà giàu thì con bé lại không thích vì "tụi nó chảnh quá", lại hơn thua, so kè nhau từng tí. Chị chỉ cho con chơi với những bạn học giỏi, sợ con chơi với bạn học kém lại "gần mực thì đen". Rốt cục, con bé chẳng có ai là bạn thân và lúc nào cũng ấm ức nỗi niềm bị mẹ "quản thúc". Chị nói, gia đình hai bên đều có truyền thống học giỏi, đỗ đạt, nếu không "rèn" con từ bây giờ, lỡ sa sẩy một bước là khó cứu vãn. Thời buổi này nhìn đâu cũng thấy hư hỏng, cám dỗ nên khó khăn một chút cho chắc ăn. Nếu con ham chơi hơn học thì anh chị còn mặt mũi nào nhìn mọi người? Tôi nghĩ chị cũng có lý nhưng không thể tán thành cách dạy con của chị được.

Hơn một năm từ lúc gia đình chị xuất cảnh, tuần rồi tôi mới lại trò chuyện với chị qua điện thoại. Chị kể, lấy lý do học xa, con chị đăng ký ở ký túc xá luôn, cũng là xu thế chung của bọn trẻ bên ấy, đủ lông đủ cánh rồi thì chẳng còn muốn núp váy mẹ. Trường học xa nhà, chị lại không biết lái xe, không rành đường, cũng chẳng ai rảnh để thường xuyên đưa chị đi thăm con nên nhớ mấy cũng chỉ biết đợi nó về thăm. Mà chẳng biết nó bận học thật hay bị "nhốt" lâu quá từ lúc còn ở Việt Nam nên qua đó cứ như chim sổ lồng. Chị không "rắn" với con được vì kinh nghiệm từ người nhà cho biết, ở Mỹ thì không thể "quản" con như ở Việt Nam nếu bố mẹ không muốn dây với luật pháp.

Hay dong hanh, dung quan ly

Tôi nửa thật nửa đùa bảo, ai biểu chị "giam" con kỹ quá nên nó chỉ muốn bứt khỏi gia đình. Nếu chị sống thoáng hơn, cởi mở hơn, có khi chẳng cần đến "kỷ luật" gì cả, vì những đứa con Việt Nam thường thích sống với cha mẹ. Chị vẫn bảo thủ khi cho rằng ở Việt Nam chị vẫn kiểm soát được con, tại lối sống bên đó khác. Tôi thì nghĩ, ở đâu cũng vậy, kìm nén, ức chế quá đến lúc nào đó không chịu được nữa thì mọi thứ sẽ tự vỡ bung , nhất là với những đứa trẻ đang ở tuổi "dở thằng dở ông", tâm lý vốn rất dễ bùng nổ. Tình trạng muốn thoát khỏi sự kềm cặp của bố mẹ càng dễ xảy ra khi con chị không còn phụ thuộc gia đình, nhất là về tài chính. Đành rằng chị kềm cặp kỹ cũng vì thương và muốn tốt cho con, nhưng kinh nghiệm cho thấy: làm bạn để đồng hành với con bao giờ cũng tốt hơn làm người "quản lý" của con!

LÊ THỊ NGỌC VI

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI