edf40wrjww2tblPage:Content
Thấy mẹ chồng khụy xuống vừa để cầu xin, vừa vì không đủ sức gượng đứng, tôi cũng quỳ sụp, mẹ chồng con dâu ôm nhau khóc”… đó là những tháng ngày khủng khiếp, là nỗi ám ảnh, ray rứt không nguôi của Tăng Ái Linh (đồng tính nữ, sinh năm 1979, nhân viên một công ty du lịch ở Q.10).
“Chẳng thể nào có bình an, hạnh phúc khi không sống thật với mình”, câu chuyện đẫm nước mắt của Linh nói thay điều ấy.

Ái Linh và Thanh Phương (phải)
Vòng tay muộn
Hỏi Linh về thời điểm kết hôn, cô lắc đầu như cố xua đi ký ức ảm đạm. Chồng là người có học thức, hiền hậu, gia đình chồng tử tế, những điều kiện ấy vẫn không khiến Linh có thể vui duyên với người “khác dấu”. Linh tìm mọi cách né tránh chuyện gối chăn với chồng. Những lần chung đụng, cô phải trân người chịu đựng. Chỉ cần chồng vừa bước khỏi cửa là Linh chat ngay với người yêu ở quê nhà - Phạm Thị Thanh Phương (sinh năm 1982). Linh nói với Phương là sang Úc du học, giấu biệt chuyện đã kết hôn.
Vì thương con, không đành lòng nhìn con có “cuộc sống tương lai tối tăm, mù mịt”, ba mẹ Linh ép gả con, dù biết rõ Linh không thể yêu đàn ông. Khi được mai mối chỗ tốt, mẹ Linh tạo áp lực buộc Linh lấy chồng, thậm chí đòi tự vẫn nếu cô cự tuyệt. Vì chữ hiếu, Linh đã đồng ý, dù biết mình sẽ rước lấy bi kịch. “Nếu quay lại mười năm trước, ở thời khắc căng thẳng đó, tôi sẽ làm khác. Tôi sẽ kiên trì giải thích cho mẹ hiểu kỳ vọng “con hết đồng tính” là không thể. Cuối cùng, mẹ vẫn không thông thì tôi nói: Nếu mẹ thực sự cần uống vốc thuốc này thì con sẽ uống theo mẹ. Nói như thế không có nghĩa là tôi thách thức hoặc muốn chết, mà là thể hiện thái độ cương quyết, dứt khoát của mình để mẹ nghĩ lại”.
Khi Linh thú thật chuyện sang Úc lấy chồng và cuộc sống hiện tại không khác địa ngục, Phương đã động viên Linh ly hôn, trở về với Phương, cũng là trở về với chính mình. Bị mẹ từ chối, Linh dọn sang ở với Phương, cùng Phương giúp ba mẹ kinh doanh nhà hàng. Khi phát hiện mối quan hệ Linh - Phương không chỉ là tình bạn, mẹ Phương phản đối kịch liệt, cho rằng con gái mình bị lôi kéo, lây nhiễm “vi rút ô môi” từ Linh.
Sau khi đuổi Linh, mẹ Phương bắt đầu “chiến tranh lạnh” với con gái. Trong khi đó, bà ngoại Phương lại hỏi han: “Con có thấy hạnh phúc bên cạnh Linh không? Có à! Vậy thì đừng rời xa nó!”. Được ngoại ủng hộ, sáng hôm sau, cô tiểu thư cũng ra đi cùng Linh, bỏ dở chương trình đại học, chấp nhận đi làm với mức lương bèo bọt. Cuộc sống thiếu thốn tiền bạc nhưng tiếng cười lúc nào cũng ngập tràn phòng trọ của họ. Ngày 14/2/2005, sau câu hỏi của Phương “Sao đợi hoài mà Linh không cưới em?”, Linh chính thức cầu hôn Phương và đi tìm thuê mâm cỗ. “Tân lang” và “tân giai nhân” rót trà, lạy trời Phật chứng giám ngày vui mà nước mắt lưng tròng.
Vài năm sau “bão”, cha mẹ của Linh - Phương đã tạm nguôi ngoai và bắt đầu cảm thông cho con. Đó là khi Linh nhận được điện thoại của em trai gọi về làm việc vì công ty gia đình thiếu người. Phương thì cũng được mẹ gọi về nhà ăn cơm. Vòng tay gia đình đưa cuộc sống của Linh - Phương sang trang mới: quang tạnh, ấm áp. Mẹ Linh thường mua quần áo cho Phương dù chẳng bao giờ mua cho con mình. Trong ngày cưới của em Phương, mẹ bắt Phương - Linh đi chào bàn và hỉ hả giới thiệu với khách về Linh: “Đây là… con rể tôi”. Hai “bà sui” tuy chưa đặt thẳng vấn đề với nhau nhưng cũng qua lại vui vẻ.
“Cha mẹ cũng vì yêu thương con nên mới tìm giải pháp để con được sung sướng, hạnh phúc. Nhưng đôi khi, con mình lại bị bóp nghẹt bởi tình yêu đó. Nếu hiểu, nếu thương đúng cách, cha mẹ sẽ được hai đứa con gái/hai đứa con trai, xã hội có thêm người tốt, hữu ích. Sự kỳ thị vô tình trở thành tội ác khiến người con đồng tính phải sống trong giằng xé, tủi nhục. Để tránh phiền phức, bi kịch, người đồng tính phải che giấu bản thân hoặc kết hôn, kéo theo bao hệ lụy cho những ai không may bị chọn làm bức bình phong và những trẻ thơ vô tội. Chi bằng để con được là chính nó với tất cả yêu thương, mong ước và chọn lựa của mình”. Ái Linh và Thanh Phương |
Hành trình sóng gió
Với ước nguyện sau này con sẽ mạnh mẽ, phong trần như thủy thủ tàu viễn dương, vợ chồng chị Trịnh Thị Minh Kiều (sinh năm 1965, bán cà phê ở Q.6, TP.HCM) đã lấy chữ Viễn Dương để đặt tên cho con trai duy nhất của mình. Tuy nhiên, khi Dương còn bé, chị Kiều đã lo lắng khi thấy con mải miết chơi búp bê và lẳng lặng tránh né những lời trêu ghẹo “Dương pê đê” của bạn bè.
Cảm nhận được điều bất thường ở con trai, vợ chồng chị Kiều đã tìm cách kéo con lại. Mỗi khi đọc báo thấy tin người đồng tính giết hại bạn tình vì ghen, chị Kiều cố ý đưa con xem để khiến con kinh sợ, dị ứng. Nhưng đến tuổi 15, bắt đầu có cảm xúc đầu đời, Dương chỉ mong ngóng, bồi hồi trước phái mạnh. Trớ trêu thay, những bức thư tỏ tình mà Dương nhận được lại từ phái yếu. Sau những lần thấy mình chỉ rung động với bạn cùng giới, Dương tự ghê sợ và nguyền rủa bản thân. Dương ép mình yêu người khác phái nhưng rồi chẳng đi đến đâu nên càng tuyệt vọng.

Chuyên viên trang điểm Viễn Dương và mẹ (Ảnh: Phan Võ)
Cách “trị” đồng tính của ba Dương là dùng bạo lực với con. Có khi chỉ vì thấy con trai nói chuyện hơi nhão, có điệu bộ ẻo lả, mặc chiếc áo diêm dúa, là ba Dương hất đổ mâm cơm, bỏ đi, ném lại sau lưng lời mắng: “Trong nhà này không chấp nhận loại bóng đó!”. Chẳng nhớ bao nhiêu lần Dương phải ăn chén cơm mặn nước mắt.
Sau bao năm tháng chịu đựng, dồn nén, Dương thức trắng đêm viết lá thư dài 12 trang giấy, thổ lộ nỗi lòng và tình cảnh của mình với cha mẹ, mong được chấp nhận. Chị Kiều kể: “Đọc thư xong, tôi thương con đứt ruột nhưng làm sao mà chấp nhận được ngay. Trước đây, tôi đã lờ mờ hiểu chuyện nhưng vẫn không khỏi sốc khi chính con khẳng định: “Con không làm được điều ba mẹ mong mỏi. Con xin lỗi!”. Bức thư đã thiêu rụi hy vọng còn sót lại của tôi. Đưa bức thư, chồng gạt đi không xem, nhưng đêm đến, anh trầm ngâm bên khói thuốc. Những ngày đó, Dương đi làm suốt, tối về là ngủ ngay. Mỗi người một góc, không khí gia đình nặng nề khủng khiếp. May mắn là Dương vận động các cô dì nói giúp, “mưa dầm thấm sâu” nên mấy tháng sau, tôi dần hiểu và chấp nhận, chồng tôi cũng nghĩ thoáng hơn. Nếu không, chẳng biết bi kịch nào sẽ xảy ra. Giờ nghĩ lại, tôi thấy hối hận. Con tôi ngoan hiền, hiếu thảo, giỏi giang, sao tôi lại không tự hào về nó?”.
Viễn Dương chia sẻ: “Động lực giúp em bứt phá khỏi cảnh sống gồng gượng trước đây là nhờ duyên may được gặp chuyên gia trang điểm Nguyễn Hùng, một trong những người công khai đồng tính sớm nhất tại Việt Nam. Biết em từ bỏ nghề kinh doanh du lịch để học nghề trang điểm, anh Hùng ân cần dặn dò: “Nếu quyết tâm theo đuổi nghề làm đẹp cho người khác thì đầu tiên em phải sống thật với cảm xúc của mình”. Em mong những người đang rối bời, dò dẫm trên con đường đi tìm chính mình luôn gặp được những tấm lòng không định kiến, ác cảm, giúp người khác tự tin, lạc quan”.
Dương chưa đặt trọn tình yêu cho chàng trai nào nhưng Dương hài lòng với cuộc sống hiện tại, hạnh phúc vì không phải gồng lên để sống. Dương tự nhận, bản thân đã mạnh mẽ theo cách riêng, biết mình muốn gì và dám đương đầu với nghịch cảnh.
TÔ DIỆU HIỀN
LTS: Những năm gần đây, với nỗ lực tuyên truyền của cộng đồng LGBT (người đồng tính, song tính và chuyển giới), xã hội đã có cái nhìn tích cực hơn với những người tình dục thiểu số này. Định kiến có phải đã được xóa bỏ, vòng tay của gia đình và xã hội đã đủ rộng để chấp nhận, bao dung? Dù bạn đã bước ra ánh sáng như các nhân vật trong bài viết này hay vẫn còn đang ở góc khuất nào, hãy chia sẻ tâm sự, câu chuyện của mình với “Tôi muốn sống thật” qua địa chỉ toimuonsongthat@baophunu.org.vn. Kinh nghiệm sống thật hoặc giúp người thân sống thật của bạn sẽ giúp ích cho nhiều người khác. |