Hàm ơn đôi mắt bên trên chiếc khẩu trang

27/02/2021 - 17:00

PNO - Mỗi lần vào phòng mổ là một lần tôi nạp thêm lòng cảm kích, thêm lý giải vì đâu ánh mắt phía trên chiếc khẩu trang ngành y lại đẹp đẽ đến vậy.

Tiếng dao kéo, dụng cụ kim loại lách cách, lách cách. Cảm giác ghê ghê nhói vào óc tôi, làm toàn thân nổi da gà, hệt cảm giác hồi nhỏ tôi sợ tiếng đám em cào muỗng vào chén sứ. Suốt đời có lẽ tôi không thể quên cái cảnh lần đầu vào phòng mổ, mà từ lúc nhập hồ sơ tới lúc ra viện, chỉ một mình tôi, không người thân thích, chẳng có cả đứa bạn gái thân.

Các dụng cụ phẫu thuật sắp lớp trên giá inox, những dây nhợ, ống truyền sẵn sàng khiến "view" của tôi thêm phần ảm đạm. Phải rồi, đây là một phòng phẫu thuật của bệnh viện sản phụ nhi G. mà tôi là bệnh nhân, đâu phải phòng khách sạn.

Trước khi vào phòng mổ, dù ông giáo sư già dành thời gian nói chuyện với tôi khá nhiều. Ông động viên: "Cô hãy yên tâm. Mấy chục năm làm nghề, tôi chưa từng sơ sảy". Nhưng thần kinh tôi vẫn căng thẳng quá mức. Không chỉ do sợ cuộc dao kéo này, tôi còn gánh chịu những tổn thương tâm lý từ trước, và hiểu tồn lưu đớn đau của việc này, có thể là mãi mãi.

 

Tôi hàm ơn những ánh mắt ấp áp của người ngành y - Ảnh minh họa

Dù các bác sĩ đã dùng thuốc gây tê, kiểm tra các chỉ số kỹ lưỡng và thực hiện truyền dịch tiếp sức, nước mắt tôi vẫn không ngừng giàn giụa. Khi chiếc "đèn không hắt bóng" lạnh lùng bật lên, bác sĩ bắt đầu phẫu thuật, tôi cất tiếng rên vô thức. Có khoảng 3 nữ điều dưỡng, họ đứng sát gần hai vai tôi hơn, tôi bắt đầu cảm nhận hơi ấm người quanh mình. Ê-kíp phẫu thuật khoảng 5-6 người, các nữ điều dưỡng ở đây để phụ tá ông bác sĩ già - phẫu thuật viên chính.

Dù mất ý niệm thời gian, tôi vẫn cảm thấy ca mổ dằng dặc, vẫn sợ cái chết và bản năng sống khiến tôi tha thiết mong giao tiếp với các chị điều dưỡng. Bên dưới chiếc mũ trùm kín mái tóc và phía trên khẩu trang màu xanh phủ choán mặt họ, là những đôi mắt đẹp, trìu mến. Không một ánh mắt nào lạnh lùng, xa lạ như tôi từng được nghe về những người ngành y.

Những năm đó, phong trào xăm lông mày của phụ nữ chưa rầm rộ như bây giờ, nên khi ai đó làm công việc đeo khẩu trang, họ sẽ giao lưu bằng đôi mắt có cung mày tự nhiên, hàng mi tự nhiên, và những đôi mắt ấy cũng cho tôi thứ mỹ cảm khác với nhìn cung mày sắc lạnh của các cô người mẫu.

Tôi nhớ nhất đôi mắt người điều dưỡng đứng phía đỉnh đầu, cứ ngước lên cầu cứu là tôi lại nhận được ánh mắt đáp lại. Mắt chị ấy rất đẹp, mi dày, lông mày đen thẫm, ánh nhìn êm ái. Suốt cuộc phẫu thuật, tôi vịn vào đôi mắt ấy, ánh nhìn mềm mại, yêu thương ấy.

Bàn tay sau lớp găng cao su của chị rất ấm, liên tục vuốt mái tóc bết mồ hôi sợ hãi của tôi kèm và những lời dịu dàng: "Một chút xíu thôi", "Hít thở sâu, hít thở đều nào, thả lỏng đi em", "Sắp xong rồi em", "Thương quá! Thương quá!"... Giọng nói miền Nam ấy như tiếng vỗ về của người mẹ, rót nhè nhẹ bên tai tôi cho tới khi tôi bải hoải thiếp đi...

Nhiều năm sau này, tôi đi qua không ít các cuộc phẫu thuật lớn nhỏ. Có những cuộc đại phẫu thuật phải khâu nhiềp lớp ở bụng như sinh con, ê-kíp mổ chuyện trò vui vẻ, giúp tôi bớt căng thẳng, bởi tiêm thuốc tê xong là tôi liên tục ói mửa.

Có những cuộc phẫu thuật khắc phục tai nạn, liên quan thẩm mỹ vùng mặt của con trai, con gái tôi, các bác sĩ và điều dưỡng phải tập trung cao độ. Họ vẫn không quên nhắc tôi: "Mẹ nắm tay con đi","Chị giữ chân để cháu khỏi giãy, khỏi lạnh"...

Mỗi lần vào phòng mổ là một lần tôi nạp thêm cho mình lòng cảm kích, và vẫn tự lý giải vì đâu những ánh mắt bên trên chiếc khẩu trang ngành y lại đẹp và ấm áp đến vậy.

Sau này có nhiều việc qua lại bệnh viện sản phụ nhi G. để khám cho con, tôi cố ý nhưng không thể tìm ra người điều dưỡng trong cuộc phẫu thuật năm ấy mà nói lời cảm ơn. Có thể chị ấy chỉ làm đúng bổn phận của mình như bao ngày trôi qua trong đời, như bao ca mổ đã tham dự. Nhưng tôi vẫn tin, ngoài chức phận được giao, kỹ năng nghề nghiệp được đào tạo, chị còn có bản năng chia sẻ của đàn bà, và cũng có thể chị từng gánh nỗi đau thể xác nào đó giống tôi, nên ánh mắt mới mượt mà sự cảm thông đến vậy.

Tôi đã may mắn được vịn vào ánh mắt ấy mà đi qua quá trình phẫu thuật, để thấy mình không cô đơn, thấy mình được sẻ chia, được yêu thương và mình không phải kẻ lỗi lầm...

Nhưng tìm một đôi mắt giữa một bệnh viện mênh mông là rất khó, khi điều dưỡng nào cũng mặc áo xanh, qua lại cũng chỉ hở đôi mắt.

Việc nhờ bộ phận hành chánh truy hồ sơ để tìm ngược về một ca phẫu thuật mà bản thân tôi đã muốn quên đi, cũng là điều tôi chưa muốn. Có thể một khi nào đó nhu cầu mãnh liệt hơn, tôi sẽ tìm để nói được lời cám ơn. Nhưng cũng có thể việc ấy không cần thiết.

Năm tháng dài rộng giúp tôi hiểu ra rằng, trong cõi đời này, ta nhận được tình thương yêu của rất nhiều người lạ - quen, không hẳn lúc nào cũng cần báo đáp cho bằng được, mà hãy chuyển ân tình đó sang cho người khác khi họ cần...

Minh Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI