Hai cô bé siêng học, chăm làm

01/08/2013 - 07:45

PNO - PN - Hoàn cảnh khó khăn, lại thiếu vắng tình thương yêu của cả cha lẫn mẹ, song hai cô bé đã nỗ lực học tập, ý thức rõ về hành trang bước vào đời.

1. Đưa chúng tôi đến nhà em Nguyễn Thị Thanh Vy (học sinh lớp 8 Trường THCS Đoàn Kết, Q.6), chị Nguyễn Thị Sáng, Chi hội trưởng PN KP.2, P.14, Q.6, nói: “Gia đình Vy nghèo khó, nhưng cháu học rất giỏi”.

Hai co be sieng hoc, cham lam

Kiếm tiền phụ giúp gia đình là niềm vui của Thanh Vy

Căn hộ lầu 3 chung cư tái định cư rộng chừng 60m2 là nơi trú ngụ của hơn mười nhân khẩu. Bà ngoại Vy dành một góc tường rộng thoáng để treo những tấm bằng khen của đứa cháu cưng. Cha mẹ chia tay và có gia đình riêng nên bốn chị em Vy sống nương nhờ nhà ngoại. Vy tâm sự: “Bà ngoại gồng gánh lo tiền sữa, ăn uống, học phí của cả bốn chị em”. Thương ngoại, thương em nên ba bốn năm nay, ngoài giờ học, Vy cùng chị gái đang học lớp 10 “đảm trách” phần chăm hai em nhỏ đang ở tuổi mẫu giáo. Ban đầu tập tành giữ em, nhưng giờ Vy đã quá thành thạo các “chuyện nhỏ” như tắm rửa, thay tã, cho em ăn… hàng ngày.

Xong việc nhà, chị em Vy lại chạy ra tiệm làm móng tay, gội đầu của người dì ruột để phụ. Vy tuy còn nhỏ nhưng lại chịu khó, cẩn thận nên học nghề rất nhanh và được lòng khách, có được chút tiền, Vy đưa hết cho ngoại để mua sữa cho em.

Hiểu rõ hoàn cảnh gia đình và bản thân, Vy chăm học siêng làm, bảy năm liền luôn giữ vững danh hiệu học sinh giỏi. Em chưa một ngày đi học thêm mà chỉ tự học ở nhà, tự giác học tập chứ không cần phải đợi ai nhắc nhở, kèm cặp. Thầy Hoàng Đình Hộ, giáo viên chủ nhiệm khen ngợi: “Không những học giỏi, Vy còn sôi nổi tham gia các hoạt động của nhà trường”. Năm học rồi, đứng hạng nhất lớp, em được nhà trường thưởng tập và chiếc cặp mới. Vy vui lắm, vì “học giỏi cũng là cách đỡ đần phần nào gánh nặng chi phí học tập cho gia đình”.

Thật bất ngờ, Vy đã có đai đen nhất đẳng karatedo và tham gia các cuộc thi cấp quận, thành phố, hội khỏe Phù Đổng đoạt nhiều giải cao, mang thêm niềm vui và tự hào cho trường.

Hai co be sieng hoc, cham lam

Từ trong gian khó, Quỳnh Mai luôn cùng mẹ cố “vượt lên chính mình”

2. Được ngăn ra từ phần bếp của căn nhà nhỏ ở khu cư xá Phú Lâm D (P.10, Q.6), với chừng 9m2 là nơi ở của gia đình em Khương Quỳnh Mai (học sinh lớp 11 Trường THPT Bình Phú, Q.6). Nơi này cũng là “tiệm may”, sửa quần áo cũ của chị Lê Thị Thu Hà, mẹ của Mai, để trang trải cho sinh hoạt của cả nhà.

Ba năm trước, cha của Mai đột ngột qua đời vì tai nạn giao thông, gánh nặng áo cơm dồn hết lên đôi vai gầy của mẹ. Công việc may sửa quần áo cũ, đơm nút, làm khuy áo của chị Hà không kiếm được bao nhiêu vì khách hàng chủ yếu là người quen, cư dân nghèo quanh xóm. Chiếc máy may công nghiệp, cần câu cơm của cả nhà, cũng do người bà con thương tình mua tặng.

Thấy mẹ thức thâu đêm cắt vải vụn, chắp may thành thảm chùi chân, giẻ nhấc nồi kiếm thêm thu nhập, Mai vừa học bài vừa phụ mẹ.

Dù nhà chật nhưng góc học tập của hai chị em Mai được sắp xếp rất ngăn nắp, gọn gàng. Tường nhà cũ, mái tôn mục lỗ chỗ, mấy năm nay mỗi khi trời mưa là nước dột loang cả sàn. Lắm lúc nửa đêm bật dậy, đắp vội tấm ni lông che chắn đồ đạc, ba mẹ con Mai ngồi co ro góc nhà đợi sáng.

Điều khiến chị Hà luôn vững tin để “vượt lên chính mình” là kết quả học tập của hai con. 10 năm liền Mai đều đạt danh hiệu học sinh khá, giỏi. Mai tự tin nói về mơ ước của mình: “Em dặn lòng phải cố gắng học. Em sẽ theo học ngành quản trị kinh doanh để sau này có điều kiện kinh tế lo cho mẹ bớt cực, lo cho em gái học hành đến nơi đến chốn”.

Thanh Vy, Quỳnh Mai là hai trong 15 nữ sinh hiếu học vượt khó ở Q.6 nhận học bổng của Báo Phụ Nữ năm học này. Mỗi em mỗi hoàn cảnh nhưng đều có chung ý thức phấn đấu vượt khó. Chị Trương Hồng Mỵ, cán bộ Hội LHPN Q.6 cho biết, sự hỗ trợ cần thiết và kịp thời của Báo Phụ Nữ đã “chắp thêm đôi cánh” để các em luôn nuôi dưỡng khát vọng cao đẹp và vững tin đi tiếp con đường còn nhiều nhọc nhằn phía trước.

 Từ Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI