Gọng kìm

11/10/2013 - 23:19

PNO - PN - Liên tiếp ba ngày đêm, Nam - cháu trai tôi không về phòng trọ. Tôi điện thoại, khi thì Nam khó chịu: “Con lớn rồi, cô đừng coi con như con nít”, lúc trả lời cộc lốc: “Con ở chơi với bạn, chán sẽ về. Không có lịch học, ở...

edf40wrjww2tblPage:Content

Nam đậu đại học, vào Sài Gòn ở trọ với tôi hai tháng nay. Thời gian ngắn ngủi nhưng xảy ra không biết bao nhiêu chuyện. Khởi đầu là những cú điện thoại bạn bè rủ rê Nam tụ tập ăn nhậu. Tiếp đến là cúp học, góp tiền đi taxi ra tận Bình Dương, Đồng Nai “tái ngộ” bạn ở quê mới vào nhập học. Một lần Nam đi chơi về, mùi rượu nồng nặc cùng vết trầy xước trên người khiến tôi hốt hoảng, hỏi thăm thì cháu giãy nảy: “Mệt quá, bất cẩn nên té. Có chút xíu cũng hỏi”. Tôi lựa lời phân tích, khuyên bảo, Nam tỏ ra khó chịu, viện cớ mệt bỏ lên gác nằm. Hai cô cháu chưa khi nào ngồi lại được với nhau bởi Nam luôn tránh né hoặc lảng chuyện vì cho rằng tôi chỉ hơn cháu sáu tuổi, “biết gì” mà khuyên răn. Nam yêu cầu được ra ngoài sống riêng, nhưng tôi không đồng ý vì anh chị ở quê đã nhờ vả, gửi gắm; hơn nữa, thành phố này có quá nhiều cạm bẫy.

Gong kim

Mới đây, người yêu của Nam vào thành phố nhập học. Nam thường tranh thủ tôi vắng nhà, đưa bạn gái về chơi, nghe hàng xóm mách, lần tôi đi công tác, cô ấy còn ở lại qua đêm. Một hôm tôi đi làm về sớm, bất ngờ tung cửa phòng thì trước mặt là cảnh tượng hai đứa ôm nhau ngủ, chiếc vỏ của viên thuốc tránh thai khẩn cấp chưa kịp vứt. Vừa rồi, chỉ trong vòng một tuần, Nam tiêu xài đến hơn bốn triệu đồng. Khi tôi hỏi, Nam lấp liếm: “Bỏ túi quần, rút ra rút vô mất”. Thế nhưng sau đó, tôi đọc trộm tin nhắn trong máy Nam, thấy cô người yêu cảm ơn vì… sợi dây chuyền rất đẹp. Nghĩ đến anh chị ở quê lam lũ, vất vả gom vét từng đồng gửi vào cho con, tôi xót xa nên “làm dữ”. Nam tuyên bố: “Tôi trưởng thành rồi, muốn tự quản lý cuộc đời mình”, sau đó bỏ nhà đi ba ngày liên tiếp.

Thực ra, tuy thất vọng, bất lực với ứng xử, lối sống của Nam song tôi không hề ngạc nhiên. Dù khi nghe kể, chị tôi đã “sốc” đến mức phải cầu viện những viên thuốc an thần. Từ trước đến nay, trong mắt anh chị, Nam là đứa trẻ rất ngoan, hiền, luôn nghe lời người lớn. Anh chị không hề biết rằng, đó là hệ quả của những trận đòn, sự cấm cản khắc nghiệt của họ đối với Nam. Năm Nam học lớp 10, một lần đi học đã cùng nhóm bạn ra biển chơi. Ở nhà sốt ruột nên lúc con về, anh tôi sẵn cái ly trên tay, ném thẳng vào người con, sau đó là xé vở, bắt nghỉ học hai ngày. Năm lớp 12, vô tình bắt gặp Nam ngồi cà phê cùng một cô gái, thay vì học nhóm ở nhà cô chủ nhiệm, anh trai tôi nổi giận, đánh con một trận giữa bàn dân thiên hạ, trước cả cô gái cháu đang có cảm tình. Tôi để ý, xưa nay, hễ con hư, làm điều gì sai trái, không khi nào thấy anh trai khuyên bảo, chỉ vẽ, định hướng con phải thế này thế kia, mà trước sau chỉ một giọng điệu: “Con không được như vậy” rồi tìm cách trừng phạt.

Sống dưới “gọng kìm” của cha, nỗi sợ hãi trong Nam lâu dần uốn thành sự khôn khéo: giấu đi những điều cháu khao khát để uốn mình thể hiện theo những gì cha mẹ muốn. Anh chị tôi vì thế cũng chỉ thấy được những gì mình muốn thấy ở con: sự lễ phép, ngoan hiền. “Mảng chìm” giấu kín trong Nam bung vỡ khi có cơ hội, điều kiện - là sự tự do, thoát ly khỏi “gọng kìm” gia đình… Tôi gọi cho anh trai, ý nhị khuyên rằng Nam cần sự dạy dỗ nhẹ nhàng, để cháu thấy được điều hơn thiệt, hay dở thay vì lớn giọng áp đặt. Anh nghe chuyện, cấp tốc vượt hơn 700 cây số vào Sài Gòn, suốt chặng đường liên tục điện thoại cho con, quát nạt: “Không muốn học thì gom áo quần về trồng lúa”, “Mới bây lớn bày đặt yêu đương, có… ngu không mà “nuôi” gái?”, “Vào đến nơi biết tay tao”. Không biết, “trận chiến” giữa hai cha con rồi đây sẽ dẫn đến điều gì?

 MINH NGỌC

Từ khóa Gọng kìm
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI