Góc bình an trong đại dịch: Đừng quên phép yêu thương

12/07/2021 - 06:00

PNO - Khắp nơi phong tỏa. Công sở hạn chế nhân sự làm việc tại chỗ. Hàng quán đóng cửa gần hết. Lúc này, nhà chính xác đã trở thành “cả thế giới”, là tất cả “chân trời góc bể” của những con người hiện đại. Thế nhưng, cũng chính lúc này, nơi đây phải đối diện với sự dồn nén cảm xúc, nỗi lo âu, nỗi sợ ở các thành viên.

Ông chủ một thương hiệu hoa tươi nổi tiếng Sài Gòn than thở về những ngày doanh số về 0. Trên các diễn đàn gia đình, số tâm sự về căng thẳng vợ chồng, bức bối giữa con cái với cha mẹ… tăng lên chóng mặt.

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

Gia đình có bao nhiêu thành viên là bấy nhiêu trái tim đang thấp thỏm. Có người vợ kinh doanh quán cà phê phải đóng cửa cả tháng trời, còn anh chồng lái xe đưa rước học sinh cũng thất nghiệp.

Những lời tiếng thở dài đơn lẻ trên mạng xã hội rồi sẽ tan biến đi đâu? Có lẽ là chìm vào từng nhà, nơi mỗi ngày vẫn chứng kiến họ thức dậy, lặng lẽ sinh hoạt cho đến khi lại đi vào những giấc ngủ chập chờn.

Người ta thường quên nhìn thấy nhau như một nhân sự bị cắt giảm lương, một ông chủ đang phải gánh nợ, một chị giúp việc đã thất nghiệp hàng tháng trời… mà chỉ thấy nhau như những thành viên buồn bã, ù lì, dễ cáu gắt và… vô trách nhiệm.

Người ta có thể còn thấy bản thân quá vất vả, quá trắc trở mà không được chia sẻ, động viên. Nỗi thất vọng ngấm ngầm bên trong, tạo ra những hậm hực và lạnh lẽo bên ngoài.

Xung đột nảy ra trong từng việc nhỏ nhất. Nỗi buồn lo từ bên trong ngăn người ta nói với người thân những lời xoa dịu, những tiếng động viên mà lại đẩy nhau ra xa hơn, chìm sâu hơn trong những nỗi niềm riêng lẻ. Mỗi người hành xử bằng phiên bản yếu đuối nhất của mình nhưng lại kỳ vọng được đáp lại bằng phiên bản mạnh mẽ, điềm tĩnh nhất.

Dịch bệnh đã kéo rất dài và càng lúc càng thách thức bản năng sinh tồn của con người. Công việc thay đổi, chất lượng cuộc sống cũng phải thay đổi theo và những xung đột gia đình, trục trặc mối quan hệ cũng là một trong những phản ứng của con người trong giai đoạn thích ứng. Hai chữ “người nhà” khiến người ta luôn yêu thương nhau nhưng cũng khiến người ta kỳ vọng, đòi hỏi, chờ đợi ở nhau quá nhiều.

Nếu bạn còn thấy thất vọng về đối phương, hãy thử ngưng nhìn họ bằng sự kỳ vọng. Đừng nhìn người đàn ông của mình như một kẻ ù lì, cộc cằn mà hãy thấy cái người đang mắc cạn giữa biển khơi. Đừng nhìn vợ/mẹ mình như một người đàn bà nhàu nhĩ, cau có mà hãy thấy ở đó một trái tim quá nhiều áp lực, âu lo. Hãy ôm ấp những phiên bản yếu đuối nhất của người thân thay vì kỳ vọng ở họ sự mạnh mẽ, vai trò trụ cột.

Những phép yêu thương này không dễ nhưng đó là điều đẹp đẽ nhất chúng ta có thể làm lúc này. Khi cả thế giới đang giành giật sự sống, giành lấy từng chút không gian an toàn, từng chút khu vực “không có F0”… thì bạn có ngôi nhà của mình với những người thân thương, ruột thịt để tiếp tục sống và thực hành yêu thương.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Sòng phẳng mà nói, còn được sống trong ngôi nhà của mình, còn được “thấy rầu”, “thấy chán” và “muốn gây lộn” với những người bên cạnh - nghĩa là bạn đang thuộc nhóm may mắn trong đại dịch. Trong khi ta đang nặng nề những xáo trộn kinh tế, công việc; ngoài kia, rất nhiều người phải chịu cảnh chia cắt. Trong khi ta mong dịch chấm dứt để “tiếp tục làm giàu”, ổn định sự nghiệp; ngoài kia, rất nhiều người cũng đang chờ hết dịch để được về với người thân, được sống cùng nhau như hiện thực ta đang có ngay lúc này.

Là gì đây nếu nhà và người thân không là nơi trú ngụ tuyệt vời, an toàn nhất theo đúng nghĩa đen so với khu cách ly, bệnh viện dã chiến đang mọc lên khắp thế giới? 

Thanh Tân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI