Giúp bạn gái “vặn nhỏ volume”

15/08/2023 - 15:32

PNO - Các nhà chuyên môn đã liệt kê tiếng ồn và mùi hôi là 2 loại ô nhiễm môi trường khiến con người tiết hoóc môn gây căng thẳng.

Cháu mến một bạn gái rất tốt tính, chỉ có điểm trừ là hay nói chuyện lớn giọng. Nhiều lần hẹn bạn đi chơi đều gặp cảnh “chưa thấy người đã nghe tiếng” khiến người xung quanh phải nhăn mặt khó chịu vì âm lượng quá to, giọng nói rổn rảng; cháu hạ giọng xuống để nhắc khéo bạn nói chuyện đủ nghe, bạn lại càng “tăng âm” như cãi nhau.

Gần đây nhất, chúng cháu ngồi ăn với nhóm bạn cùng lớp, bạn ấy vui miệng tán chuyện riêng ồn ào đến mức mấy thực khách bàn bên cạnh phải chuyển chỗ với cái nhìn bực bội. 

Công bằng mà nói, bạn ấy giàu năng lượng, tận tình, quan tâm đến mọi người, những điều nói ra đều có nội dung chứ không hề vô bổ nhưng cách ăn to nói lớn làm mất thiện cảm. Mấy lần định tỏ tình, gặp phải tràng cười ré lên của bạn ấy, cháu đành ngưng ngang.

Đặng Thanh B. (quận 8, TPHCM)

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bao lâu nay, người ăn nói nhẹ nhàng, hòa nhã, biết tiết chế cảm xúc luôn tạo ấn tượng tốt đẹp với người đối diện còn người ồn ào, sang sảng dễ khiến người xung quanh cảm thấy khó chịu.

Bởi nội dung, âm lượng trong lời nói diễn tả thế giới bên trong của một người cũng như sự tu dưỡng của họ; người ý tứ thường biết điều chỉnh giọng mình sao cho phù hợp với từng tình huống khi giao tiếp.

Các nhà chuyên môn đã liệt kê tiếng ồn và mùi hôi là 2 loại ô nhiễm môi trường khiến con người tiết hoóc môn gây căng thẳng, lượng đường trong máu và huyết áp tăng cao, lâu dài có thể dẫn đến suy nhược thần kinh.

Ai từng sống bên cạnh công trình xây dựng ồn ã tiếng khoan cắt bê tông hay hàng xóm hát karaoke quá to vào giờ nghỉ ngơi hoặc sống trong khu vực nồng nặc mùi khói công nghiệp/mùi rác thải đều có thể xác nhận điều này. 

Có thể thấy âm lượng là một phần của quy tắc giao tiếp. Cảm xúc và âm lượng có quan hệ trực tiếp với nhau: khi không muốn ai chú ý, người ta thì thào hoặc ra hiệu; lúc tâm tình thì nhẹ nhàng, thủ thỉ; khi rụt rè, tự ti, sợ hãi thì lí nhí, ấp úng; lúc tự tin thì dõng dạc, gãy gọn; lúc cáu giận thì gằn giọng, to tiếng thậm chí quát lên; khi phấn khích thì hò reo, la hét lạc giọng… Nếu chỉ dùng duy nhất một giọng nói, một độ lớn mọi nơi mọi lúc, khác nào cái radio bị liệt nút volume.

Cháu nên tìm hiểu hoàn cảnh gia đình bạn. Biết đâu tuổi thơ hoặc hiện giờ nhà bạn sống gần xưởng dệt/mộc/cơ khí hay tiệm sửa xe máy, đường tàu xe lửa có độ ồn cao nên cư dân tự động nâng giọng lên mới đủ nghe.

Hiểu thì sẽ thương bạn hơn, từ đó khéo léo cho bạn biết rằng nói chuyện lớn tiếng ở nơi công cộng là làm phiền người khác, ảnh hưởng đến bầu không khí giao tiếp; ở trường học, công sở thì làm ảnh hưởng đến sự nghiêm túc, giảm hiệu suất công việc; với bạn bè, người thân dễ gây hiểu lầm về thái độ, ý thức. 

Để cải thiện tình hình, cháu nên áp dụng vài chiêu:

- Thỉnh thoảng hẹn bạn đến những nơi buôn bán, chợ búa để bạn chứng kiến cảnh xô bồ, ồn ào mặc cả.

- Đưa bạn đi xem phim, nghe nhạc thính phòng, đến quán cà phê nhạc xưa để bạn tự ép mình vào nội quy. Nếu bạn vi phạm sẽ có người bên cạnh nhắc nhở, tỏ thái độ. 

- Rủ bạn tham gia đố vui có thưởng: tìm trong kho tàng tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam những câu đúc kết về lời nói/giọng nói. Nên cẩn thận khi phân tích cho bạn kẻo bạn nghĩ cháu bóng gió, mỉa mai, không khéo lại bùng nổ chiến tranh giữa 2 bên.

Các cụ dạy rằng: “Chim khôn kêu tiếng rảnh rang/ Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”; “Đất tốt trồng cây rườm rà/ Những người thanh lịch nói ra dịu dàng”. Người có giọng nói hay, ấm áp, phát âm tròn đầy, truyền cảm khiến người khác nhớ lâu tựa như trời đất mưa thuận gió hòa.

Cách một người nói chuyện tinh tế rành mạch cũng là cách người ấy đối xử với mọi người ổn định đáng tin. Chúc cháu thành công trong cuộc điều chỉnh volume cho cô bạn cháu cảm mến.

Bác sĩ Hoa Tiêu 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI