Giấc ngủ trưa

04/10/2013 - 07:45

PNO - PN - Nhận được tin bốn cô cháu ở quê rơi vào cảnh côi cút, bà Nguyễn Thị Mai Hương (SN 1961 - ảnh), đang là sư cô ở chùa Từ Hạnh (Q.Bình Tân, TP.HCM) quyết định hoàn tục để nuôi dưỡng các cháu nên người. Thấm thoát đã 20 năm …

edf40wrjww2tblPage:Content

Giac ngu trua

“Gánh” tình thương

Bà Hương là chị cả trong gia đình ba chị em, quê ở Tây Ninh. 20 tuổi, bà đến chùa Từ Hạnh xin được xuất gia, vốn là ước nguyện thuở nhỏ của bà. Không lâu sau, hay tin người em dâu kế qua đời trong một vụ tai nạn, để lại hai đứa con thơ; bà Hương thương các cháu mới ba, bốn tuổi đã thiếu tình cảm của mẹ, cha lại quá nghèo không thể chăm lo, nên dự tính về quê thay em nuôi cháu. Chưa kịp thực hiện ý định, hạnh phúc của vợ chồng người em trai út lại đổ vỡ, mỗi người một đường, bỏ mặc hai con gái, đứa lên hai, đứa chưa đầy tuổi. Xót các cháu đói ăn, thiếu mặc, không còn điểm tựa, bà Hương quay về, đưa các cháu lên TP.HCM. Nương nhờ nhà chùa một thời gian, ngại các cháu hay ngỗ nghịch, quấy khóc, bà quyết định xin về nhà tu tại gia.

Có người biết chuyện, thông cảm với hoàn cảnh của bà, giúp đỡ bằng cách “bán” cho miếng đất ở P.An Lạc, Q.Bình Tân, TP.HCM với lời hẹn “bao giờ xoay xở được, thanh toán sau”. Vậy là bà Hương tìm nhặt những tấm gỗ vụn, chắp vá thành căn nhà nhỏ làm chốn ngụ cư cho cả “gia đình”. Bà kể: “Sau đó, em trai kế của tôi đột ngột qua đời, hai cháu Thảo và Thuận thành trẻ mồ côi. Tôi làm chị, không thể ngó lơ”. Bà Hương lần lượt đặt tên cho bốn cô cháu là Thiên Thảo (SN 1987), Thiên Thuận (SN 1988), Thiên Trang (SN 1989) và Thiên Thanh (SN 1991).

Giac ngu trua

Bà Hương cùng hai cháu Thuận (bên phải) và Trang (bên trái)

Nhọc nhằn

Với một người tu hành, việc xoay xở với nỗi lo cơm áo gạo tiền đâu phải chuyện dễ. Tiền không có, các cháu quá nhỏ, bà Hương vừa chăm nom cháu vừa nhận hàng mã về làm kiếm thu nhập mua sữa, đong gạo. Cuối ngày, bà thường tranh thủ chạy một vòng các chợ, gom từng mớ rau củ người ta bỏ đi, đem về làm thức ăn. Bà nhớ lại: “Gạo ít, lại nấu chung với rau củ các loại, ai thấy đều nói đùa là tôi đang nấu “cháo heo”. Cuộc sống khó khăn, may mà các cháu sớm hiểu hoàn cảnh nên có gì ăn đó, không chút than phiền”. Nhắc chuyện học hành của các cháu, bà Hương kể, do ngày ấy chưa có tiền đóng tiền học, bà thành “cô giáo”, dạy các cháu cách làm toán, viết chính tả: “Thời của tôi học đánh vần theo a, bê, xê; chữ cha là xê hát a cha nên tôi cũng cách ấy dạy các cháu. Đến lúc được đi học, thấy thầy cô dạy theo a, bờ, cờ; cha là chờ a cha, cả bốn đứa đều ngơ ngác”. Vậy là bà phải đến trường, “xin” thầy cô chấp nhận cách học đó của những học trò “đặc biệt”, do đã thành thói quen, ăn sâu vào nhận thức.

Sự “đặc biệt” của bốn cô học trò còn ở chỗ chia nhau một cây bút, cái quần, chiếc áo, cuốn tập. “Ai học buổi chiều thì đợi người học buổi sáng về để “mượn” viết, cặp, áo quần mới có cái đi học!” - Thuận nhớ lại. Từ hoàn cảnh đó, các em rút ra được bài học “vì nhau”: Thảo học buổi sáng, chiếc áo mặc trên người cố giữ cho không vấy bẩn để buổi chiều Thuận còn mặc; Thanh mang đôi dép phải cố giữ gìn vì đó là “tài sản” chung của bốn chị em. Không ít lần, những đôi mắt trẻ thơ ngấn nước nhìn nhau bất lực trước cơn mưa ban trưa khiến chiếc áo ướt sũng hay đôi dép về đến nhà bị sút quai… Sự “luân phiên” này, cũng giống như trong chặng đường đằng đẵng thay em nuôi cháu, không biết bao nhiêu lần bà Hương hì hụi cõng cô cháu này đi chữa bệnh chưa dứt, đứa cháu khác đã đổ ốm...

Quả ngọt

Khốn khó bủa vây không chặn nổi giấc mơ có được con chữ. Từ nhỏ, bốn cô cháu của bà Hương rất nỗ lực học tập, luôn đạt học sinh khá giỏi, lần lượt bước chân vào giảng đường đại học. Thảo tốt nghiệp Trường ĐH Hoa Sen, hiện làm việc tại Bệnh viện Y học cổ truyền; Thuận sau khi nhận tấm bằng cử nhân loại khá ngành ngoại thương Trường ĐH Kinh tế, đã “đầu quân” về Ngân hàng TMCP Sài Gòn; Trang cũng tốt nghiệp Trường ĐH Hoa Sen, sau đó về Bình Dương làm việc; chỉ còn Thanh đang là sinh viên Trường CĐ Kinh tế đối ngoại. Được dạy dỗ bằng sự hy sinh, tình yêu bao la của bà Hương nên bốn cô gái thương yêu nhau hết mực. Bà Hương còn thường dạy các cháu lòng biết ơn, tri ân đối với bao người từng giúp đỡ mình: bác Tám cho mớ củi vụn, dì Hai tặng miếng gỗ che chắn lại chỗ nằm, cô Mười biếu lon gạo, bó rau, dì Bảy cho mượn chiếc nồi để nấu cơm…

Trong căn nhà đơn sơ, suốt 20 năm dằng dặc, dù tất bật với sinh kế, lo lắng cho các cháu, bà Hương vẫn dành một góc nhỏ riêng tư, thanh tịnh để đêm đêm tu niệm. Hai năm nay, bà đã chính thức trở lại chùa Từ Hạnh. “Quãng thời gian ấy ngẫm lại, chỉ như một giấc ngủ trưa. Giờ các cháu đều lớn khôn, ổn định, có thể tự lo lấy đời mình, lại rất thương yêu, bảo bọc nhau, nên tôi không phải lo toan nữa” - bà Hương nói.

 TUYẾT DÂN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI