Gập ghềnh lối thoát ly hôn

28/06/2013 - 16:23

PNO - PN - Sáng 27/6, chương trình tư vấn pháp luật "Lối thoát ly hôn" do Báo Phụ Nữ tổ chức với sự tham gia của thẩm phán Bùi Văn Trí, Phó tòa Dân sự TAND TP.HCM, cùng các luật sư Trương Thị Hòa, Vũ Thị Hoài Vân, Trịnh Thị Bích, Phạm Lĩnh...

Gap ghenh loi thoat ly hon 

GIẢI PHẪU “KHỐI U” HÔN NHÂN

Sau gần hai tháng tổ chức diễn đàn Ly hôn có là lối thoát? trên Báo Phụ Nữ, đa số ý kiến bạn đọc cho rằng, khi cuộc sống hôn nhân có người thứ ba xuất hiện, có những mâu thuẫn về tính cách, lối sống hay xung đột trong các mối quan hệ với gia đình hai bên… thì trước tiên người trong cuộc phải nỗ lực để gìn giữ gia đình. Khi mọi nỗ lực không hiệu quả, khiến cả vợ/chồng đều không hạnh phúc, không còn tôn trọng nhau, cuộc sống hôn nhân trở thành địa ngục thì ly hôn thật sự là lối thoát. Nhưng cũng qua diễn đàn, nhiều bạn đọc bày tỏ sự lúng túng không biết làm cách nào để thoát khỏi cuộc hôn nhân vì có những vướng mắc về pháp lý.

Nhận thấy nhu cầu bức thiết đó của bạn đọc, Báo Phụ Nữ quyết định tổ chức chương trình tư vấn Lối thoát ly hôn. Dự kiến, sẽ có 50 bạn đọc được tư vấn trực tiếp, nhưng số lượng bạn đọc đăng ký đã vượt quá tính toán ban đầu của chương trình. Vì thế, sau chương trình tư vấn số 1, Báo Phụ Nữ sẽ tiếp tục tổ chức tư vấn trực tiếp cho bạn đọc ở những chương trình sau.

Ghi nhận từ buổi tư vấn, những nội dung được đề nghị tư vấn nhiều nhất là việc ly hôn với người vắng mặt, chia tài sản và vấn nạn bạo lực gia đình. Trong hầu hết các câu chuyện do phụ nữ chia sẻ luôn thấp thoáng bóng người thứ ba. Luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn Luật sư TP.HCM nói: “Hoàn cảnh nào cũng đáng thương. Đây không đơn thuần là buổi tư vấn pháp lý nữa mà đã trở thành cuộc “giải phẫu khối u” hôn nhân cho biết bao người”.

LY HÔN VỚI… NGƯỜI VẮNG MẶT

Đây là vấn đề “nóng” nhất buổi tư vấn. Không đơn giản như thủ tục được Bộ luật Tố tụng dân sự quy định, những vấn đề bạn đọc vướng mắc rất đa dạng. Chị P.T.B.P. ngụ tại P.2, Q.Phú Nhuận là một ví dụ. Chồng chị có địa chỉ thường trú ở Q.3 nhưng đã bỏ đi từ năm 1995. Sau nhiều năm đơn thân nuôi con, năm 2012, chị đến TAND Q.3 xin ly hôn thì nơi đây ra quyết định đình chỉ thụ lý vụ án vì chồng chị không còn ở nơi đăng ký hộ khẩu. Chị nói: “Lẽ nào tôi phải mang tiếng “có chồng” hoài?”.

Để tham gia được chương trình, chị B.T.T.K. đã phải đổi ca, làm đêm. Chị kể, bốn năm nay, anh P., chồng chị, đã bỏ mẹ con chị về Quảng Nam sống. Mình chị vừa đi làm, vừa nuôi hai con bốn và sáu tuổi. Lương công nhân chỉ hơn năm triệu nên phải chắt chiu lắm chị mới có thể cho các con được đến trường. Anh không thể hiện chút trách nhiệm nào, kể cả việc gọi điện thăm hỏi con cái. Chị gọi điện về quê đề nghị ly hôn, anh ta dứt khoát “không”, còn nói: “Anh không phải là người bỏ vợ!”. Chị nộp đơn, tòa án Bình Dương không nhận, đề nghị chị ra Quảng Nam. Chị ra tận Quảng Nam, tòa ở đây cũng không cho chị đơn phương ly hôn vì anh chồng còn có mặt ở địa phương này. Chị khóc: “Nếu bỏ việc để đi ly hôn thì mẹ con tôi đói mất!”. Nghe luật sư Trịnh Thị Bích tư vấn: “Chị có thể yêu cầu tòa cho xử theo quy định pháp luật về ly hôn vắng mặt”, chị K. như không tin vào tai mình: “Có thể được vậy sao?”.

Gap ghenh loi thoat ly hon

Quang cảnh buổi tư vấn Lối thoát ly hôn

Không riêng phụ nữ đau khổ vì không tìm được cách ly hôn với người vắng mặt, anh Đ.Q.Đ. ở Hóc Môn cũng đã khổ sở gần 5 năm qua vì vợ thì bỏ đi, nhưng con cái lẫn nợ nần vẫn để lại. Anh nói: “Từ hơn ba năm trước tôi đã nộp đơn đề nghị ly hôn, sau khi làm đủ các thủ tục, tòa đã tuyên bố vợ tôi mất tích, nhưng sau đó lại không cho tôi được ly hôn, hướng dẫn tôi đi “đường” khác: không tuyên bố vợ mất tích nữa mà ghi như vẫn ở nơi cư trú để xin tuyên bố ly hôn vắng mặt… Nhưng, “đường” này cũng không thành công, hồ sơ xin ly hôn bị trả lại. Cuối năm 2012, tôi lại nộp đơn lần thứ ba, nhưng bảy tháng trôi qua, tòa chỉ mời tôi có một lần để lấy lời khai. Không biết đến bao giờ tôi mới thoát khỏi cuộc hôn nhân tội nợ này”.

Ông Bùi Văn Trí khẳng định: “Cho đến hôm nay, các thủ tục về ly hôn với người vắng mặt, người bỏ khỏi nơi cư trú đã được pháp luật quy định một cách rõ ràng. Đặc biệt, ngày 1/7 tới, Nghị quyết số 03 (ban hành ngày 3/12/2012) của Hội đồng thẩm phán hướng dẫn phần “Những quy định chung” của Bộ luật Tố tụng dân sự có hiệu lực thi hành sẽ là “lối thoát” cho những người vướng thủ tục ly hôn với người vắng mặt, mất tích. Căn cứ vào đó, những trường hợp như chị K., anh Đ. cũng sẽ được tháo gỡ”.

Một vấn đề mà các luật sư lưu ý sau buổi tư vấn là ngoài những vấn đề phát sinh trong quá trình thụ lý vụ án, thì có nhiều người trong cuộc do nôn nóng, thiếu hiểu biết các thủ tục đã vô tình làm cho việc ly hôn (lẽ ra đơn giản) của mình ở tòa bị kéo dài như bỏ đi khỏi nơi cư trú, thay đổi hoặc bổ sung nội dung tranh chấp, xin thay đổi người thụ lý (vì thiếu tin tưởng thẩm phán). Thiệt thòi này không ai ngoài đương sự phải gánh chịu.

VƯỚNG TÀI SẢN

Rất nhiều lý do buộc người ta lại phải ở cùng nhau sau khi đã cầm trong tay quyết định ly hôn: vì nhà chưa hóa giá xong, giấy tờ chưa có; vì nhà đất đóng băng, chưa thể bán để chia; vì người này chưa có tiền “thối” lại cho người kia… Thậm chí, khi vợ chồng ly hôn sáu năm, theo thỏa thuận, chị L.T.P. ở Thủ Đức, đã đóng tiền cho đội thi hành án hỗ trợ cho chồng cũ ra khỏi nhà nhưng anh lại không chuyển hộ khẩu đi mà tách hộ ghép, ở lỳ trong nhà đòi chia tiếp! Chị làm đơn tố cáo anh, công an phường, quận lại nói anh ta không có nơi chuyển thì chuyển đi đâu, để hộ ghép vậy cũng chẳng ảnh hưởng gì! Chị nói: “Sáu năm ra vào chung một nhà tôi còn bị anh ta theo dõi, mắng chửi… Tôi ly hôn mà chẳng có chút tự do!”. Theo luật sư, lẽ ra trường hợp này chị cần “mạnh tay” với chồng cũ, vì ngay trong quyết định của tòa đã ghi rõ anh L. phải cắt hộ khẩu và chuyển ra khỏi nhà sau khi chị P. thi hành án.

Gap ghenh loi thoat ly hon

Luật sư Trương Thị Hòa (người mặc áo dài) đang tư vấn

Chị T.T.M. ở Bạc Liêu có nhà, có tài sản, nhưng suốt mấy tháng qua mẹ con chị phải bỏ hết để lên TP.HCM tạm lánh người chồng ngang ngược. Chị và chồng mâu thuẫn đã bảy năm. Anh không chịu ly hôn vì đòi chia tài sản là căn nhà bà ngoại chị cho riêng con gái lớn của hai người. Anh dùng vũ lực đuổi mấy mẹ con chị ra khỏi nhà. Hiện chị đang tạm lánh ở Bình Chánh, TP.HCM, còn anh ta quản lý căn nhà trên, thích thì tới ở, không thì anh ta khóa cửa để đó.

Nhiều phụ nữ đã sai lầm khi tin lời người đã bội bạc mình: “Để anh giữ tài sản cho con”. Tháng 7/2011 chị M.T.M. (Hóc Môn) ra tòa ly hôn. Căn nhà chung, anh chồng hứa sẽ để lại cho con. Chị ra khỏi nhà, nuôi hai con, một sinh năm 2007, một sinh năm 2008. Giờ chồng cũ của chị dẫn người phụ nữ khác về căn nhà đó ở, chị cứ băn khoăn khi nào mới chia tài sản cho con? Liệu chị kiện để đòi phần đóng góp của chị, yêu cầu anh chồng chia tài sản cho con có được hay không?

BẤT CHẤP PHÁP LUẬT

Dù không phải buổi tư vấn chuyên đề tâm lý, nhưng ghi nhận từ những cuộc gọi, chúng tôi nhận thấy niềm mong mỏi được chia sẻ, nâng đỡ, hỗ trợ tinh thần khi đang tìm lối thoát ly hôn cũng là một nhu cầu lớn của những người trong cuộc. Có nhiều chị “bị đẩy” đến bước đường cùng: phải ly hôn khi chồng có người khác. Không ít ông chồng chọn cách… đánh vợ để được ly hôn, được chia tài sản. Hơn 20 năm qua, chị B.T.H., ở Q.Gò Vấp sống cùng chồng như một nô lệ! Chồng chị không chỉ gia trưởng, độc đoán mà còn rất lăng nhăng. Anh quan hệ với nhiều phụ nữ, có cả bạn thân của chị, nhưng chị chỉ “hé môi” là anh ta dùng vũ lực trấn áp. Do lệ thuộc chồng về kinh tế, chị phải chịu đau khổ để cho các con bình yên. Nay con lớn đã vào đại học, con nhỏ lớp 1, chị chuẩn bị ly hôn nhưng quá sợ chồng khi phải nhắc đến chuyện chia tài sản.

Gap ghenh loi thoat ly hon

Luật sư Nguyễn Thị Duyên (thứ hai từ phải sang) đang tư vấn

Theo luật sư Nguyễn Thị Duyên - Đoàn Luật sư TP.HCM: “Vì mặc cảm, sợ mọi người chê là không được chồng yêu thương, nhiều chị đã che giấu hành vi bạo lực của chồng suốt nhiều năm. Những chị này cứ thắc mắc vì sao mỗi ngày đều bị chồng nhục mạ, chửi bới, mỗi tháng đều bị chồng đánh một lần, mà khi xin ly hôn tòa lại bác đơn, nói hôn nhân chưa trầm trọng? Lẽ ra, các chị phải mạnh dạn tố cáo ngay từ đầu với các cơ quan chức năng khi bị bạo hành thì khi vấn đề trở nên trầm trọng, các chị mới có đủ chứng cứ để “thoát” khỏi cuộc hôn nhân với người chồng bạo lực đó”.

Luật sư Trương Thị Hòa lưu ý: Khi chuẩn bị ly hôn, các đương sự không được suy đoán thủ tục, bởi đây là một vấn đề phức tạp nhưng lại rất rõ ràng, không thể tự “suy đoán”. Mỗi người phải tự tìm hiểu trình tự những quy định pháp luật có liên quan đến hoàn cảnh của mình. Bên cạnh đó, khi đến tòa, phải hỏi thật kỹ trường hợp của mình có những vướng mắc, khó khăn gì. Khi đã hỏi tòa mà vẫn… chưa hiểu, nên xin tư vấn từ người có chuyên môn như luật gia, luật sư. Khi có vướng mắc về thủ tục pháp lý, nếu không có người hướng dẫn, các đương sự sẽ rất khó dứt khoát được với cuộc hôn nhân đã trở thành địa ngục.

 NGHI ANH

Những thủ tục cần biết khi ly hôn

Theo quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự, muốn ly hôn, đương sự có thể nộp đơn trực tiếp đến tòa án hoặc thông qua đường bưu điện. Ngày khởi kiện được tính từ ngày đương sự nộp đơn tại tòa án hoặc ngày có dấu bưu điện nơi gửi.

Trong thời hạn năm ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn kiện, tòa án phải tiến hành thụ lý vụ án, tức thông báo để đương sự nộp tiền tạm ứng án phí, tòa án thụ lý án khi người khởi kiện nộp cho tòa biên lai nộp tiền tạm ứng án phí.

Hiện tại các TAND quận, huyện và TAND TP.HCM đều có niêm yết trình tự, thủ tục và thời hạn giải quyết. Thông tin này cũng có trên trang mạng của TAND TP.HCM: http://tand.hochiminhcity.gov.vn.

Thủ tục khởi kiện: người làm đơn phải làm theo mẫu, nêu rõ họ tên, địa chỉ và người mình muốn ly hôn. Nội dung cần thể hiện rõ trong đơn là vợ/chồng đã kết hôn năm nào, tại đâu, nêu khái quát quá trình từ khi kết hôn, nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn và dẫn đến yêu cầu ly hôn. Nếu có con chung, nêu rõ có mấy con, họ tên, ngày tháng năm sinh và nêu rõ yêu cầu nuôi con và yêu cầu chồng/vợ cấp dưỡng cho con. (cần nêu rõ mức cấp dưỡng cụ thể). Ngoài ra, nếu trong thời kỳ hôn nhân, giữa vợ và chồng có tài sản chung, nên yêu cầu chia những tài sản chung này. Những tài liệu cơ bản nhất để làm đơn khởi kiện một vụ án ly hôn ngoài đơn, còn cần: giấy chứng nhận kết hôn (bản chính); bản sao hộ khẩu, CMND của vợ và chồng; bản sao giấy khai sinh con; bản sao chủ quyền tài sản...

Theo Luật Dân sự, đơn phải được nộp tại tòa án có thẩm quyền (là tòa án nơi bị đơn cư trú) giải quyết. Nếu ly hôn với đương sự ở nước ngoài, đơn phải nộp tại TAND cấp tỉnh, TP nơi bị đơn đang cư trú. Kể từ ngày nộp biên lai tạm ứng án phí cho tòa án với đầy đủ hồ sơ, tòa mới chính thức xem xét thụ lý vụ án ly hôn.

 Thẩm phán Bùi Văn Trí

Bên lề

NHẦM NGÀY VÌ QUÁ NÔN NÓNG

Quá nôn nóng được luật sư tư vấn trực tiếp, chị M.T.H. đã chạy xe máy từ H. Hóc Môn lên Báo Phụ Nữ (khoảng 20km), đến nơi chị mới té ngửa là ngày tổ chức chương trình cũng là thứ Năm nhưng vào… hai tuần sau. Chị H. ly hôn năm 2011, nuôi cả hai con với gói cấp dưỡng hàng tháng hai triệu đồng từ chồng cũ. Thực tế, hơn nửa năm nay, chị không nhận được đồng nào dù lương của chồng cũ khoảng 12 triệu đồng/tháng. Chị là giáo viên nên không đủ trang trải chi phí nuôi con ăn học, thuê nhà. Đòi cấp dưỡng, chồng cũ bảo: “Lương còn chưa đủ tui nhậu…”! Chị bế tắc. Nhờ sự tư vấn của luật sư, chị H. quyết định sẽ gửi đơn yêu cầu nâng mức cấp dưỡng và liên hệ cơ quan Thi hành án khi chồng cũ “quên”.

DIỆU HIỀN

UẤT THAY… CON DÂU

Ngày 21/6, chị L.T., gọi đến tổng đài Lối thoát ly hôn thì lượng bạn đọc đăng ký tham gia chương trình đã vượt quá con số dự kiến, ban tổ chức đành sắp xếp cho chị dự chương trình sau.

Tuy nhiên, ngay buổi chiều hôm ấy, bà H.M., mẹ chồng chị T. đã gọi điện thoại xin cho con dâu bà được tham dự. Bà M. nói: “Con dâu của tôi là một người nghiêm túc, sống rất biết lý lẽ, nhưng con trai tôi có người phụ nữ khác, về đòi ly hôn và lấy lại nhà (nhà do chồng tôi để lại nhưng chưa làm giấy tờ gì thì ông ấy mất). Là mẹ chồng nhưng tôi rất uất cho con dâu. Tôi tha thiết đề nghị chương trình hãy cho T. tham dự, tôi đã sẵn sàng để phần thừa kế di sản của mình từ căn nhà mà chồng tôi để lại cho các cháu nội, giúp T. kiện ra tòa, đòi quyền lợi cho các cháu”.

Nhận thấy đây là một hoàn cảnh khá đặc biệt, BTC chương trình phải “xé rào” để chị T. được tham gia ngay.

 ĐẠI DƯƠNG 

GIỜ MỚI…DÁM KỂ

Chị V.T.L. đến bàn tư vấn, cẩn trọng rút ra một bọc giấy tờ với rất nhiều đơn từ như hộ khẩu, sổ đỏ và cả bản đồ nhà đất, tất cả đều đã sờn cũ. Chị tâm sự: “Ly thân chồng 20 năm rồi, tôi biết sẽ có lúc ly hôn, phải tranh chấp tài sản nên 20 năm qua, tôi cất rất kỹ số giấy tờ này, không dám đưa ai xem vì sợ mất. Chuyện của mình tôi cũng không nói được với ai, cứ cất giữ trong lòng, đến hôm nay mới tìm được nơi để bày tỏ”.

 MINH TRÂM

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI