Đừng để 1 giây lơ đễnh, bạn phải đau đớn cả đời

23/08/2020 - 15:47

PNO - Không thiếu trường hợp mẹ mải mê lướt điện thoại, chụp ảnh selfie hay bố ham nói chuyện phiếm... chỉ chốc lát quay ra, đã không thấy con đâu...

Đọc tin cháu Nguyễn Cao Gia Bảo (2 tuổi, Bắc Ninh) đã được tìm thấy và cơ quan chức năng bàn giao cho bố mẹ vào lúc 1 giờ sáng ngày 23/8, tôi thở phào nhẹ nhõm. Có lẽ không chỉ tôi, mà rất nhiều người chung tâm trạng từ khi nín thở theo dõi diễn biến vụ việc và chung cảm giác hạnh phúc vỡ òa, dù không có mối quan hệ thân thích với gia đình bé.

Nhờ sự vào cuộc kịp thời của các cơ quan chức năng cùng việc chia sẻ thông tin rộng rãi trên mạng xã hội, lực lượng công an nhanh chóng xác minh, truy tìm đối tượng bắt cóc, đưa cháu bé về an toàn, khỏe mạnh.

Bé Gia Bảo được về với gia đình là một may mắn, bởi trong nhiều trường hợp tương tự, cha mẹ không thể gặp lại con thêm lần nào nữa.

Bé Gia Bảo trở về với gia đình là một may mắn lớn, đâyĐây cũng là bài học cảnh tỉnh cho rất nhiều bố mẹ có tâm lý chủ quan khi cho con đi chơi nơi đông người.
Vụ bắt cóc bé Gia Bảo là bài học cảnh tỉnh cho rất nhiều bố mẹ có tâm lý chủ quan khi cho con đi chơi nơi đông người. Ảnh từ Internet

Nhìn vẻ mặt phờ phạc, thất thần của anh Hưng (cha bé Gia Bảo) khi mất con, có thấy sự lo lắng đến tột cùng. Chỉ vì một phút lơ đễnh, anh đã gây lỗi tày đình. Nếu không tìm được con, nỗi đau đớn, day dứt sẽ theo anh đến hết cuộc đời.

Theo những thông tin chia sẻ trước đó, chiều 21/8, anh Hưng đón con đi học về, sau đó đưa con ra công viên chơi. Lúc con chơi, anh Hưng có mải dùng điện thoại, nhưng chỉ vài phút sau, anh hoảng hốt khi không thấy con. Theo một vài nguồn tin khác thì anh có quay đi mua nước ít phút mà không dắt con theo.

Dù anh mải xem điện thoại hay mua nước, thì đây cũng là bài học cảnh tỉnh cho rất nhiều cha mẹ có tâm lý chủ quan, ngay cả khi cho con đi chơi nơi công cộng.

Đối với những đứa trẻ hiếu động, chỉ cần một tích tắc không để ý là con “biến mất” ngay tức thì. Thế mà ở các khu vui chơi, công viên, trung tâm thương mại, siêu thị… thậm chí ở bãi biển, cảnh tượng các ông bố bà mẹ mải làm việc riêng để con tự chơi rất phổ biến.

Ở nước ngoài, nhiều bố mẹ mua sợi dây chống con đi lạc để sử dụng, nên chăng bố mẹ Việt cũng cần áp dụng phương pháp đơn giản ái
Ở nước ngoài, nhiều phụ huynh mua sợi dây chống con đi lạc để sử dụng. Một số bà mẹ Việt cũng bắt đầu áp dụng phương pháp đơn giản này để bảo vệ con khi đến nơi đông người. Ảnh minh họa

Không thiếu trường hợp mẹ mải mê lướt điện thoại, chụp ảnh "tự sướng" hay bố ham nói chuyện phiếm... chỉ một lúc quay ra thì không thấy con đâu, sau đó hoảng hốt đi tìm rồi phải nhờ loa phát thanh, phát thông tin tìm trẻ lạc. Dù con có thể không bị bắt cóc, nhưng rất dễ gặp tai nạn rơi vào chốn nguy hiểm. Hoặc tâm lý lo lắng, hoảng loạn đi tìm lại cha mẹ, trong nhiều trường hợp, cũng đủ khiến bé tổn thương lâu dài.

Con càng nhỏ càng cần sự giám sát cẩn thận của cha mẹ ở nơi đông người. Tuyệt đối không được rời mắt khỏi con, luôn nắm chặt tay vì chỉ cần buông ra là trẻ dễ bị lạc. Trẻ nhỏ có bản năng tìm hiểu thế giới, luôn ham thích, tò mò khám phá chỗ này nhìn chỗ kia. Dù cha mẹ có dặn kỹ cỡ nào, trẻ cũng dễ quên mất mà chạy theo các mục tiêu hấp dẫn.

Trong đoạn video được ghi lại bởi một camera an ninh trong thang máy một tòa nhà, khi người mẹ đang tập trung xem điện thoại thì bé gái thoải mái đùa nghịch ngay gần cửa thang và để tay trên cửa thang máy. Bất ngờ, cửa mở ra khiến tay bé bị mắc kẹt vào trong cửa (Nguồn: Internet)

Những ông bố bà mẹ trẻ thường chủ quan khi trông con, nhưng theo quan sát của tôi, những người già có kinh nghiệm như ông bà nội ngoại lại rất cẩn thận khi trông cháu. Có lần đi biển, tôi chứng kiến một bà ngoại buộc dây vào bụng hai đứa cháu tầm 4, 5 tuổi, rồi cầm đầu dây còn lại. Nhìn cảnh ấy, nhiều người thấy rất buồn cười, song thực tế, đó là sợi dây "thần kỳ" bọn trẻ chỉ đi được một đoạn theo chiều dài sợi dây, khoảng 5-7 mét, thì phải quay về chỗ của bà.

Tôi nghĩ, cách làm này rất hữu hiệu, vì ở bãi biển, bọn trẻ rất dễ mất phương hướng, ham chạy nhảy và khó nhớ vị trí gia đình ngồi để quay lại. Năm nào đi biển cũng chứng kiến không ít bà mẹ để con đi lạc, nước mắt ngắn dài rồi hớt hải tìm con.

 

Vụ tai nạn xảy ra vào ngày 19/6 vừa qua tại thành phố Medellín (Colombia) khiến nhiều người thót tim. Khi vừa ra khỏi thang máy, người mẹ chỉ chăm chú xem điện thoại, thỉ thoảng mới liếc mắt nhìn đứa trẻ. Do bé đang tập đi, chân chưa vững cộng thêm việc lan can ở hành lang có một khoảng trống rất rộng đã khiến cô bé bị mất thăng bằng, cuối cùng lao đầu xuống dưới. (Nguồn: Internet)

Nhân vụ người cha ở Bắc Ninh bị lạc con, nhiều phụ huynh đã giật mình tự nhủ sẽ cảnh giác hơn nữa khi đưa con ra nơi công cộng. Có người bình luận: "Nghĩ cũng lạ, cái ví tiền thì người nào cũng giữ khư sợ mất mà con cái là báu vật lại rất dễ lơ là mất cảnh giác khi đến nơi đông người".

Thông tin mới nhất trên báo chí cho biết, người phụ nữ bắt cóc bé Gia Bảo có thể là mắt xích của một đường dây buôn bán trẻ em, chứ không phải vì thủ phạm thèm con nhỏ và dựng lên kế hoạch bắt cóc như lời khai ban đầu.

Nếu quả thực như vậy, vụ án sẽ còn rất phức tạp và mối nguy trẻ bị bắt cóc tiếp tục đe dọa nhiều gia đình khác. Vậy thì, đừng bao giờ rời mắt khỏi con trẻ, dù bất cứ lý do gì. Vài giây lơ đễnh có thể khiến bạn đau đớn, hối hận cả đời.

 Hoàng Dũng

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • nguyễn phương 24-08-2020 04:50:24

    Rất đúng ,tôi đã một lần suýt mất con chỉ vì một phút lơ đễnh ,đừng nghĩ các cháu còn nhỏ mà không thể đi xa .Chỉ trong một vài phút cháu đã đi rất xa đến mình không ngờ được rất may có người quen thấy được và giữ cháu lại .

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI