Đừng đánh mất bản thân

20/10/2013 - 08:00

PNO - PNCN - Vừa đi làm về, con vào bếp mở lồng bàn. Thấy mâm cơm chỉ có đĩa cá kho và tô canh, con dằn dỗi: “Con đi làm cực khổ, mẹ cho con ăn vầy sao mà nuốt vô”. Biết con đang bực, mẹ không nỡ giận, lẳng lặng đi hâm nóng thức ăn...

edf40wrjww2tblPage:Content

Đã có lần mẹ phân trần với con: lương hưu hàng tháng của ba là để mua thuốc trị huyết áp cho ba mẹ, thuốc trợ tim cho ba. Lương của mẹ dành để đi chợ và đóng học phí cho em con. Nhưng hàng tháng nào chỉ có bấy nhiêu, còn tiền gạo, gas, điện, nước, lễ lạt giỗ chạp… Tiền của con là để bù vào những khoản thiếu hụt ấy, nên mẹ phải cố gắng tằn tiện. Con không nghĩ nhiều, chỉ thấy ấm ức vì đã đưa nhiều tiền cho mẹ mà không thấy mâm cơm được cải thiện. Mẹ rất buồn khi không hiểu vì sao con lại trở nên không hiểu chuyện như thế.

Trước đây ba con là nhân viên văn phòng, mẹ là cô giáo. Để nuôi được hai chị em con đủ đầy, ba mẹ phải tích cực làm thêm. Ngoài giờ làm, ba đi giữ xe, mẹ mở lớp dạy thêm. Con lên cấp III, phải học thêm nhiều môn, lương của mẹ đóng học phí cho con còn không đủ. Mẹ phải dạy thêm nhiều lớp. Có bữa học trò tan đã 21g, cổ họng mẹ khô rát, nuốt không nổi cơm, nhưng vẫn phải ráng ăn để có sức ngày mai dạy tiếp. Thấy mẹ gầy nhom, con lén dành tiền ăn sáng mua cho mẹ hộp sữa. Cầm hộp sữa của con, mẹ trào nước mắt, thương con đứt ruột. Mẹ cực khổ thế nào cũng được, sao nỡ để con phải hy sinh vì mẹ…

Con đậu vào trường đại học danh tiếng, ba mẹ mừng một nhưng lo mười. Rồi lại nghĩ, đã 12 năm lo cho con, còn 5 năm nữa ráng chút là tới đích, nên động viên nhau cố gắng. Có bữa con về thăm nhà, đứng trong bếp nhìn ra, thấy mẹ vừa giảng bài vừa ôm ngực ho sù sụ. Học trò về, con ôm mẹ nghẹn ngào, “sau này con đi làm có tiền, sẽ không để mẹ cực nữa”. Mẹ con mình ôm nhau cùng khóc…

Dung danh mat ban than

Rồi con ra trường đi làm. Tháng lương đầu tiên con hớn hở mang về cho mẹ, tuyên bố từ nay sẽ thay ba mẹ nuôi em, chăm lo gia đình. Mẹ rất mừng khi thấy con biết nghĩ. Thấy sức khỏe mẹ sa sút, con nhất định bắt mẹ không được dạy thêm. Sau một tuần đi công tác, về nhà thấy học trò còn học, con ấm ức khóc, ra đường gọi ngay xe ba gác chở hết bàn ghế đi bán. Con còn giục mẹ xin nghỉ hưu non, lo an hưởng tuổi già. Ba mẹ rất ấm lòng khi nghĩ, cực khổ bấy lâu giờ đã được con đền đáp xứng đáng.

Nhưng không hiểu từ lúc nào, gia đình mình bỗng trở thành gánh nặng của con. Thay vì đưa phần lớn tiền lương cho mẹ, nay con chỉ đưa một ít. Con còn so bì, bạn bè con cha mẹ khá giả, được để tiền riêng, đâu có nặng gánh như con. Tới tháng, cầm tiền đưa mẹ, con bảo: “Con làm tròn trách nhiệm rồi đó nha. Không có con lo, nhà này không biết ra sao”. Quay sang em trai, con đe nẹt: “Ráng lo học rồi đi làm, chị không nuôi hoài đâu”.

Ba lên huyết áp, ngất xỉu. Ngồi trên taxi, mẹ luýnh quýnh gọi cho con. Đến bệnh viện thấy ba đã đỡ, con cằn nhằn: “Chuyện nhỏ vậy mà mẹ cũng phiền con. Hợp đồng này mà không ký được, mẹ biết con mất bao nhiêu tiền hoa hồng không”. Con vô tâm đến nỗi thấy số máy của mẹ, vừa mở máy con đã gắt gỏng, “lại chuyện gì nữa đây?”. Mẹ trào nước mắt, không muốn phiền con nữa.

Mẹ biết con đi làm vất vả, áp lực công việc rất lớn, hàng ngày phải đối đầu với bao nhiêu khó khăn, lại thêm gánh nặng gia đình khiến con trở nên mệt mỏi, cáu gắt. Nhưng muôn đời nước mắt vẫn chảy xuôi, mẹ chỉ thương con chứ không nỡ giận. Ba thì bảo tại con va chạm nhiều ngoài xã hội, lây nhiễm lối sống thực dụng của giới trẻ bây giờ. Mẹ rất đau lòng khi thấy con đang tự đánh mất bản thân. Cứ kéo dài thế này, e là con sẽ không còn là con nữa.

THÙY GƯƠNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI