edf40wrjww2tblPage:Content

Bà My bức xúc trình bày sự việc cháu “mất tích” nhưng gia đình em gái thờ ơ kiếm tìm
Họ hàng sốt sắng…
Cầm trên tay lá đơn nhờ Báo Phụ Nữ can thiệp sự việc, bà My (ngụ P.Bình Trị Đông A, Q.Bình Tân, TP.HCM) lo lắng: “Bây giờ, ai chỉ đi đâu tìm cháu gái, chúng tôi đi ngay. Sốt ruột quá. Không biết con bé đang ở đâu, sống như thế nào? Còn hay mất?”. Bà My là dì ruột của cháu Tâm (SN 1998, ngụ P.1, Q.11, TP.HCM). Theo bà, năm học 2012-2013 vừa kết thúc, Tâm về Long An phụ cha gánh lúa, sau đó bỏ đi khi chưa kịp tham dự kỳ thi chuyển cấp lên lớp 10. “Có khả năng cháu bị cha đánh đập, chịu không nổi mới bỏ đi, vì con bé rất ngoan hiền, học khá” - bà My cho biết.
Cháu gái “mất tích”, không biết sống chết ra sao, bà My gửi đơn “kêu cứu” đến UBND P.1, Công an P.1, Hội LNPN P.1 của Q.11. Đến đâu cũng gặp cái lắc đầu kèm hướng dẫn: phải chính cha mẹ cháu Tâm đến trình báo mới có thể xác minh nguồn tin, trên cơ sở đó xem xét giải quyết sự việc. Giận mình “bất lực”, bà My gọi điện cho em gái là mẹ của Tâm thì được trả lời: “Em mệt mỏi lắm rồi. Con đông, hư đứa nào em… bỏ đứa đó”. Tiếp tục động viên vợ chồng em lên trình báo chính quyền, bà My giật mình khi nghe em gái phán: “Ai đâu mà lo chuyện của mình. Chuyện nhà em để em tự lo. Em không muốn ai can thiệp hết”. Sau đó, người phụ nữ này không nhận bất cứ cuộc gọi nào nữa của bà My hoặc từ người thân, cuối cùng là đổi số điện thoại. Ông Ngọc - em trai của bà My đồng tình: “Không hiểu vì lý do gì mà vợ chồng nó (phụ huynh em Tâm - PV) hành động vậy. Có gì uẩn khúc phía sau chăng? Riêng tôi, hay tin cháu mất tích, suốt từ đó đến nay sợ cháu hư, sa đà chơi bời, quán internet nào tôi cũng ghé vào lùng sục, nhờ cả người quen, bạn bè kiếm giúp mà không thấy”.

Em Tâm (người ngoài cùng bên phải) đang ở đâu?
Cách đây nửa tháng, bị các anh chị tìm kiếm, gây áp lực phải thông báo chính quyền việc con mất tích, vợ chồng bà Lê - ông Đây mới đến trụ sở Công an P.1, Q.11 trình báo sự việc, với nội dung: “Tâm lên mạng chat với bạn trai, sau đó xin số điện thoại rồi đi theo. Do Tâm tắt máy nên gia đình không liên lạc được và Tâm cũng không gọi về cho gia đình”. Giải thích về sự “mệt mỏi”, từ chối gặp gỡ, trò chuyện với người thân của vợ chồng bà Lê - ông Đây, cả bà My lẫn ông Ngọc đồng khẳng định: “Nhiều lần, Lê bị chồng đánh đập phải chạy về tá túc chỗ chúng tôi. Có lần Lê đòi ly hôn và bỏ đi rồi, nhưng vì thương các con ở với cha khổ mới quay về sống chung tiếp. Có lẽ Lê bị chồng đánh đập nhiều quá, đã trở nên nhu nhược”. Xác minh vấn đề này, phóng viên được ông Phan Thanh Đoàn - Chủ tịch UBND P.1 thừa nhận: “Vợ chồng họ cơm không lành canh không ngọt đã 10 năm nay, chính quyền nhiều lần mời lên hòa giải, hàn gắn”. Còn ông Nguyễn Tấn Thuận - cán bộ phụ trách tư pháp, UBND P.1 khẳng định: “Nhận đơn xin can thiệp của bà My, chúng tôi có hướng dẫn bà về vận động em gái lên trình báo để nắm rõ thực hư, song không thấy ai lên”.
…Cha mẹ ơ hờ
Trao đổi với chúng tôi, đại diện Công an P.1, ông Trương Văn Đình cho biết: “Theo nguyên tắc, trẻ “mất tích” ở đâu, phụ huynh sẽ trình báo cho cơ quan chức năng ở đó biết. Khi nhận được thông tin trực tiếp từ cha mẹ cháu Tâm cách đây gần một tháng, chúng tôi lập hồ sơ, lấy lời khai và có hướng dẫn họ đăng báo đài tìm con; vận động họ rà soát các mối quan hệ bạn bè của con để nhờ giúp đỡ. Khi nào họ cho biết việc đăng tin tìm con vẫn không có kết quả, chúng tôi sẽ chuyển hồ sơ qua cơ quan điều tra nhờ xử lý vụ việc”. Tuy nhiên, cả ông Đình và bà My, ông Ngọc đều khẳng định đến nay, chưa thấy báo, đài nào đăng thông tin tìm kiếm Tâm. Ông Đình cũng cho biết thêm, khả năng Tâm bỏ nhà theo bạn trai là rất lớn. Do trước đây, bà Lê - ông Đây kinh doanh quán cà phê mại dâm trá hình ngay tại nhà, ba lần chính quyền xuống lập biên bản xử phạt, vận động kinh doanh lành mạnh. Sống trong môi trường như vậy, đứa trẻ có thể bị ảnh hưởng. Sau khi nghỉ kinh doanh quán cà phê, cho thuê lại mặt bằng, vợ chồng bà Lê - ông Đây làm gì, không ai hay biết.

Không ai biết vì sao bà Lê (thứ ba từ trái qua) - mẹ em Tâm không hợp tác với cơ quan chức năng để tìm kiếm con
Tâm là con gái đầu, trong số ba đứa con của bà Lê - ông Đây. Sau khi nhận được đơn “kêu cứu” của bà My, Báo Phụ Nữ đã nhiều lần liên hệ qua điện thoại với vợ chồng bà Lê - ông Đây để xác minh sự việc, nhưng không ai bắt máy. Phóng viên cũng xuống tận nhà để “phục kích”, vẫn không gặp được. Hỏi thăm hàng xóm, ai nấy đều cho biết gia đình này suốt ngày cửa đóng im ỉm, ít thấy ai ra vô hoặc có ra vô cũng mở và đóng cửa rất nhanh. Một gia đình sống rất khép kín với chung quanh và với cả người thân kể từ ngày con gái “mất tích”.
Sau khi hay tin vợ chồng họ đã đến công an trình báo việc con gái bỏ đi, phóng viên liên lạc lại thì được bà Lê đồng ý gặp tại nhà riêng. Tuy nhiên, đúng giờ hẹn, phóng viên gõ cửa, gọi điện nhiều lần đều không thấy trả lời. Chờ đợi thêm ba tiếng đồng hồ, phóng viên đành quay về và đến nay, dù đã gọi lại nhiều lần, vẫn không ai nghe điện thoại.
Có khuất tất gì sau cánh cửa của gia đình này, khi người làm cha mẹ chẳng những không đau xót mà lại quá thờ ơ trước vụ việc con gái “mất tích”? Trong khi bạn bè cùng trang lứa của Tâm đang nhộn nhịp chuẩn bị ngày tựu trường, thì đứa trẻ này đang ở đâu, cuộc sống như thế nào? Rất mong các cơ quan chức năng, người có nghĩa vụ liên quan sớm làm sáng tỏ sự tình.
TUYẾT DÂN
Có dễ dàng để nói: “Con hư đứa nào… bỏ đứa nấy”? Luật Hôn nhân và Gia đình đã quy định các quyền và nghĩa vụ chung của cha mẹ đối với con: cha mẹ có nghĩa vụ và quyền thương yêu, trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con; tôn trọng ý kiến của con. Chăm lo việc học tập và giáo dục để giúp con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ và đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội. Ngoài ra, cha mẹ còn có các quyền và nghĩa vụ chính như: cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên hoặc con đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình; giáo dục con, chăm lo và tạo điều kiện cho con học tập, cha mẹ phải tạo điều kiện cho con được sống trong một môi trường gia đình đầm ấm, hòa thuận; làm gương tốt cho con về mọi mặt; phối hợp chặt chẽ với nhà trường và các tổ chức xã hội trong việc giáo dục con. Nhằm đảm bảo cho cha mẹ thực hiện tốt các quyền và nghĩa vụ đối với con, Luật đã quy định những việc cha mẹ không được làm như: không được phân biệt đối xử giữa các con, ngược đãi, hành hạ, xúc phạm con; không được lạm dụng sức lao động đối với con chưa thành niên; không được xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội. Em Tâm đang ở lứa tuổi dậy thì nên còn bồng bột, bướng bỉnh, chưa đủ chín chắn để chịu trách nhiệm về những quyết định nông nổi của mình (bỏ nhà ra đi), do đó rất cần sự quan tâm, giáo dục, uốn nắn của cha mẹ, cho dù em có lỗi gì đi chăng nữa. Trong hoàn cảnh này, lẽ ra gia đình phải nỗ lực tìm kiếm, giúp em trở về để tiếp tục đến trường, nhưng thật đáng tiếc cha mẹ em lại thờ ơ khi con gái “mất tích”. Đây là một hành động đáng trách, chưa làm tròn bổn phận, chưa thực hiện tốt các quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con mình. Nuôi con đến tuổi này có người mẹ nào lại đành lòng bỏ con, câu nói “Con hư đứa nào… bỏ đứa nấy” chắc chỉ là lời nói của phút tức giận chứ thâm tâm bà Lê không mong muốn. Thực tế chứng minh, vì thương các con sống với cha khổ nên bỏ đi rồi, bà vẫn trở về tiếp tục duy trì cuộc hôn nhân vốn đã rạn nứt. Chính cuộc sống “cơm không lành canh không ngọt” kéo dài đã làm cho người mẹ buông xuôi và gây nên hậu quả là việc con bỏ nhà ra đi. Cuộc sống bên ngoài đầy cám dỗ, bất trắc, mong rằng gia đình sớm phối hợp với cơ quan chức năng, tích cực tìm kiếm để Tâm sớm trở về nhà tiếp tục việc học hành. LS Lê Nguyễn Thuyền Quyên (Văn phòng LS Sài Gòn - Gia Định) |