Đứa con sau cuộc ly hôn

26/01/2017 - 11:15

PNO - Giấy tờ được ký lúc tôi còn học trung học cơ sở. Trong đầu tôi lúc ấy, đó là các bản cam kết được ký bằng mực đỏ như máu, với từng từ cay đắng: “Gia đình không còn nữa”.

Bố mẹ không còn là một cặp nữa, giờ đây tôi sẽ có bố, và mẹ (tách biệt). Mười một tuổi, tôi đã từng có ý nghĩ cuộc ly hôn của bố mẹ sẽ kết thúc vào cái đêm chúng tôi khóc lóc trong phòng khách. Nhưng ngay ngày hôm sau, khi thức dậy với mi mắt khô cứng, sự thật đập vào tôi - ly hôn vẫn còn tiếp tục. Đó là lúc tôi học được rằng ly hôn là một cái mác sẽ luôn tồn tại, nhất là với một đứa con.

Dua con sau cuoc ly hon
 

Tôi tin rằng với nỗ lực và giải pháp thích hợp, người lớn có thể tách ra khỏi nhau mà vẫn giữ hòa hảo cho gia đình. Dù trải qua một thời gian dài, nhưng gia đình tôi vẫn đang ở trong giai đoạn này. Chúng tôi vẫn cảm thấy không có tính chất “gia đình” từ khi vụ ly hôn xảy ra. Có cảm giác gì đó tách biệt.

Không nói ra, nhưng tôi biết mỗi người trong chúng tôi vẫn luôn trăn trở về cách mà các thành viên khác đối đầu với vấn đề của họ. Đã có một ấn định rõ ràng trong việc chúng tôi chuyển từ tính chất của một gia đình sang một tổ chức ít gắn bó hơn.

Tôi không phản đối cũng như đổ lỗi cho bố mẹ tôi về việc ly hôn. Đó là một việc làm cần thiết. Nhưng tôi đã không mường tượng được ảnh hưởng sâu đậm của nó. Ngay vào lúc đó, tôi đã mong muốn nhanh chóng trưởng thành, nghĩ rằng khi lớn lên thì cảm giác khó chịu này sẽ mất đi. Tôi cũng không thể đổ lỗi cho bất kỳ ai, dù nó đau vô cùng. Tôi thấy mình bị bỏ rơi, đôi khi tự cảm thấy có lỗi.

Mặc dù tuổi thơ tôi đã không phải lo lắng, cái ăn cái mặc, học hành đều đã được chi trả đầy đủ, nhưng tôi cảm thấy như mình là một món nợ giữa bố và mẹ. Cảm xúc của tôi cứ liên tục bị thử thách mỗi khi mẹ dặn: “Đừng kể với bố về bạn trai mới của mẹ”, hay mỗi khi bố nhắn tin: “Bảo mẹ tiền chu cấp sẽ được gửi vào ngày mai”. Giá trị của tôi gần như phụ thuộc vào việc liệu tôi có thể đóng tròn vai trò cầu nối giữa hai con người không còn muốn quan hệ với nhau nữa. Một vai trò làm tôi tủi nhục và căm ghét bản thân.

Khoảng thời gian đó của cuộc đời tôi đã qua, ngày nay, tôi có một tương lai xán lạn hơn để trông chờ. Nhưng quá trình đối chọi với cuộc ly hôn của bố mẹ đã trở thành một nhân tố ảnh hưởng đến cách tôi nhìn nhận tình yêu. Tôi yêu bạn trai của mình, và biết anh ấy cũng yêu tôi. Viễn cảnh tươi sáng và hạnh phúc của tình yêu, hôn nhân sống bên trong tôi cùng với hình ảnh u ám và đau buồn của ly hôn.

Trong tình yêu, tôi chưa bao giờ có một tấm gương để noi theo khi còn nhỏ. Những gia đình họ hàng sống xa cách, bố mẹ chia tay khi tôi còn chưa vào cấp III. Một tình yêu mẫu mực, đầy sự cống hiến và hy sinh là khái niệm vô cùng xa lạ đối với tôi. Ngược lại, tôi luôn tự hỏi liệu mình có xứng đáng với tình yêu hay không?

Mỗi khi tôi và bạn trai bất đồng ý kiến, tôi cảm thấy cả thế giới sụp đổ. Bởi trong ý niệm của mình, mỗi khi có vấn đề là mọi chuyện sẽ kết thúc. Nếu tôi để nỗi ám ảnh làm chủ, vậy là xong. Mặc dù bạn trai của tôi nhiều lần trấn an, tôi vẫn liên tục phải đấu tranh với chính mình. Những lần chúng tôi đối mặt với thử thách, mỗi khi chúng tôi phải cách xa nhau, hay những ngày phải đối phó với các khó khăn cá nhân... tôi lại phải tự nhủ rằng đó không phải là lỗi của mình.

Mối quan hệ của chúng tôi có vẻ suôn sẻ trong tim tôi, nhưng trong trí não của tôi, nó là một hình ảnh mù mờ. Giá trị của bản thân tôi trong mối quan hệ như một cái từ nằm trên đầu lưỡi, nhưng tôi không thể nói ra được.

Sáu năm sau cuộc ly hôn của bố mẹ, tôi đã trở thành một sinh viên. Ở cái tuổi quá độ giữa con nít và người trưởng thành, tôi cảm thấy sắp sửa thoát khỏi cái ám ảnh của việc làm đứa con của một cuộc hôn nhân đổ vỡ. Vậy mà mỗi lần gia đình họp mặt, rồi lại tranh cãi về việc ai sẽ làm gì cho bữa tiệc sắp tới, là tôi lại thấy mình chưa sẵn sàng. Sâu thẳm bên trong, tôi còn nhiều bức xúc chưa giải quyết được, và tôi biết những người thân khác trong gia đình cũng thế.

Tất cả chúng tôi vẫn còn đang ở trong giai đoạn hồi phục và thích ứng. Tuy ký ức buồn bã vào cái ngày mà bố mẹ tôi ly hôn vẫn còn đó, nhưng tôi không cho phép mình đổ lỗi cho việc làm của họ. Tôi mừng là bố mẹ tôi đã không để tôi phải gánh cái trọng trách làm kẻ thương thuyết cho cuộc hôn nhân tệ hại của họ.

Tôi đã tự nhận ra rằng một mối quan hệ có thể sẽ không thành công, dù cho ta có bỏ mọi công sức vào để gìn giữ nó. Tôi cũng phải chấp nhận rằng đã có rất nhiều cuộc hôn nhân lâm vào tình cảnh tương tự. Và cuối cùng, tôi hiểu rằng tình yêu không nhất thiết phải kéo dài mới được xem là quý báu.

Không thể phủ nhận ly hôn đã để lại một cái sẹo gớm ghiếc trong tôi. Nhưng cũng chính nhờ nó mà tôi học được cách trân trọng bố mẹ mình hơn, dù tôi không muốn trở thành họ. Tôi học được cách ưu tiên cho những cảm xúc của mình. Tại sao tôi lại phải tỏ ra giận dữ với người yêu của mình khi họ cần phải đi xa, trong khi đấy là một tình huống không ai có thể điều khiển được.

Tại sao tôi phải bực tức khi bạn trai nói lên ý kiến chân thực của anh ấy? Trân trọng giá trị của việc anh ấy có thể làm được - điều đó quan trọng hơn. Tôi vẫn còn sợ yêu và sợ được yêu. Với mối quan hệ đôi lứa, tôi đang đi vào một chân trời mới hoàn toàn xa lạ. Nhưng nay tôi đã có được niềm tin rằng tình yêu sẽ giúp tôi bắt đầu nhiều thứ quan trọng hơn. Và có thể nó sẽ không suôn sẻ, có thể nó sẽ dẫn đến ly hôn - việc đó cũng không sao.

Và tôi xứng đáng với tình yêu, dù có phải tự nhủ bao nhiêu lần đi nữa.

                                                                                                              Huyền Ly

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI