Đợt bùng phát dịch nghiêm trọng ở Thượng Hải đe dọa chuỗi cung ứng toàn cầu

07/04/2022 - 08:02

PNO - Các lệnh phong tỏa “nghiệt ngã” đang được áp dụng trong đợt bùng phát dịch COVID-19 tồi tệ nhất tại Trung Quốc đã ảnh hưởng đến lĩnh vực sản xuất, dẫn đến sự chậm trễ và đôn giá cao hơn.

Với việc trung tâm kinh tế tài chính Thượng Hải vẫn đang bị phong tỏa đe dọa tàn phá nền kinh tế Trung Quốc và “xé nát” chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đã rất căng thẳng.

Trong 24 giờ qua, Thượng Hải báo cáo số ca nhiễm mới kỷ lục 16.766 trường hợp, khiến hơn 26 triệu người trong toàn thành phố tiếp tục bị phong tỏa. Ngày càng có nhiều sự bất bình trong người dân khi phải sống trong cảnh hạn chế trong nhiều tuần liền khi chính quyền kiên quyết với chính sách loại trừ COVID-19.

Toàn bộ 26 triệu dân Thượng Hải hiện đang sống trong cảnh phong tỏa vì dịch COVID-19 lây lan nhanh chóng.
Toàn bộ 26 triệu dân Thượng Hải hiện đang sống trong cảnh phong tỏa vì dịch COVID-19 lây lan nhanh chóng

Ít nhất 38.000 nhân viên y tế đã được triển khai đến Thượng Hải, cùng với 2.000 nhân viên quân sự phục vụ công tác xét nghiệm toàn thành phố. Dẫu vậy, tình hình dịch bệnh tại đây vẫn chưa được kiểm soát.

Bên cạnh Thượng Hải, một ổ dịch khác cũng tiếp tục hoành hành ở tỉnh Cát Lâm, trong khi thủ đô Bắc Kinh cũng ghi nhận thêm 9 ca mắc COVID-19 mới. 

Ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại vì các lệnh phong tỏa. Hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ của đất nước tỷ dân giảm với tốc độ cao nhất trong hai năm qua, chỉ số quản lý mua hàng (PMI) của Caixin được theo dõi chặt chẽ đã giảm xuống 42,0 trong tháng 3 từ mức 50,2 trong tháng 2. 

Cuộc khảo sát tương tự cho thấy sự suy giảm trong lĩnh vực sản xuất khổng lồ của nước này vào tuần trước, các nhà kinh tế cảnh báo rằng điều tồi tệ hơn có thể xảy ra khi đợt phong tỏa tại Thượng Hải sẽ bắt đầu ảnh hưởng đến các số liệu trong những tháng tới. Thị trường chứng khoán ở châu Á chìm trong biển đỏ vào ngày 6/4 với chỉ số Nikkei giảm 1,5% và chỉ số Hang Seng giảm hơn 2%.

Alex Holmes, nhà kinh tế học tại Capital Economics, cho biết mặc dù sự lây lan dịch bệnh ở châu Á cho đến nay là tương đối nhỏ nhưng “khả năng xảy ra gián đoạn lớn đối với chuỗi cung ứng vẫn là một rủi ro lớn”. Bởi sau hơn hai năm gián đoạn vì đại dịch đã làm mất trật tự chuỗi cung ứng của nền kinh tế toàn cầu, khiến giá hàng hóa, thực phẩm và hàng tiêu dùng tăng mạnh.

Cuộc cung đột ở Ukraine trong 2 tháng qua đẩy tỷ lệ lạm phát gia tăng, đặc biệt là giá dầu và giá ngũ cốc, cho nên việc nhiều vùng Trung Quốc bị phong tỏa vì dịch có thể làm tình hình thêm tồi tệ.

Agustín Carstens, người đứng đầu Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, chia sẻ giá cả đang tăng chóng mặt trên khắp thế giới với các nền kinh tế phát triển chứng kiến ​​tỷ lệ lạm phát cao nhất trong nhiều thập kỷ. Tại Anh mức lạm phát ghi nhận là 6,2%, trong khi ở Mỹ, giá cả đã tăng 7,9% tính đến tháng 2 - mức cao nhất trong 40 năm qua.

Minh Hương (theo Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI