Châu Á tìm giải pháp khắc phục chuỗi cung ứng đứt gãy vì COVID-19

17/09/2021 - 06:53

PNO - Theo đài CNBC, Nam Mỹ đang là chọn lựa ưu tiên để các công ty giảm thiểu thách thức trong chuỗi cung ứng và chuyển sản xuất ra khỏi châu Á.

Bản tin phát sáng 16/9 (giờ Việt Nam) của Đài Truyền hình CNBC (Mỹ) thu hút sự quan tâm tại thời điểm các công ty chuẩn bị báo cáo doanh thu quý III/2021. Đây cũng là lúc các công ty đưa ra quyết định nhằm giải quyết tất cả vướng mắc, đặc biệt là vấn đề chuỗi cung ứng đang gặp khủng hoảng tại châu Á.

Chuỗi cung ứng đang đứt gãy tại châu Á 

Nữ nhà báo Seema Mody - CNBC-TV18 thường trú tại Mumbai (Ấn Độ) - nói: “Không có công ty nào có thể miễn nhiễm trước những rủi ro đối với chuỗi cung ứng. Dường như các doanh nghiệp đang cố gắng quản lý rủi ro này tốt hơn bằng cách tìm hướng giải quyết hiệu quả trước việc đóng cửa nhà máy và sự tắc nghẽn hoạt động tại các cảng ở Việt Nam và Malaysia do COVID-19”. 

Việt Nam đang đẩy mạnh tiêm vắc-xin cho người dân, ưu tiên hỗ trợ duy trì và khôi phục hoạt động các doanh nghiệp (một khâu sản xuất ở Công ty Ba Huân tại TP.HCM) - ẢNH: T.HOA
Việt Nam đang đẩy mạnh tiêm vắc xin cho người dân, ưu tiên hỗ trợ duy trì và khôi phục hoạt động các doanh nghiệp (một khâu sản xuất ở Công ty Ba Huân tại TPHCM) - Ảnh: T.Hoa

Theo Mody, nhà bán lẻ quần áo thể thao đa quốc gia Lululemon đang tăng cường sử dụng vận tải hàng không để chuyên chở hàng hóa. Các nhà bán lẻ khác đang trông chờ vào các nhà cung cấp của họ ở châu Mỹ Latinh. Còn hãng giày và thời trang Steve Madden đã chuyển 50% sản xuất đến Mexico và Brazil vào đầu năm nay để tránh gián đoạn sản xuất đang diễn ra ở châu Á hiện nay. Một cách đối phó khác để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong các dịp lễ sắp tới, đang được áp dụng bởi thương hiệu thời trang Victoria’s Secret và Tập đoàn bán lẻ Urban Outfitters là dùng hàng tồn kho tại Mỹ để bù đắp, giảm nguy cơ chậm trễ cung ứng.

Tuy nhiên CNBC cho rằng, chiến lược lâu dài để giải quyết vấn đề chuỗi cung ứng đang đứt gãy tại châu Á, đó phải là đầu tư vào công nghệ robot, trí tuệ nhân tạo và tự động hóa các công đoạn sản xuất. Mô hình của mạng lưới dịch vụ chuyên nghiệp đa quốc gia Ernst Young đã cho thấy robot bốc xếp sử dụng trong các nhà kho, máy bay giao nhận hàng hóa không người lái 100% tự động… sẽ là những giải pháp tối ưu trong tương lai. 

CNBC cho hay, những rủi ro lớn xung quanh sự gián đoạn sản xuất và thách thức các giải pháp chuỗi cung ứng đã “tấn công” hãng thể thao Nike. Các công ty có quy mô lớn như Nike được cho rằng có thể quản lý điều này tốt hơn bởi dễ dàng trang bị nhiều công nghệ, thế nhưng vấn đề sẽ rất khó khăn nếu những tồn tại kéo dài tới mùa xuân. “COVID-19 đang là một rủi ro lớn ở châu Á do tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn ở nhiều quốc gia”, Mody đánh giá và dự báo người tiêu dùng tại Mỹ sẽ gặp khó khăn vào mùa Giáng sinh năm nay vì nhiều khả năng giá hàng hóa sẽ tăng cao do các công ty đang gặp khó khăn tại các nước bị ảnh hưởng bởi COVID-19.

Việt Nam đẩy mạnh tiêm phòng COVID-19

Tờ Nation của Thái Lan đưa tin, Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên đã có cuộc điện đàm với Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo để thảo luận về các vấn đề kinh tế và thương mại song phương. Ông Nguyễn Hồng Diên đề nghị Mỹ tăng cường thảo luận để công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường và đưa ra các ý kiến khách quan, công bằng phù hợp với quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong các cuộc điều tra về phòng vệ thương mại.

Trước những lo ngại về khả năng gián đoạn chuỗi cung ứng ở Việt Nam do làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ tư đang diễn ra nghiêm trọng, ông Nguyễn Hồng Diên khẳng định việc duy trì nguồn cung cấp hàng hóa, hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu là những ưu tiên quan trọng hàng đầu của Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết thêm, Việt Nam đang đẩy mạnh tiêm chủng vắc xin COVID-19, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp huy động người lao động trở lại làm việc, đảm bảo lưu thông hàng hóa, nối lại hoạt động sản xuất kinh doanh, đáp ứng nhu cầu của chuỗi cung ứng toàn cầu, bao gồm cả những công ty Mỹ. Việt Nam sẵn sàng tăng cường đối thoại với Mỹ để giải quyết các vấn đề kinh tế và thương mại song phương hiện có. Ông Nguyễn Hồng Diên hoan nghênh Mỹ đã đưa ra ý kiến để hoàn thiện hơn nữa khung pháp lý hiện hành.

Về phía mình, bà Gina Raimondo cho biết kinh tế và thương mại vẫn là ưu tiên hàng đầu trong chính sách của Tổng thống Joe Biden. Bà nhấn mạnh các doanh nghiệp Mỹ muốn đầu tư vào nhiều lĩnh vực tại Việt Nam, với năng lượng là ưu tiên hàng đầu. “Mỹ sẽ tích cực làm việc với Việt Nam để đảm bảo tính liên tục của chuỗi cung ứng hàng hóa trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch trong nước”, bà nói. Quan chức này cũng cho hay vào tháng 3/2022, bà sẽ dẫn đầu một phái đoàn lớn của Mỹ đến Việt Nam để tìm kiếm các cơ hội thương mại và đầu tư.

Nam Anh (theo CNBC, Nation)

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI