Đôi dép để quên ngoài cửa

22/07/2021 - 09:00

PNO - Ai trong chúng ta hẳn cũng có một Hồi ức 1988 đầy khó khăn nhưng đẹp đẽ. Và bây giờ, chúng ta vẫn sống tốt, sống tiếp trong giai đoạn tưởng chừng như sự đẹp đẽ chỉ còn trong phim.

Niềm tin sẽ ngày càng trở nên đắt giá hơn và một kẻ tràn đầy niềm tin dành cho tha nhân hẳn nhiên là người giàu có. 

Phim Hồi ức 1988 của Hàn Quốc đã phát cách đây mấy năm rồi. Phim có nhiều thứ thú vị về cái thời Hàn Quốc chưa có điện thoại di động; thiết bị, vật chất phục vụ đời sống xã hội chưa hiện đại và tiện dụng như bây giờ và dĩ nhiên tình yêu, tình thân, sự tử tế, sự chân thành là thứ tỏa sáng lung linh, khiến ta xúc động.

Trên xe buýt, khi cậu học sinh nhường ghế cho một bác già ngồi, bác ấy sẽ bảo cậu đưa cặp cho bác ôm để cậu đứng mà không phải mang vác.

Không một chút ngần ngại, đứa học sinh nào cũng luôn tin tưởng gửi cái cặp nặng nề của mình cho người đang có ghế ôm giúp - bất kể lạ quen, chẳng chút lăn tăn vài món đồ quý của mình trong chiếc cặp ấy có khả năng bị trộm.

Con trai tôi mỗi ngày hai bận ngồi xe buýt đến trường. Những gian tham mánh khóe của bọn bất lương cứ từ từ bong tróc ra trước mắt thằng nhỏ. Niềm tin trên những chuyến xe buýt của con tôi cứ lở loét dần trên một tâm hồn vốn lành lặn nguyên sơ vì đã được tôi ủ kín bấy lâu nay.

Điều này tôi đã lường trước và đã có những cảnh báo khi hành trình ra đường một mình của con bắt đầu khởi động. Thế nhưng, khi tận mắt chứng kiến vài vụ việc, con tôi vẫn rất xao động và buồn. Trong vài lần kể chuyện, giọng nói của con cứ mơ hồ một nỗi thất vọng, đổ nát.

Hai mẹ con xem phim, thấy sinh viên xứ người hồn nhiên đi trên xe buýt, an toàn và tin cậy, con thèm thuồng ra mặt, ước được sống trong xã hội ấy, bối cảnh ấy. Tôi phải nói ngay: “Là phim thôi con”.

Rồi tôi kể cho con trai nghe ngày con còn trong bụng mẹ, khi về quê nội ở Đà Lạt chơi, ba mẹ đã bỏ xe máy nơi vỉa hè cả ngày rồi leo gần hết con dốc lên nhà một người bạn chơi. Đà Lạt cách đây chỉ 20 năm không có chuyện mất xe máy.

Bác Hai của con từng khóa cửa nhà ngủ, sáng ra mới biết chiếc xe để ngoài hiên suốt đêm. Con nghe rõ không, mới 20 năm thôi chứ không phải 32 năm như bộ phim kia đâu. Ở xứ mình, sự tử tế chỉ tạm ít đi hoặc đã biểu hiện theo một cách khác đi mà thôi.

Nếu Hồi ức 1988 mà do Việt Nam sản xuất hẳn cũng sẽ an toàn, tin cậy và có nhiều tình tiết thấm đẫm tình cảm như thế. Bởi nó là quá khứ, nó sẽ còn lại những lấp lánh bụi vàng cho mình nhớ nhung.

Và, một thực tế tàn nhẫn không thể lý giải, càng hiện đại văn minh, xã hội càng trở nên bất an, người ta càng dễ dàng ngờ vực lẫn nhau. Cũng trong cơn phấn khích muốn cùng chia sẻ với nhau bộ phim yêu thích, con tôi rủ bạn đến nhà chơi rồi mở phim lên cùng xem.

Khi cậu bạn ra về, đôi dép để ngoài cửa đã mất. Đây là chung cư và ai đó đi ngang có lẽ đã nảy sinh lòng tham. Tôi gượng gạo giải thích cho cháu thông cảm, dù chuyện này chưa từng xảy ra.

Thằng nhỏ thưa cô con về với đôi dép của con tôi nhưng chừng ba phút thì quay lên gõ cửa. Dạ con thấy đôi dép ở tầng dưới, có một chiếc bị rách, một chiếc thì con chó đang chơi. Vậy là đã rõ, con chó của vợ chồng bác giữ xe ngày ngày đi sục sạo các thùng rác và tiện mõm tha dép làm đồ chơi.

Quan trọng là con trai tôi đỡ sốc được một chút. Dư âm của những tập phim ngọt vị nhân tình kia vẫn còn được giữ lại trong đầu nó. Tôi vừa mừng vừa lo. Phim chỉ vài mươi tập, hết phim thì hết tiếc nuối. Tôi tin, bằng kinh nghiệm của chính mình cũng như tin vào khả năng thích ứng của con người nói chung.

Ai trong chúng ta hẳn cũng có một Hồi ức 1988 đầy khó khăn nhưng đẹp đẽ. Và bây giờ, chúng ta vẫn sống tốt, sống tiếp trong giai đoạn tưởng chừng như sự đẹp đẽ chỉ còn trong phim. 

À, mà dép tổ ong lúc này bao nhiêu một đôi vậy quý vị? Đôi dép da của tôi hôm qua để quên ngoài cửa bị mất nữa rồi! 

Trương Gia Hòa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI