Diễn đàn "Hạnh phúc gia đình xây bằng gì?": Con cái nhìn cha mẹ mà sống

13/06/2021 - 15:00

PNO - Gia đình hạnh phúc là gia đình có những ông bố bà mẹ có nhân cách chuẩn mực, lối sống giản dị và giàu tình yêu thương.

 

Hội cha mẹ bỉm sữa chúng tôi vẫn thường nhắc nhở nhau "Nhìn cây sửa đất nhìn con sửa mình", tôi thì bên cạnh việc nhìn con, còn soi chiếu bản thân thông qua tấm gương ba mẹ.

Tôi tin, nếu vợ chồng tôi ngày càng hoàn thiện về nhân cách và lối sống thì các con chúng tôi cũng sẽ phát triển tốt hơn, bởi các con có một nền tảng đạo đức tử tế, một bệ phóng về mặt tinh thần vững chãi.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cũng như nhiều người mẹ khác, mẹ tôi dành nhiều thời gian chăm sóc cho gia đình, con cái. Tuy nhiên, mẹ luôn khôn khéo dành ra một quỹ thời gian nhất định để sống cho bản thân.

Niềm vui của mẹ thật quen mà cũng thật lạ. Mẹ thích tám chuyện kiểu "2 in 1". Tức là lúc vừa tám chuyện mẹ tranh thủ tay chân giúp đỡ luôn những hoàn cảnh không may rơi vào thế ngặt nghèo. Thật hài hước, mẹ gọi đó là những cuộc đi chơi.

Nhớ có lần mẹ dành ra hẳn một tuần liên tục để về ngủ chung với bà Thư xóm dưới. Bà Thư năm nay đã ngoài 80 tuổi, ở một mình trong căn nhà cuối thôn, con cháu bà sinh sống và làm việc ở phố luân phiên nhau sắp xếp công việc để chăm sóc bà. Có thời điểm, các con đều vì việc cấp bách nên khó điều chỉnh lịch trình, thế là mẹ tôi xung phong về ngủ chung để vừa tám chuyện vừa săn sóc bà cụ vào lúc đêm hôm.

Rồi lần khác, mẹ bỏ công gần mấy ngày trời để phụ gia đình bác Tiến xóm trên gặt hết hẳn 3 vạt lúa đang ngã rạp vì trời mưa to. Khi nghe tôi “chất vấn”, mẹ bảo lúa nhà bác Tiến ở vùng trũng nên máy gặt không vào được, bác Tiến lại đang bị suy nhược cơ thể phải nằm viện điều trị mấy hôm, mình vợ bác không thể cáng đáng nổi việc thu hoạch nên mẹ phải giúp.

Mẹ là vậy, xem việc người cũng như việc nhà mình. Mẹ luôn sống lạc quan, vui vẻ, lấy sự giúp đỡ người khác làm món quà mang đến cho bản thân những  niềm vui. Bây giờ, thỉnh thoảng khi gọi điện về nhà hỏi thăm mẹ đang làm gì, nghe trả lời mẹ đang đi chơi là tôi tự động biết mẹ đang vui vẻ giúp đỡ một ai đó bên cạnh mình. Tôi thầm nhủ, mai này khi bé Chim Sâu nhà tôi lớn thêm chút nữa, tôi sẽ kể con nghe những mẩu chuyện nhỏ về bà ngoại, tin rằng, con sẽ  thấy ấm áp khi có một người bà giàu lòng yêu thương.

Nếu mẹ quảng giao, thích kết nối với mọi người xung quanh thì ba tôi lại là người hướng nội, thích hợp lối sống trầm lặng. Ba rất yêu lao động. Mùa gieo sạ, ông tát nước, bạt đất. Mùa gặt lúa, ông gặt còn nhanh hơn mẹ. Mùa trồng đậu, trồng ngô, ông tù tì cày đất làm cỏ. Đến nỗi mẹ bảo “đất có lúc nghỉ chứ ba mày chả có lúc nào ngơi tay”.

Thật vậy, mùa đông cũng như mùa hè, lúc thời vụ hay thời điểm nông nhàn ông đều “thiết kế” được những lịch trình động chân động tay kín mít. Tuổi thơ của mấy chị em tôi chẳng mấy khi được chơi đùa cùng ba. Vì ông chẳng ở đồng thì sẽ cặm cụi làm lụng gì đó ngoài vườn. Ông sẽ đào hố, cào lá khô xung quanh vườn lấp xuống để ủ làm phân. Ông sẽ bắt sâu, chữa bệnh cho mấy cây chanh cây bưởi trong vườn, sẽ tranh thủ vót tre chặt cây để lúc nào mưa xuống sẽ làm hàng rào cho mấy rẫy cà rẫy ớt.

Người bạn không thể thiếu của ba là một chiếc radio màu đen vừa chạy pin vừa sạc điện được. Ba cột vào đó một sợi dây thép dài vừa đủ để làm móc treo. Hình ảnh một người đàn ông vừa làm việc vừa yên lặng giải trí với thế giới thông tin đến từ dải tần số quen thuộc của chiếc radio luôn gợi cho tôi một điều gì đó về sự vững chãi, và yên bình. Tôi thấy mình thật sự nhỏ bé trước sự chăm chỉ, trầm tĩnh và khiêm nhường của ba.

Gia đình có mẹ hoạt náo lạc quan, ba lại trầm lắng và từ tốn, thế nhưng không phải vì khác nhau về tính cách và lối sinh hoạt mà mỗi người mỗi phách trong việc nuôi dạy con cái. Để nuôi dạy bốn chị em tôi nên người, ba mẹ đã luôn tương hỗ, chia sẻ và thấu hiểu nhau. Họ đã tạo nên một trường năng lượng tích cực để chị em tôi ngày càng hoàn thiện về thể chất lẫn tinh thần.

Trong những lần mẹ bận rộn với việc giúp đỡ người khác, ba sẵn sàng phụ trách luôn những đầu việc của bà mà không một lời cự nự. Còn mẹ, bà luôn mỉm cười dịu dàng vào mỗi trưa cuối tuần, khi ba thức dậy mở tivi, phá tan không gian yên tĩnh của cả nhà cốt chỉ để theo dõi bằng được chương trình Đường lên đỉnh Olympia do VTV3 phát sóng. Mẹ biết ba rất thích những chương trình mang đậm kiến thức khoa giáo, mẹ biết và ngày càng tôn trọng ba hơn.

Ba giúp mẹ, mẹ hiểu ba. Còn chúng tôi, những đứa trẻ nông thôn cảm thấy mình thật may mắn khi được lớn lên bên cạnh những bậc phụ huynh vừa cần lao, tử tế, vừa biết tận hưởng cuộc sống với những niềm vui bé mọn mỗi ngày.

Ba mẹ tôi không lên giọng buộc chúng tôi phải sống thế này, thế nọ - Ảnh minh họa
Ba mẹ tôi không lên giọng buộc chúng tôi phải sống thế này, thế nọ - Ảnh minh họa

Bây giờ, chúng tôi đã lớn, ba mẹ đã bước qua tuổi 60, đã có thêm những đứa cháu nội cháu ngoại xúm xít mỗi dịp hè về. Nhưng tôi nhớ ba mẹ chưa một lần nào dạy dỗ, lên giọng bảo chúng tôi phải sống thế này, ứng xử thế kia. Họ đã dùng chính cuộc đời của mình làm tấm gương để những đứa con soi chiếu.

Nhân cách tốt đẹp, tấm lòng hồn hậu và giàu yêu thương của ba mẹ như dòng nước mát đã tưới tắm cho những đứa con, bây giờ nó lại chảy tràn sang thế hệ những chồi non kế cận…

Và với tôi, một gia đình hạnh phúc là một gia đình có những ông bố bà mẹ có nhân cách chuẩn mực, lối sống giản dị và giàu tình yêu thương.

Hoàng Diệu Thông

(Thừa Thiên - Huế)

 

Dưới mái nhà của bạn, hạnh phúc được xây bằng gì?

Hãy chia sẻ quan điểm, ý kiến, câu chuyện của bạn cùng Phụ Nữ Online, gửi về địa chỉ email: online@baophunu.org.vn. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút của tòa soạn theo quy định.

 

Mời góp ý cho dự thảo Tiêu chí gia đình hạnh phúc của TPHCM

1. Tiêu chí về ứng xử trong gia đình

- Các thành viên trong gia đình thực hiện nguyên tắc: Tôn trọng - Bình đẳng - Yêu thương - Chia sẻ - Gương mẫu.

- Các mối quan hệ ứng xử trong gia đình được đảm bảo:

+ Ứng xử vợ chồng: Nghĩa tình, yêu thương;

+ Ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu: Gương mẫu, yêu thương;

+ Ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà: Hiếu thảo, lễ phép;

+ Ứng xử của anh, chị, em: Hòa thuận, chia sẻ.

2. Tiêu chí về điều kiện vật chất

- Các thành viên trong gia đình có việc làm.

- Gia đình có thu nhập ổn định và đảm bảo cuộc sống.

- Có nơi ở/nhà ở đủ đáp ứng nhu cầu; Có các tiện nghi sinh hoạt đầy đủ.

3. Tiêu chí về điều kiện tinh thần

- Các thành viên trong gia đình thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau, đảm bảo quyền tự do, bình đẳng giữa các thành viên.

- Quyền tự do tín ngưỡng được tôn trọng;

- Gia đình được sum vầy, đoàn tụ;

- Các thành viên trong gia đình yêu thương, đùm bọc lẫn nhau;

- Có điều kiện để tham gia các không gian công cộng dành cho việc vui chơi giải trí;

- Quan hệ họ hàng, nội ngoại tốt; quan hệ láng giềng và cộng đồng tốt; quan hệ bạn bè, đồng nghiệp tốt. 

4. Tiêu chí về giáo dục

- Các thành viên trong độ tuổi đi học được đến trường.

- Gia đình luôn đề cao việc học hành, nâng cao hiểu biết bản thân.

5. Tiêu chí về y tế và chăm sóc sức khỏe

- Các thành viên trong gia đình tham gia bảo hiểm y tế và được chăm sóc sức khỏe.

- Được khám sức khỏe định kỳ và được điều trị khi bệnh.

- Mỗi cặp vợ chồng có đủ hai con.

- Các thành viên tham gia rèn luyện thể dục, thể thao.

- Trẻ vị thành niên, thanh niên, công nhân, cặp đôi tiền hôn nhân tiếp cận thông tin, trang bị kiến thức về tiền hôn nhân, giới tính, tình dục, sức khỏe sinh sản, bình đẳng giới trong gia đình.

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI