Đi xa hơn những ước mơ

07/08/2017 - 09:43

PNO - 43 tuổi, tôi vẫn chưa dám chắc mình đã đi đến đâu trên con đường thực hiện những ước mơ của mình.

Nhìn lại, tôi chỉ thấy an vui vì đã nỗ lực sống và không có nhiều nuối tiếc. Vậy thì đâu cần nói gì thêm về những ước mơ? Nhưng, tôi vẫn muốn viết về điều đó, như một sự gửi gắm đến những đứa cháu đang tuổi ăn tuổi lớn của mình. 

Tôi tha phương từ lúc bố mẹ chúng còn chưa cưới nhau. Một năm vài lần về quê khi có dịp, chẳng đủ thời gian để tôi hiểu nhiều về các cháu, dù không hề thiếu sự quan tâm. Những lúc tôi hỏi về kế hoạch tương lai, về ước mơ sau này, thường thì chúng lảng đi ngay. Lạ! Khoảng cách thế hệ chăng?

Nhìn lại, tôi cũng là người cởi mở, lại có gần 10 năm làm nghề tâm sự với trẻ con, sao lại không kết nối được với mấy đứa cháu của mình? Hay có điều gì đó chưa đúng trong cách anh chị tôi giáo dục con? Những câu hỏi ấy gợn lên rồi cũng bị bỏ trôi. Mùa tuyển sinh, gọi điện hỏi cháu định thi khối gì, học ngành nào, nó cũng chẳng biết. Hóa ra, bọn trẻ chẳng hề có mơ ước, chẳng dự định gì cho tương lai của chính mình. Khi thiếu mơ ước, thiếu dự định tương lai thì làm gì có mục tiêu để mà nỗ lực phấn đấu! 

Di xa hon nhung uoc mo
Ước mơ dắt tôi đi

Mỗi thời điểm của cuộc đời, người ta sẽ có những mục tiêu khác nhau, tùy theo nhận thức, khả năng và thực tế; từ đó mới biết mình sẽ làm gì, sẽ đi đến đâu với ước mơ của mình. Không có ước mơ thì vứt! Từ nhỏ, tôi đã mơ làm giáo viên dạy văn, dù đến tận lúc này, tôi vẫn chưa một lần được đứng lớp, được thực sự làm thầy giáo.

Nhưng chính ước mơ đó đã dắt tôi đi. Tôi mê sách từ nhỏ. Thời học cấp III, tôi mê cái sạp cho thuê truyện của cô giáo dạy văn và nghĩ sau này mình cũng đi dạy, cũng có một sạp truyện cho thuê như cô và cũng là để đọc sách cho sướng. 

Tôi vào ĐH Tổng hợp, chọn ngành Ngữ văn cũng vì nghĩ tốt nghiệp mình cũng có thể đi dạy được. Rồi cùng nhiều bạn chung khóa, tôi tập tành viết lách, cộng tác với báo này báo kia, vừa để thỏa đam mê, vừa là một hình thức “làm thêm” thời sinh viên phù hợp với khả năng của mình. Từ những công việc đó, mọi thứ định hình theo một hướng khác.

Tốt nghiệp, khi bạn bè còn loay hoay với chuyện về quê hay trụ lại Sài Gòn, làm gì để sống…; tôi đã nhanh chân nhận việc tại nơi mình cộng tác suốt thời sinh viên - không như mong ước là dạy học, nhưng cũng cho tôi được gần gũi với trẻ con, tiếp xúc với các thầy cô giáo, sớm ổn định nơi ăn chốn ở và được đi nhiều nơi.

Thế giới của tôi không gói lại trong một trường cấp III và cái quầy cho thuê truyện như tôi từng hình dung, mà đã mở rộng ra. Nghĩ một cách nào đó, hình như tôi đã đi được xa hơn những ước mơ ban đầu của mình.

Còn những đứa cháu tôi? Tôi nhớ ngày xưa, thầy tôi thường hay nhại lại câu nói nổi tiếng của Napoleon: “Binh nhì nào không có ước mơ thành đại tướng chỉ là một binh sĩ tồi” thành: “Hãy ước mơ thành đại tướng để rớt xuống binh nhì là vừa”. Thầy vẫn ngày ngày gieo mầm ước mơ cho chúng tôi, bởi không có ước mơ, con người lấy đâu ra niềm cảm hứng mà đi về phía trước.

Đồng thời, thầy cũng giễu nhại, cảnh báo những người chỉ ước mơ mà không hành động, bởi “đời không như là mơ”. Đi quá 2/3 đời người, tôi càng thấm thía hơn lời thầy, xác tín hơn vào việc, nếu không có ước mơ làm điểm đến, chúng sẽ đi về đâu?

Nam Khương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI