Dép đứt chỗ nào, hàn chỗ đó

15/01/2021 - 05:50

PNO - Đôi dép nhựa trắng thời khó khăn ấy, càng đi, càng đứt. Đứt chỗ nào thì tôi hàn chỗ ấy. Cuối cùng, nó có tổng cộng tám miếng hàn hai bên. Nhưng đến khi gót mòn gần như đứt gãy, tôi đành phải chia tay nó.

Vào năm 1985 khi tôi 13 tuổi, bố đón tôi từ Hưng Yên ra Hà Nội học hè. Suốt ba tháng hè, tôi sống cùng bố trong khu ký túc xá của Trường đại học Dược Hà Nội. Trước khi đi, mẹ may cho tôi hai chiếc áo hoa vải bông và sắm cho một đôi dép nhựa trắng Tiền Phong. 

Một đôi dép nhựa trắng Tiền Phong thời bấy giờ là xa xỉ. Cả xóm chỉ mình tôi sở hữu nó. Các bạn khác thì đi dép cao su, guốc gỗ, hoặc dép nhựa hàng gia công, chóng hỏng. Có bạn đi đôi tông Lào màu gan gà, thậm chí có bạn toàn đi chân đất. 

Dép thiết kế có ba quai, in hình bông hồng nhạt trên lớp nhựa bóng sáng, nhìn thật mê ly. Tôi chỉ dám bước khẽ khàng, mắt cứ nhìn chăm chăm vào dép như thể sểnh ra là quai dép sẽ đứt, đế dép sẽ mòn đến nơi. Khi bước vội, nhỡ có hòn sỏi, viên gạch vỡ dắt vào cái khe ở đế dép, là tôi lại ngồi thụp xuống, bẻ cái que rong tre khều viên sỏi ra cho bằng được. Được tôi giữ gìn cẩn thận, lại sống ở Hà Nội đường nhựa, sân bê tông bằng phẳng, nên qua gần ba tháng hè, đôi dép nhựa tôi dùng hầu như chưa hề suy suyển. Chỉ có nơi các ngón chân tiếp giáp hơi ngả vàng, và đế dép hơi mòn một chút. 

Thấm thoắt những tháng hè đã hết. Bố bảo tôi thu dọn quần áo, cho vào một cái túi vải. Bố mua thêm một túi kẹo chanh, cũng đưa tôi cất vào túi vải để mang về làm quà cho em gái. Rồi bố chở tôi bằng chiếc xe ba-bét-ta từ Hà Nội về Hưng Yên. Trời tháng Bảy âm lịch mưa ngâu sụt sùi suốt cả tuần, nhưng bố con tôi vẫn cứ mặc áo mưa chạy đều đều trên đường nhựa.

Đi đến cây số thứ 19 trên Quốc lộ 5, bố tôi rẽ vào con đường nhỏ dọc đường tàu Hà Nội - Hải Phòng. Con đường rải đá, nhưng vì mưa lâu, nên có những đoạn trũng, bùn lầy ngập trên mắt cá chân. Xe bố đi trong bùn được một lúc thì chết máy. Bố lấy bugi ra lau khô, lắp lại, đạp máy nhưng nó vẫn không nổ. Bố đành bảo tôi xuống xe để bố dắt bộ. Trời mưa, đoạn đường đó không có hàng sửa xe máy nào mở cửa.

Bố đi trước, tôi đi sau đẩy xe giúp bố. Hai chân tôi sục trong bùn. Thứ bùn vàng dính nhem nhép, keo vào như đất sét dẻo, khiến mỗi lần chân tôi chạm đất, thì bùn lại hút chặt đôi dép nhựa. Khi tôi co chân kéo dép lên, được vài lần thì một quai dép bị đứt. Xót đôi dép đẹp, tôi tuột dép ra, cầm tay trái, tay phải vẫn đẩy xe cùng bố. Chẳng biết hì hục mất bao lâu, đổ bao nhiêu mồ hôi, hai bố con mới thoát khỏi đoạn đường chừng năm ki-lô-mét bùn lầy đó. 

Về đến nhà, vừa uống xong cốc nước cho đỡ cơn khát, tôi đã vội mang đôi dép nhựa trắng ra cầu ao kỳ cọ. Không đợi dép khô, tôi lấy cái giẻ lau sạch nước trên dép rồi mang vào bếp. Thật may, lúc đó mẹ tôi đang nổi lửa ninh nồi chân giò khoai sọ chiêu đãi bố con tôi, nên bếp có đủ than hồng từ củi gỗ nhãn.

Những sản phẩm của thời bao cấp - Ảnh minh họa
Những sản phẩm của thời bao cấp - Ảnh minh họa

Tôi lục cái giỏ tre mẹ để góc nhà, tìm được chiếc dép đứt tan nát, mà quai đã bị cắt gần hết, cố xẻo được miếng nhựa dài cỡ đốt ngón tay rồi mang xuống bếp. Lấy chiếc liềm cũ đã cùn hết trấu, tôi bỏ vào bếp cho chiếc liềm bén lửa than hồng, rồi lấy ra, luồn đầu liềm nóng vào giữa miếng quai dép và chỗ dép đứt, đợi tích tắc cho nhựa chảy ra vừa đủ kín chỗ đứt mà không bỏng tay, tôi rút nhanh cái liềm ra, hai ngón tay ấn chặt chỗ vừa hàn, rồi miết mạnh xung quanh để miếng nhựa dính chặt vào quai dép. Thế là chiếc dép đứt đã được hàn liền lại, có thể dùng được như bình thường. 

Đôi dép nhựa trắng thời khó khăn ấy, càng đi, càng đứt. Đứt chỗ nào thì tôi hàn chỗ ấy. Cuối cùng, nó có tổng cộng tám miếng hàn hai bên. Nhưng đến khi gót mòn gần như đứt gãy, tôi đành phải chia tay nó. Tôi đổi đôi dép nhựa trắng cho một chị đồng nát, để lấy hai chiếc kẹo mạch nha to tướng, ngọt ngào. Tôi một chiếc, em gái tôi một chiếc, hai chị em thi nhau mút. 

Kiều Bích Hậu

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI