Đánh con, tôi ghê sợ chính mình

21/02/2022 - 17:34

PNO - Sau khi đánh mắng con, tôi nghĩ rồi con sẽ bỏ qua, sẽ tha thứ, nhưng thực ra đó là ký ức không dễ bôi xóa.

“Có hôm con không tập trung và làm sai bài, tôi đã la hét và đánh mắng khiến cả hai đứa đều khóc, không phải vì đau mà vì sợ hãi. Sau trận ấy tôi xấu hổ, ân hận và ghê sợ chính mình. Các con vốn nhanh quên, sau đấy lại ôm mẹ ngay, nhưng hình ảnh hai đứa trẻ ngồi dí vào góc nhà khóc lóc ám ảnh tôi nhiều ngày”. 

Tác giả Trần Vân Anh trong buổi giao lưu, ra mắt sách Hôm nay mẹ có vui không? (Công ty Sách Phương Nam - Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam)
Tác giả Trần Vân Anh trong buổi giao lưu, ra mắt sách Hôm nay mẹ có vui không? (Công ty Sách Phương Nam - Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam)

Sau khi đánh mắng con, tôi nghĩ rồi con sẽ bỏ qua, sẽ tha thứ, nhưng thực ra đó là ký ức không dễ bôi xóa. Sau một thời gian dài, con tôi vẫn nhắc: “Có lần mẹ dạy, mẹ đánh Gấu bằng thước, Gấu sợ quá chừng. Bây giờ Gấu vẫn còn sợ”. 
Nghe con nói, tôi rùng mình khi trong tôi hiện lên hình ảnh gian bếp mà một lần nổi cáu, mẹ tôi đã ném về phía tôi cây củi đang cháy. Dù tôi ở cấp III hay Gấu ở tiểu học thì vẫn chung nỗi khiếp hãi, run rẩy.

Nếu người ngoài đánh, trẻ có thể chỉ đau da thịt, còn mẹ cha đánh, trẻ sẽ vừa đau, vừa tổn thương, vừa ám ảnh, nghĩ mình là đứa con dở tệ, cha mẹ ghét mình... Đánh đập sẽ làm con lì đòn, từ đó con không thương, không tin tưởng cha mẹ và né tránh. Con cũng không còn tin ai trên đời này, hoặc ra ngoài nghe lời ngon ngọt, bùi tai, dễ sa ngã. 

Nguy nhất là khi cha mẹ đánh con kèm theo mắng chửi. Cha mẹ thể hiện sự căm ghét, tức giận ra bên ngoài, qua nét mặt, ánh mắt, lời nói... càng làm con sợ hãi. Có những giai đoạn khủng hoảng tâm lý, tôi cố tìm những lời nói làm người khác đau đớn nhất, như thế tôi mới hả dạ. Và tôi đã nhận ra độc mồm độc miệng là một loại bạo hành còn kinh khủng hơn đánh đập. 

Sự hối hận hay những giọt nước mắt chưa đủ để những hành động, lời nói kia lùi về quá khứ. Tôi phát hiện con hay quên, con cần có cách truyền tải thông tin phù hợp mới tiếp thu và nhớ dai, có đánh hay ép con cũng không thể nhớ được. Một chữ cái mẹ mới dạy mà con đọc lại vẫn nhầm, một bài toán làm mấy lần vẫn sai, con muốn vậy đâu, đó không phải lỗi của con. Nếu có ai đó phạm lỗi thì chính là mình, người đã sinh ra con như thế hoặc do sự nôn nóng, áp lực dây chuyền của người lớn với nhau, dồn một cách oan ức lên con trẻ. 

Đứa trẻ chỉ là đứa trẻ, chưa nhận thức đầy đủ thì người lớn phải giáo dục và đánh không bao giờ là giáo dục. Đánh con chẳng giải quyết được vấn đề gì.

Với sự giúp đỡ của người bạn đời và những điều tự vỡ ra, tôi “quán triệt” bản thân, dạy dỗ bản thân để tiết chế, loại bỏ những hành vi, lời nói cay nghiệt. Khống chế mình đừng đánh chẳng dễ, cần phải tập luyện, phải biết đâu là giới hạn. Tôi bắt đầu bằng việc xin lỗi, nói chuyện nhẹ nhàng với con: “Mẹ xin lỗi con, mẹ thấy việc đánh mắng con như vậy là không đúng. Do tính mẹ hay nóng, không kiềm chế được. Mẹ đang sửa đổi, từ từ mẹ sẽ sửa đổi được”. 

Từng ngày, từng ngày, các con kiên nhẫn đợi tôi sửa đổi bằng sự bao dung và ngập tràn hy vọng. Qua nhiều năm “mẹ tự chữa lành, con vượt khiếm khuyết”, các thành viên gia đình tôi đã gắn kết thực sự, chuyện gì cũng kể cho nhau nghe và cùng đưa ra lời khuyên.

Với con trẻ, cứ bao la tình thương thì sẽ đỡ nâng và cảm hóa được. Tôi tin 
như vậy! 


Trần Vân Anh
Tô Diệu Hiền (ghi)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI