Bạo hành gia đình: Đừng im lặng - nhưng gọi ai, gọi ở đâu? - Bài 2

1001 lý do trút đòn lên đầu trẻ

21/02/2022 - 10:39

PNO - Chỉ vì thấy chút “được việc” trước mắt, nhiều phụ huynh không nghĩ tới hậu quả của bạo lực lên con trẻ. Bị cha mẹ đánh đập, đứa trẻ ráng chịu vì suy nghĩ “con có lỗi, con đáng bị ăn đòn”.

LTS: Đối với bạo hành gia đình, đã có lời kêu gọi sâu rộng trong cộng đồng “Đừng im lặng!”. Thế nhưng thực tế, những tiếng kêu của nạn nhân đã vang lên trong tuyệt vọng.

Chỉ hai tháng trước và sau tết, cả nước ghi nhận hàng chục vụ cố ý gây thương tích, gây tử vong mà nạn nhân và thủ phạm là thành viên một gia đình. Những câu chuyện không mới, những cách thức bạo lực không mới, như thách thức pháp luật, dù Luật Phòng, chống bạo hành gia đình ra đời đã 14 năm. “Chuyện nhà người ta” trở thành nỗi nhức nhối của xã hội.

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

“Đánh” bằng lời - sự tra tấn khủng khiếp 

Trong buổi học online của một lớp tiểu học vang lên tiếng quát của một bà mẹ: “Trời ơi, cho mày ăn cơm, uống nước cũng như người ta, mà sao ngu dữ vậy? Có bài toán chia dạy hoài không nhớ. Mặt mũi sáng láng mà sao đầu óc toàn chứa bã đậu!”.

 “Phụ huynh ơi, có gì từ từ dạy con. Ở đây có rất nhiều bé, phụ huynh nói những lời không hay này sẽ ảnh hưởng đến các em. Chuyện học của bé để cô lo, phụ huynh đừng nôn nóng”, lời cô giáo làm bà mẹ nín bặt và nhanh tay tắt micro. Có lẽ đứa trẻ ấy sẽ tiếp tục bị mẹ chửi vì cái tội quên tắt micro khiến cơn giận dữ của người mẹ phô bày trước giáo viên và 45 học sinh. 

Phụ huynh và các bạn không lạ với việc bé T. bị mẹ mắng chửi mỗi khi đi đón con. Tính bé T. hiếu động, hay chọc phá bạn. Chỉ cần một bạn “méc”: “Cô ơi, bạn T. giật tóc con, bạn T. đánh con” thì mẹ T. một tay chỉ vào mặt con, một tay nhéo tai và nghiến răng: “Thứ mất dạy! Tại sao chọc bạn hoài vậy? Mày không muốn học, muốn làm đầu gấu thì tao cho nghỉ ở nhà làm đầu gấu. Mày không bỏ tật này thì tao cho mày nghỉ học đi móc bọc!”. 

Nhiều phụ huynh thấy bé T. bị mẹ mắng chửi nên dặn con không được “méc”, cũng không cho con chơi với T.  Một người họ hàng của T. có con học chung khối kể: “Mẹ T. bán hàng ở chợ vất vả lắm, không có thời gian quan tâm con, nên nghe ai “méc” là bực và chửi thằng nhỏ.

Ở nhà, bé T. học bài không hiểu - bị mẹ chửi; không giữ em - bị chửi; đi ngủ muộn - bị chửi. Hàng xóm nghe thấy hết. Hồi nhỏ, thằng bé ngoan, và tình cảm lắm, chỉ hơi hiếu động. Nhưng mẹ chửi mắng riết nên T. ù lì, phá phách. T. hay qua nhà tôi chơi, có lần bé nói với con tôi: “Mày sướng thiệt, không bị mẹ chửi. Ước gì mẹ tao giống mẹ mày”.

Chị L.T.N. - nhân viên y tế Bệnh viện Chợ Rẫy kể: “Lúc nhỏ tôi như bao cát trút giận của mẹ. Ba mẹ cãi nhau - tôi bị lôi ra chửi. Ba đi nhậu - mẹ  cũng chửi tôi. Em bị té - mẹ cũng nhiếc mắng tôi. Dạy tôi học - mẹ cũng chửi.  Nấu cơm không ngon - tôi bị “ăn” chửi; thậm chí, mẹ bán hàng ăn sáng, khách dặn không cay, mẹ lỡ cho ớt vào thì bà cũng đổ lỗi cho tôi và chửi tôi. Tôi phản ứng thì càng bị mẹ chửi với mức độ mạt sát và tục tĩu nặng nề hơn.

Tôi rất giận mẹ, chỉ ước được chết hoặc bỏ nhà đi để không nghe mẹ chửi nữa. Bỏ nhà đi thì tôi không dám, nhưng tôi đã tự tử khi học lớp Chín. Ngoại tôi phát hiện, đưa tôi đi cấp cứu. Khi tỉnh lại trong bệnh viện, tôi nghĩ mẹ sẽ hối hận, ăn năn và không chửi tôi nữa. Nhưng vừa tới cửa phòng, mẹ đã vừa chửi vừa khóc: “Sao mày ngu vậy con? Mày được ăn cơm trắng cá tươi mà lại muốn chết”.  Chết cũng không xong nên tôi bỏ ý định này và chấp nhận ăn - ngủ - học cùng với những lời mắng chửi, sự hằn học của mẹ”. 

Suốt thời thơ ấu sống trong sự bạo hành tinh thần nên chị N. có suy nghĩ và lối sống khá lệch lạc. Chị N. ích kỷ và vô cảm trước mọi việc xung quanh. Khi N. lên Sài Gòn tìm việc sau khi học đại học, dì ruột phát hiện chị có vấn đề về tâm lý nên đưa chị N. đến chuyên gia tâm lý trị liệu. 

Muốn tự tử, tâm lý bất ổn... là điều không hiếm gặp ở những người là “sản phẩm” của cách giáo dục bằng mắng nhiếc. Trong các vụ tự tử ở trẻ vị thành niên ở nước ta, không ít trường hợp trẻ bị “xấu hổ, nhục” do bị cha mẹ mắng chửi nên không thiết sống. 

Chúng ta, ai cũng từng là trẻ con và không muốn bị cha mẹ mắng chửi, so sánh mình với người khác hay miệt thị bằng những lời sâu cay, độc địa. Vì vậy, hãy đối xử với con như xưa ta mong muốn. 

Nhiều phụ huynh tự hào vì “nói không” với roi vọt trong dạy con, nhưng lại sẵn sàng mắng chửi, buông lời cay độc với trẻ khi chúng không vâng lời hay học tập kém. Thật ra, những lời mắng chửi, xúc phạm con có tính sát thương không kém đòn roi. Thậm chí, với nhiều người, việc bị bạo hành tinh thần, còn khủng khiếp hơn “ăn đòn” và những câu mắng chửi, xúc phạm này sẽ hằn in như vết sẹo trong tâm trí suốt đời. 

Dù luôn nghĩ mình yêu con không hết nhưng các bà mẹ sẵn sàng tuôn lời cay độc lên đầu con (Ảnh minh họa)
Dù luôn nghĩ mình "yêu con không hết" nhưng các bà mẹ sẵn sàng tuôn lời cay độc lên đầu con (Ảnh minh họa)

Đánh con dễ thành thói quen

Đề cập đến chuyện bạo hành con, chị Nguyễn Thùy M. (chung cư Lê Thành, P.An Lạc, Q.Bình Tân, TPHCM) kể: “Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ đánh con. Con là báu vật và buồn vui của tôi, nhưng khi xảy ra cái chết của bé V.A., nạn nhân tử vong dưới tay tình nhân của cha bé, tôi giật mình nhận ra mình đã và đang bạo hành con dưới cái vỏ “dạy để con ngoan hơn, học tốt hơn”.

Sinh được hai thiên thần sinh đôi xinh xắn, đáng yêu, lòng chị M. ngập tràn hạnh phúc và chưa bao chị nghĩ mình phải la mắng, đánh con, dù các bé rất quấy và nghịch. Nhưng rồi “suy nghĩ bạo lực” bắt đầu xuất hiện khi con năm tuổi với chứng ngậm thức ăn. Khi đã làm mọi cách mà con vẫn không chịu nuốt, người giúp việc có kể với chị M. rằng cháu của người giúp việc cũng từng như vậy, nhưng sau khi ba của bé vả miệng con mấy lần đến rướm máu thì bé bỏ được tật ngậm cơm. 

Từ hôm đó, mỗi khi con ngậm cơm, trong đầu chị M. lại xuất hiện câu chuyện của chị giúp việc. Chị khó chịu nghĩ “Có một muỗng cơm mà sao phải ngậm 15-20 phút?” rồi đưa tay lên gí vào mặt con đe dọa: “Con không nuốt là mẹ táng chảy máu luôn đó”. 

Bé vẫn không nuốt, mặc cho cơn bực của chị M. tăng lên. Nỗi lo con ăn không được sẽ suy dinh dưỡng khiến chị M. sốt ruột, chị dọa đánh con nhiều hơn. Cho đến một ngày, khi con nhè cơm, chị tát vào gương mặt xinh xắn của con…

“Đánh con xong, tôi hối hận khủng khiếp và tự hứa không bao giờ lặp lại. Nhưng, bạo lực với con một lần và thấy hiệu quả trước mắt (bé hoảng sợ và làm theo người lớn) thì từ đó, suy nghĩ bạo lực luôn ngấp nghé trong đầu chúng ta, từ từ nó dễ thành thói quen”, chị M. nói. Sau cái tát đầu tiên, thỉnh thoảng chị M. còn dùng roi vọt với con, chủ yếu là khi dạy con học. 

Chị Lê Ngọc H., bạn của chị M. cũng tăng tần suất đánh con trong thời gian lũ trẻ ở nhà học online. Chị H. cho con về quê ngoại tránh dịch. Nhà không có phòng riêng, bé phải ngồi học trước sân và mắt cứ “thả dạo” sang đám trẻ hàng xóm đang chơi đùa. Chị không chấp nhận việc con bị cô nhắc nhở vì không tập trung và làm bài không đúng.  

Chị thỏa thuận: “Nếu mẹ nhắc ba lần mà con vẫn không nghe thì mẹ đánh đòn”. Ban đầu, chị cho con nằm sấp và đánh một roi mạnh vào mông. Con sợ, học tập trung hơn, nhưng được vài hôm lại chểnh mảng. Những hôm con học theo link cô gửi, chị trừng phạt con bằng cách vụt vào tay. Nhắc con đến lần thứ ba là chị đi ra cây ổi bẻ nhánh để quất con. Con nói sai kết quả bài toán đơn giản, chị vụt vào tay hoặc mông. 

“Tôi đánh con là để con xấu hổ và chăm học. Nhưng sau này tôi phát hiện, roi vọt chỉ làm thỏa cơn giận của mình chứ chẳng giúp ích gì trong việc dạy con. Tôi biết đánh con là sự bất lực của cha mẹ, là hạ sách, nhưng khi cơn giận trào lên, tôi không kiểm soát được cây roi trong tay mình”, chị H. bộc bạch.

Trẻ thường nghĩ chúng có lỗi và đáng bị đánh đòn nên càng trở nên tự ti nhút nhát
Trẻ thường nghĩ chúng có lỗi và đáng bị đánh đòn nên càng trở nên tự ti nhút nhát

Trẻ chỉ biết cắn răng chịu đựng

Trong nhiều gia đình, không khó để gặp những cái tát nảy lửa, những câu mắng chửi thậm tệ, những nhát roi vụt tới tấp lên thân hình bé bỏng.

Anh Phan Thành T. ở TP.Đồng Xoài, Bình Phước khẳng định anh không đánh con vì chuyện học: “Học dốt thì kệ, nhưng không trung thực, không giữ chữ tín là không được”. Vì vậy, mỗi khi bé Tin (11 tuổi) hứa không xem điện thoại ngoài giờ quy định mà vẫn lén xem thì anh T. đánh “thừa sống thiếu chết”. 

Cu Tin vừa lăn lộn né đòn, vừa quỳ lạy xin cha tha lỗi. “Tác dụng” của trận đòn kéo dài được khoảng 2-3 tháng nên trung bình mỗi năm, Tin bị khoảng 4-5 trận đòn đau đến nhớ đời. 

Chị Lê Hiền T. ở TP.Thủ Đức (TPHCM) thì dị ứng với chuyện con xem “bậy bạ”. Chị kể: “Tôi cho bé một phòng riêng để học, nhưng không ngờ bé dùng điện thoại coi phim hoạt hình nội dung sex. Khi phát hiện là tôi đánh sưng mông, đánh cho chừa cái tật. Thỉnh thoảng bé vẫn tái phạm và tôi vẫn phải canh bé với cây roi “gia pháp” treo sẵn”.

Con chị T. có lúc gào lên: “Sao mẹ dữ quá vậy?”. Khi đó, chị T. “ra đòn”: “Vậy con có muốn đổi mẹ không, mẹ sẽ bỏ đi và ba rước mẹ khác về đây?”. Vậy là cô con gái ấm ức nhưng im lặng. 

Con của anh T. thì nhìn cha như… sát thủ. Chính vợ anh T. cũng không đồng tình cách dạy con của chồng, nhưng lần nào chị can ngăn, vợ chồng cũng gây gổ và anh lại trút giận vào con. Chồng đánh con xong, chị thường chườm đá, vỗ về con. Có lần, cậu con hỏi mẹ: “Con có phải là con ruột của ba không? Tại sao ba đánh con dữ vậy?”. Nhưng câu hỏi đó xuất hiện năm bé chín tuổi. Còn hai năm nay, bé “chuyển chế độ” lầm lì, ít nói.

Trước giờ hẹn phỏng vấn về việc dùng roi vọt với con, chị Thùy M. đã gọi hai con ra hỏi riêng với cùng câu hỏi: “Con cảm thấy như thế nào khi mẹ đánh con?”. Cô bé chị hồn nhiên: “Vì con sai nên mẹ mới giận và đánh con”. 

Quay sang cô em, chị M. động viên: “Con nói thật đi, mẹ không la đâu, mẹ muốn được nghe con nói thật”. Vậy là cô bé em trút: “Con buồn lắm, con giận mẹ lắm, con nghĩ mẹ không thương con nên đánh con như vậy. Con tính bỏ nhà đi, nhưng con còn nhỏ nên không dám”. 

“Tôi giật mình… Lâu nay, sau khi đánh con, tôi đều giải thích cho con hiểu vì sao tôi đánh, tôi đã đau lòng ra sao. Tôi cứ nghĩ con hiểu và con nít mau quên. Vậy mà, con lại bị tổn thương sâu sắc đến vậy”, chị M. day dứt. Chị đã hỏi bé tại sao không nói suy nghĩ đó cho chị biết, bé trả lời: “Vì con sợ mẹ lại đánh con”. 

Chị M. buồn bã chia sẻ: “Đòn roi triệt tiêu sự phản biện, phản kháng của con dù tôi chỉ đánh lúc học, còn những lúc khác mẹ con luôn gần gũi, cùng đi siêu thị, xem phim, nhà sách và tôi yêu chiều con hết mực". 

Khánh Phương - Thùy Dương

Bị phạt tiền vì dạy con bằng roi

Cuối tháng 9/2021, UBND phường An Mỹ (TP.Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) tiếp nhận thông tin cháu H.N. bị cha ruột là anh H.N.T. đánh đập, trên cơ thể cháu có nhiều vết bầm. Công an phường đã lấy lời khai của các bên liên quan và mời cha cháu bé đến làm việc.

Cháu H.N. (SN 2014) là học sinh lớp Một. Tại cơ quan điều tra, anh T. cho biết bé N. học không tiến bộ, ở lại lớp, có lần lấy tiền của bạn không trả nên anh T. nóng giận đánh bé. Anh T. thừa nhận đã sử dụng một đoạn dây làm roi. 

“Chúng tôi làm việc nhiều lần, yêu cầu anh T. cam kết không tái phạm; đồng thời đề xuất UBND phường ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với anh T. Công an phường cũng phối hợp với trường học để theo dõi, giám sát cháu” - thiếu tá Nguyễn Quang Vinh nói.

Ông Thái Hồng Nhất - Chủ tịch UBND P.An Mỹ - cho hay địa phương đã lập hồ sơ quản lý theo đúng quy định. “Trường hợp anh T. tái phạm, địa phương sẽ phối hợp cơ quan chức năng để có biện pháp can thiệp, tách trẻ ra khỏi môi trường có dấu hiệu bạo lực” - ông Nhất nói. 

 Nguyễn Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI