Bạo hành gia đình: Đừng im lặng - nhưng gọi ai, gọi ở đâu? - Bài 1:

Bị chồng đánh - Tố cáo cũng vô ích?

18/02/2022 - 06:50

PNO - Chỉ hai tháng trước và sau tết, cả nước ghi nhận hàng chục vụ cố ý gây thương tích, gây tử vong mà nạn nhân và thủ phạm là thành viên một gia đình.

LTS: Đối với bạo hành gia đình, đã có lời kêu gọi sâu rộng trong cộng đồng “Đừng im lặng!”. Thế nhưng thực tế, tiếng kêu của nhiều nạn nhân đã vang lên trong tuyệt vọng.

Chỉ hai tháng trước và sau tết, cả nước ghi nhận hàng chục vụ cố ý gây thương tích, gây tử vong mà nạn nhân và thủ phạm là thành viên một gia đình. Những câu chuyện không mới, những cách thức bạo lực không mới, như hiên ngang thách thức pháp luật, dù Luật Phòng, chống bạo lực gia đình ra đời đã 14 năm. “Chuyện nhà người ta” trở thành nỗi nhức nhối của xã hội.

 

Trong hơn 1.500 cuộc gọi đến hai Đường dây khẩn của Báo Phụ Nữ TPHCM (0966.18.27.27 và 0913.15.93.15) có hơn 500 cuộc gọi liên quan các vấn đề gia đình, trong đó hơn 150 cuộc gọi và 16 đơn thư của bạn đọc kêu cứu, tâm sự về việc bản thân, người thân, người quen bị bạo lực gia đình (BLGĐ), trẻ em bị xâm hại tình dục. 

Chị B., một nạn nhân bạo lực gia đình tại Q.Gò Vấp, TP.HCM, bị chồng đánh đa chấn thương vùng mặt (ảnh) nhưng khi Báo Phụ Nữ TP.HCM và cơ quan chức năng vào cuộc, chị “tạm lánh” và… bãi nại cho chồng trong sự ngơ ngác của những người can thiệp
Chị B., một nạn nhân bạo lực gia đình tại Q.Gò Vấp, TPHCM, bị chồng đánh đa chấn thương vùng mặt (ảnh) nhưng khi Báo Phụ Nữ TPHCM và cơ quan chức năng vào cuộc, chị “tạm lánh” và… bãi nại cho chồng trong sự ngơ ngác của những người can thiệp

Các hình thức bạo lực rất đa dạng: từ mắng, chửi, nhục mạ, gây áp lực về kinh tế (phát tiền theo ngày, gây nợ nần buộc vợ con trả…), ép buộc quan hệ tình dục ngoài ý muốn, cho đến đánh đấm, dùng gậy, dùng dây điện, dây thắt lưng quất… Thậm chí, có người vợ bị chồng lột áo quần đánh bằng roi trước sự chứng kiến của con cái…

Cũng theo thống kê của Báo Phụ Nữ TPHCM, 2/3 cuộc gọi, tin nhắn gửi về tố cáo tình trạng BLGĐ là của người quen, hàng xóm, chứ không phải “người trong cuộc”.

Khuyên nạn nhân… đi trốn

Ngày 29/12/2021, chúng tôi nhận cuộc gọi của chị N.T.T.T. Chị T. cho biết, chị gọi không phải để cầu cứu, bởi nguy hiểm đã qua. Chị “kêu giùm” những người phụ nữ, những đứa trẻ vẫn đang âm thầm chịu đựng bạo hành bởi không nhận được sự can thiệp, hỗ trợ đúng nghĩa. 

Một ngày trước khi chị gọi cho chúng tôi, chị T. lại bị chồng chửi mắng, đánh liên tục vào đầu, dù chị và chồng đi đến thỏa thuận: chuyện ai người ấy làm và không can dự vào đời sống của nhau nữa. Chị T. và chồng ly thân, vẫn cùng sống một nhà. Tuy nhiên, khi say rượu, chồng chị lại ghen tuông, lớn tiếng và “động tay động chân” với vợ.

Lần bị chồng đánh đập vào ngày 28/12 là lần thứ hai chị gọi cơ quan chức năng nhờ can thiệp. “Tôi nghĩ các cơ quan chức năng sẽ có biện pháp mạnh đối với người có hành vi bạo lực, vì người này đã quá coi thường pháp luật. Tôi mong đại diện cơ quan chức năng phải thể hiện rõ thái độ như yêu cầu chồng tôi chấm dứt hành vi bạo lực. Tuy nhiên, khi tới nhà, họ hỏi tôi tại sao không dọn đi chỗ khác để tránh chồng mà vẫn ở đó để bị đánh, họ nói tại tôi “thế này thế kia” nên chồng mới như vậy… Sau đó họ không quan tâm câu chuyện sau tiếp diễn ra sao”, chị T. bức xúc kể. 

Chị T. tìm số điện thoại gọi đến cơ quan khác. Cán bộ tiếp nhận điện thoại nói sẽ chỉ đạo xuống phường xử lý. Đến lúc này, chị không biết kêu cứu nơi đâu nữa.

“Từ chuyện của mình, tôi nhận thấy, phụ nữ, trẻ em cần được các cơ quan chức năng bảo vệ. Trường hợp bất đắc dĩ thì phải cưỡng chế người có hành vi bạo hành, xử phạt hình sự cho nặng để những hành vi ấy không tái diễn. Tuy nhiên, điều chúng tôi nhận được luôn là lời khuyên đi trốn, hoặc phải có đơn tố cáo chính thức thì mới can thiệp theo… đúng quy trình”. 

Chị T. cho rằng, việc xử lý BLGĐ “đúng quy trình” sẽ gây rất nhiều khó khăn cho nạn nhân. Khi bị tát một, hai bạt tai, chẳng ai đi kiện làm gì. Nhưng khi bị đánh đập, tát, đạp vào mặt, vào vùng kín… đến mức kiệt quệ, lê lết thì ai có đủ tỉnh táo ngồi viết đơn kiện? Đó là lúc cần sự hỗ trợ kịp thời từ cơ quan chức năng, nhưng thực tế chỉ được mách nước “muốn kiện phải đi khám, phải có giám định pháp y”, và nạn nhân bị bạo hành phải tự mình đi làm điều đó. Đấy là lý do nhiều người đã buông xuôi, hoặc khi đã đi lòng vòng vài nơi, đi từ lúc có thương tật ban đầu đủ để khởi tố hành vi bạo hành tới lúc thương tật đã giảm xuống ở mức không thể khởi tố.

Chị H.T.P.T (TPHCM) cũng chỉ biết khóc và cắn răng tiếp tục sống trong cảnh bị chồng đánh đập hơn mười năm nay. 

Ngày 31/12/2021, chị T. gọi vào Đường dây nóng của chúng tôi, nghẹn ngào kể, chị bị chồng dùng tay tát vào mặt, dùng chân đạp vào ngực. Chị đã chịu đựng chuyện này cả thập niên nhưng chị im lặng vì không biết kêu ai. Đến khi con gái 16 tuổi của chị không chấp nhận cảnh cha hành hạ mẹ, cô bé đã gọi các đường dây nóng để tố cáo hành vi của cha vào tháng 4/2021. Nhưng cơ quan chức năng yêu cầu chị làm đơn tường trình rồi khuyên chị tạm thời lánh về quê, nói rằng sẽ mời chồng chị lên làm việc. 

Trong thời gian giãn cách xã hội để phòng, chống COVID-19, chị P., ngụ H.Bình Chánh, TP.HCM, hằng ngày đối diện sự uy hiếp, bạo lực của người chồng không đăng ký kết hôn. Khi chị than khóc, chính quyền không can thiệp, nhưng khi chính quyền đề nghị tạm lánh, chị P. lại từ chối bởi sợ ra khỏi nhà thì không thể quay về
Trong thời gian giãn cách xã hội để phòng, chống COVID-19, chị P., ngụ H.Bình Chánh, TPHCM, hằng ngày đối diện sự uy hiếp, bạo lực của người chồng không đăng ký kết hôn. Khi chị than khóc, chính quyền không can thiệp, nhưng khi chính quyền đề nghị tạm lánh, chị P. lại từ chối bởi sợ ra khỏi nhà thì không thể quay về

“Sau đó, tôi nghe ổng được mời lên làm việc nhưng chồng tôi không nghe máy nên họ… bỏ qua luôn, không nhắc gì tới nữa. Vài tháng sau, tôi tiếp tục bị chồng đánh. Trong đêm đó, tôi và con gái tiếp tục gọi điện thoại cho công an khu vực nhưng không ai bắt máy. Sáng ra tôi nhắn tin cũng không nhận được trả lời”, chị P.T. ấm ức kể.

Có gọi cũng không ai tới 

Ngày 24 tháng Chạp (tức ngày 26/1/2022) Báo Phụ Nữ TPHCM tiếp nhận lá đơn “Thư cầu cứu khẩn cấp về hành vi đe dọa giết người” của chị T.T.K.T., ngụ Q.4, TPHCM, tố cáo chồng cũ là anh H.M.T. liên tục dọa giết, lấy mạng, khủng bố tin nhắn điện thoại quấy rối tận nơi làm việc của chị liên tục từ năm 2020 đến nay. 

Trong đơn, chị T.T.K.T. cho biết, không chỉ phải chịu đựng sự hành hạ, đe dọa của chồng cũ mà chị bị mất việc làm một lần năm 2020, hiện anh H.M.T. tiếp tục gây áp lực với nơi công tác mới của chị, khiến chị khó xử cùng đồng nghiệp. Nguy cơ mất việc lần thứ hai ngay trước mắt, chị còn phải liên tục chuyển chỗ ở để tránh sự truy vết của chồng cũ. 

Chị cho biết, song song với việc gửi đơn kèm vi bằng (do Văn phòng thừa phát lại Q.1 - số 87 Nguyễn Du, P.Bến Nghé, Q.1, TPHCM lập ngày 4/1/2022) cho Báo Phụ Nữ TPHCM, chị có gửi hồ sơ vụ việc lên Cơ quan Công an TPHCM. 

Khi chúng tôi hỏi chị có tố cáo hành vi của anh H.M.T. với công an phường nơi anh cư trú chưa? Chị nói: “Tôi chỉ gửi công an quận và công an thành phố thôi”. Khi phóng viên giải thích việc tố cáo hành vi BLGĐ (của chồng cũ) trước tiên phải ở xã, phường, thị trấn… như quy định tại điều 18 của Luật Phòng, chống BLGĐ thì chị ngớ người vì không biết. 

Trên thực tế, không phải một mình chị T.T.K.T. “bỏ qua” cấp xã, phường, thị trấn việc bị BLGĐ, mà đây như là “thói quen” của rất nhiều người. 
Trường hợp chị N.T.T.N., ở xã Xuân Thới Thượng, H.Hóc Môn, TPHCM, là một ví dụ. Bị người chồng nghiện ma túy, đánh đập rất nhiều lần. Chị không kêu cứu vì nghĩ “chồng quen công an”. Suy nghĩ quái lạ đó của chị khiến việc chịu đựng lời mắng chửi lẫn đòn roi của chồng (anh D.S., thường trú tại An Biên, An Giang) kéo dài. Đỉnh điểm, đầu năm 2020, chị bị anh D.S. mua xăng tẩm, đốt phỏng người. Nhờ con trai chị kêu cứu, công an mới vào lập biên bản xử phạt. Sau đó không lâu, một lần nữa D.S. tái phạm đánh đập vợ con, công an xã đã lập hồ sơ xử phạt, đưa đi giáo dục cải tạo theo quy định.

Trong quá trình bị cải tạo, anh D.S. không hề hối hận về hành vi của mình, mà còn liên tục gọi điện nhắn tin cho chị T.N. và người thân của chị, đe dọa khi ra trại sẽ lấy mạng chị. Chị cầu cứu Báo Phụ Nữ TPHCM can thiệp để đơn phương ly hôn. Báo Phụ Nữ TPHCM và Hội LHPN địa phương đã vào cuộc trợ giúp chị. 

Khi tiếp xúc, hỏi lý do vì sao chị không nhờ công an, Hội Phụ nữ và chính quyền địa phương mà âm thầm chịu đựng rồi kêu cứu đến báo? Chị thật thà: “Ban đầu tôi giấu là do xấu hổ. Sau là vì tôi thấy anh ta dùng ma túy nhưng công an không bắt, nên tôi không nghĩ công an giúp được mình. Còn Hội Phụ nữ thì tôi… không quen” (?).

Chúng tôi hỏi vì sao không báo công an hay UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú (cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận và xử lý ban đầu các vụ việc liên quan BLGĐ theo luật định), phần lớn nạn nhân cho biết: “Gọi rồi nhưng không ai tới can thiệp” hoặc “Gọi rồi mà không yên tâm, nên báo thêm với Báo Phụ Nữ cho… chắc!”. Nhiều anh chị, cô bác khẳng định: “Tôi chỉ tin Báo Phụ Nữ”.

Niềm tin đó khiến những người làm báo chúng tôi cảm động nhưng cũng trăn trở khôn nguôi. Cảm động vì được tin cậy, nhưng trăn trở nhiều hơn là bởi chúng ta có một hệ thống pháp luật với những quy định chặt chẽ, được thường xuyên bổ sung cập nhật nhằm mục tiêu phòng, chống BLGĐ, nhưng vấn nạn này cứ mãi tiếp diễn. Đau lòng hơn, theo thời gian, những vụ đánh đập phụ nữ, hành hạ, ngược đãi trẻ em và người thân trong gia đình có khuynh hướng thêm phức tạp. Trước và sau tết Nguyên đán vừa qua, đã có những trường hợp tử vong liên quan BLGĐ. Tiếng chuông cảnh báo vẫn gióng lên liên tục từ khắp các cơ quan chính quyền, đoàn thể… từ các phương tiện truyền thông, nhưng vì sao vẫn như rơi vào hư không.

Truy cứu tội đánh vợ... khó như hái sao! 

Trong hành trình bảo vệ phụ nữ, trẻ em bị bạo hành, bị xâm hại từ năm 1998 đến nay của Đường dây khẩn Báo Phụ Nữ TPHCM, chúng tôi ghi nhận rất hiếm trường hợp BLGĐ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Dù có thể nạn nhân bị thương tật vĩnh viễn với tỷ lệ trên 11%, hoặc rối loạn sức khỏe tâm thần trầm trọng. 

Cháu bé bị bạo lực gia đình tại Q.12, TP.HCM trở thành “nạn nhân” của cộng đồng mạng
Cháu bé bị bạo lực gia đình tại Q.12, TPHCM trở thành “nạn nhân” của cộng đồng mạng

Nguyên nhân đau lòng nhất, chính là sự che giấu tội phạm của chính nạn nhân. Hầu hết nạn nhân BLGĐ che giấu hành vi bạo lực của người thân vì “xấu chàng hổ ai”, vì sợ ảnh hưởng danh tiếng gia đình. Đa số vẫn cho rằng đó là vấn đề riêng của các gia đình, của cá nhân, người ngoài không có tư cách can thiệp. 

Ông Võ Thành Mỹ, nguyên Trưởng công an xã An Phú, H.Củ Chi, TPHCM, rất bức xúc với quan điểm “chuyện nhà người ta”. Ông kể với phóng viên: “Lúc tôi đương chức, khi phân công cán bộ dưới quyền xử lý các vụ BLGĐ, hầu như ai cũng ngại ngần. Người ta cho chuyện chồng đánh vợ, cha mẹ đánh con là bình thường. Dù nói bình đẳng, nhưng sâu trong suy nghĩ không ít người đàn ông, vợ con vẫn như “vật sở hữu”, người chồng, người cha có quyền la mắng đánh chửi, không ai được can thiệp. Tôi bức xúc nhất với chuyện đánh con, ép con nghỉ học… Những đứa trẻ bị lệ thuộc ấy nào dám kêu cứu. Vì không hiểu pháp luật, các cháu còn không biết mình được quyền lên tiếng bảo vệ bản thân”.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, sở dĩ BLGĐ như mầm mống âm ỉ trong nhà vì phụ nữ có xu hướng che giấu sự việc. Họ thấy xấu hổ với người ngoài vì muốn giữ hình ảnh gia đình hòa thuận, vì sợ chồng bị mất thể diện. Rất nhiều người vợ ảo tưởng rằng, với tình thương, sự chịu đựng, nhẫn nhục, họ có thể cảm hóa được chồng, như suy nghĩ của chị P.L., ở H.Hớn Quản, tỉnh Bình Phước chẳng hạn. Là nạn nhân của BLGĐ hơn mười năm qua, chị nghẹn ngào thú nhận: “Dù ổng thường xuyên đánh đập, chửi bới vợ con, nhưng không hiểu sao tôi không dứt tình được, như là còn mắc nợ ổng. Có lẽ vì ổng chỉ đánh tôi lúc say, chứ khi tỉnh thì không đến nỗi, nên tôi cứ ráng…”. 

Trong khi đó, ý kiến của các chuyên gia nghiên cứu về BLGĐ đều chỉ ra rằng: nạn nhân càng nhịn nhục, càng chịu đựng thì người gây bạo lực càng lấn tới và hậu quả cuối cùng sẽ rất nặng nề, có khi không lường trước được. Sự cam chịu và im lặng của nạn nhân, theo luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM - chính là một sai lầm, thậm chí còn là hành vi vi phạm pháp luật: dung túng và bao che tội phạm. 

Ông Nguyễn Văn Hậu phân tích: “Đây cũng là nguyên do khiến rất nhiều vụ BLGĐ không thể truy cứu trách nhiệm hình sự. Khi cơ quan chức năng vào cuộc nạn nhân ra sức che giấu hành vi, chứng cứ vi phạm pháp luật của kẻ gây bạo lực. Không biết bao nhiêu lá đơn bãi nại khẩn cầu và cả sự trốn tránh, không hợp tác của nạn nhân đã thành “rào cản” khi các cơ quan chức năng muốn truy tố vụ việc BLGĐ”. 

Hành lang pháp lý liên tục được bổ sung, hoàn thiện  

Luật Phòng, chống BLGĐ có hiệu lực từ ngày 1/7/2008, quy định: 

Điều 2. Các hành vi BLGĐ

1. Các hành vi BLGĐ bao gồm:

a) Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng;
b) Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;

Điều 18. Phát hiện, báo tin về BLGĐ

1. Người phát hiện BLGĐ phải kịp thời báo tin cho cơ quan công an nơi gần nhất hoặc UBND cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi xảy ra bạo lực, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 điều 23 và khoản 4 điều 29 của luật này.

2. Cơ quan công an, UBND cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư khi phát hiện hoặc nhận được tin báo về BLGĐ có trách nhiệm kịp thời xử lý hoặc kiến nghị, yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền xử lý; giữ bí mật về nhân thân và trong trường hợp cần thiết áp dụng biện pháp bảo vệ người phát hiện, báo tin về BLGĐ.

* Từ ngày 1/1/2022, Luật Xử lý vi phạm hành chính chính thức có hiệu lực pháp luật. Khoản 61, điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi năm 2020 nêu rõ: Người có hành vi BLGĐ vi phạm quyết định cấm tiếp xúc theo quy định của pháp luật về phòng, chống BLGĐ bị tạm giữ theo thủ tục hành chính. 

Cũng từ đầu năm 2022, Nghị định 144/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, các hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình đều bị tăng mức phạt. Cụ thể: 

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình; phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi: sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình; không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi BLGĐ, trừ trường hợp nạn nhân từ chối.

Đồng thời, áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu; buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh. 

Ngoài ra, theo điều 53 nghị định này, hành vi hành hạ, ngược đãi thành viên gia đình sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi đối xử tồi tệ với thành viên gia đình như: bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân. Cụ thể, bỏ mặc không chăm sóc thành viên gia đình là người cao tuổi, yếu, khuyết tật, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ. Đồng thời, áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu. Mức phạt mới này cũng tăng mạnh so với quy định trước đây tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP (chỉ phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng). 

Kêu cứu giúp nạn nhân trên mạng xã hội, coi chừng phạm luật 

Do thiếu niềm tin rằng chính quyền sẽ can thiệp, xử lý đến nơi đến chốn các vụ BLGĐ, nhiều người công khai hình ảnh, danh tính nạn nhân trên mạng xã hội, kêu gọi “Mọi người chia sẻ giúp” mà không biết mình vô tình phạm luật. Cách làm này tuy “nhanh, gọn” và có vẻ đánh động dư luận, nhưng đã vô tình làm ảnh hưởng đến cuộc sống, sự riêng tư của nạn nhân.

Đơn cử trường hợp một cháu bé bị cha dượng đánh đòn ở Q.12 được người “hảo tâm” công khai sự việc trên Facebook. Theo Hội LHPN Q.12, ngay trước khi sự việc được đăng tải lên mạng xã hội, chính quyền địa phương đã vào cuộc. Tuy nhiên thông tin loan truyền với hình ảnh cùng thương tích của cháu bé ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của cháu, khiến gia đình phải chuyển đi nơi khác sống. 

 

 Diễm  Chi - Thu Lê

 


 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Nguyễn Tú Anh 01-07-2022 11:10:49

    Tôi thấy đây là vấn đề đang tồn tại và bất cập ở hầu hết các xã, phường trên đất nước Việt Nam. Ngay tôi là 1 nạn nhân của bạo lực gia đình. Chồng tôi anh ta nghiện rượu, gia trưởng, ích kỉ. Tôi và các con thường là nơi chút giận, chửi bới, đánh đập mỗi khi anh ấy say suốt 16 năm nay. Tôi đã có lần ra công an phường cầu cứu sự giúp đỡ, tố cáo về hành vi bạo lực của anh ta với vợ con nhưng công an phường yêu cầu tôi quay về và sáng hôm sau ra phường viết đơn trình báo để phường giải quyết. Tôi thấy hiện nay Việt Nam vẫn đang chỉ có lý thuyết về chống bạo lực gia đình chứ chưa có biện pháp hiệu quả, quyết liệt để ngăn chặn bạo lực gia đình. Các cơ quan địa phương vẫn tồn tại suy nghĩ là đó là việc gia đình nhà người ta nên họ tự giải quyết với nhau. Tôi rất mong Nhà nước cần có các qui định cụ thể để bạo lực gia đình chấm dứt. Để phụ nữ và trẻ em được bảo vệ khẩn cấp khi có bạo lực gia đình.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI