Đàn bà, thôi đừng gồng nữa

20/10/2020 - 11:11

PNO - Cứ mãi gồng mình lên cho thành đạt, chu toàn, hiện đại, trẻ trung… lúc nào đó nhìn lại mình thấy chỉ còn là lớp vỏ màu mè bọc ngoài một trái tim mệt mỏi kiệt sức.

Chiều muộn, cô bạn đồng nghiệp của tôi mới rời khỏi lớp học. Tôi ngạc nhiên khi thấy bạn không ra thẳng nhà xe mà rẽ vào văn phòng, mệt mỏi ngồi xuống ghế, gỡ chân ra khỏi đôi giày cao, xoa bóp bàn chân một lúc rồi mới mở hộc tủ lấy ra đôi giày bệt thoải mái để đi về nhà.

Đó đã là một thói quen. Bạn không thể mang đôi giày bệt lên lớp, dù nó rất thoải mái. Bạn không quen với chính cơ thể mình, bởi bạn đã quen với cảm giác về chiều cao mà đôi giày mang lại. Đôi giày cao gót ấy đã đóng khung bạn tôi trong một vai trò, mà đôi khi mệt mỏi kiệt cùng, bạn tôi vẫn không dám thoát khỏi nó. 

gdg. (ảnh minh họa)
Có những vai trò làm đàn bà mỏi mệt đến kiệt quệ, nhưng không dám thoát ra (ảnh minh họa)

***
Đôi khi tôi nghĩ tôi chính là người mang lại bất hạnh cho mẹ tôi, cho dù, tôi đã rất cố gắng để làm bà vui, hạnh phúc. Mẹ tôi thuộc thế hệ phụ nữ cổ, ít học. Bà lấy ba tôi rồi ba tôi vào quân đội, một mình bà ở quê chăm lo cha mẹ chồng, thỉnh thoảng chồng về thăm, sau đó là đẻ con, nuôi con một mình.

Ba tôi mất, bà ở với các con. Những lúc các cặp vợ chồng trẻ cãi nhau, mẹ khuyên con gái, con dâu “nhịn một tí”. Tất nhiên là chẳng đứa nào nghe. Thế hệ chúng tôi bình đẳng, vợ chồng đều đi làm, kiếm tiền, đều giỏi giang. Thỉnh thoảng tôi “giảng“ cho mẹ thấy mẹ đã hy sinh cuộc đời mẹ thế nào, đã thiệt thòi những gì. Cuộc đời mẹ chịu thiệt vì hy sinh cho chồng. Tôi thì không, tôi và chồng phải bình đẳng. Tôi có quyền được chồng phục vụ chứ, sao không? Việc nhà phân công rõ ràng, tiền bạc gia đình minh bạch. 

Anh Hai là bác sĩ, có phòng mạch ở nhà, chồng khám bệnh, vợ mở nhà thuốc. Mẹ tôi xót con trai mới đi làm về đã phải thay áo ngồi vào bàn khám nhiều hôm đến tối mịt chưa được ăn, chị Hai bảo chị cũng đứng từ sáng đến khuya trong quầy thuốc, sức đâu mà phục vụ cơm nước. Mẹ chỉ thở dài.

Năm sau đó anh chị Hai ly hôn. Mẹ tôi không trách chị dâu, mẹ còn lén cho riêng chị thêm một ít tiền để mua nhà. Mẹ nói đàn bà ráng lên cho bằng đàn ông thì cũng khổ như đàn ông, mà đàn ông còn có sức chịu đựng, chứ đàn bà sức mọn, càng gồng mình càng dễ giữa đường đứt gánh, con ơi.

***
Đồng nghiệp của tôi 8x độc thân, ai nhắc chuyện lấy chồng nàng đều phẩy tay. Nàng đam mê du lịch. Có chồng thì thời gian, tiền bạc, cảm hứng đâu mà đi. Cả năm trời bệnh dịch bó chân, không có cuộc đi nào, ở nhà một hồi thấy cũng… có lý, nàng bắt đầu ngẫm nghĩ lại. Đã có nhiều khi xách va-li lên đi cho bằng rồi đi cho hơn người ta, đi rồi biết hạnh phúc không bày bán ở phương trời nào xa lắc, mình có tới tận nơi cũng không thể mua mang về. Nàng bảo quãng giãn cách này giúp nàng định thần lại, chứ không chẳng biết còn lao đầu theo những chuyến đi đến bao giờ. 

Tôi cũng là một nàng như thế. Chia tay chồng, làm mẹ đơn thân, tôi quyết không để mình buồn bã, không lạc hậu, không già không cũ. Tôi đã sống bằng cả 200%, cố gắng gấp đôi ở sở làm, đốt hết năng lượng vào công việc, vào học hành, vào việc kiếm tiền nuôi con, chăm chút vẻ ngoài. Tất cả để khẳng định một điều: tôi không phải là một con đàn bà bỏ đi, tôi đáng giá hơn chồng cũ của tôi cả trăm lần. 

Lần ấy trở về nhà, con gái đã ngủ với bà ngoại, tôi nhìn mình trong gương. Lồng ngực tôi trống rỗng. Trái tim tôi đang đập một mình, lẻ loi, trong góc chiếc giỏ xách đắt tiền mà tôi phải mua cho bằng thiên hạ. Lúc nào đó tôi đã bứt nó ra khỏi mình. Tôi chỉ còn là một chiếc vỏ, hợp thời, mệt rũ và sợ hãi - nếu mình không cố giữ thì lớp vỏ ấy cũng tuột mất. 

Ảnh minh họa
Đàn bà hạnh phúc nhất là lúc được là mình, được trả mình về đúng bản chất (ảnh minh họa)

***

Lâu lắm rồi không đi xe số. Cái xe đời mới của tôi chỉ cần vặn tay ga lên là chạy, giảm ga là chậm, chị em nhiều khi không giảm tay ga, chỉ bóp thắng. Cái xe cũng như con người, mệt vì rồ ga, vì thắng. Tôi nhớ cái xe số, muốn lên tốc độ mới phải trả về số nhỏ hơn, đôi khi phải về tới số không. Nhớ rồi quyết định, ủa sao mình không về số không, cho đỡ mệt?

Cứ mãi theo những thông minh, xinh đẹp, giỏi giang, tài khéo… có mà mệt đến chết người. Cứ mãi gồng mình lên cho thành đạt, chu toàn, hiện đại, trẻ trung… lúc nào đó nhìn lại mình thấy chỉ còn là lớp vỏ màu mè bọc ngoài một trái tim mệt mỏi kiệt sức.

Chẳng cần đến vậy đâu mà. Cái dòng chảy của tính nữ vốn âm thầm, mềm mại, lặng lẽ mở ra và đón nhận, bền bỉ yêu thương, chứ không phải tưng bừng hoa lá màu mè thành công và danh vọng, danh hiệu nọ kia. Có phải vì thời buổi công nghệ quá tò mò không, mà những khoảng trầm lặng của dòng chảy ấy cũng bị soi chiếu, khuấy động, khiến những người đàn bà phải gồng mình khoe sức mạnh, khoe sự thông minh, khoe tài khéo?  

Đàn bà, thực sự, cũng cần mạnh mẽ, thông minh, giỏi giang, nhưng hạnh phúc nhất là lúc được là mình, được trả mình về đúng bản chất, mềm mại, yếu đuối, ngu dại cũng được. Đàn bà cũng chẳng cần phải cố gắng khác đi, vì chẳng để làm gì. Thì cứ nghĩ thế này thôi: mình mà cố quá, biết đâu người đàn ông của mình lại chẳng thèm cố nữa, luật bù trừ mà! 

Hoàng Mai

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI