Con vô tâm

03/05/2015 - 16:25

PNO - PN - Về đến nhà sau một buổi lao động mệt nhoài, bỏ chiếc nón ra, tôi ngồi phệt xuống ghế định nghỉ ngơi một lát rồi ăn cơm, chợt nhìn thấy một núi chén chưa rửa.

edf40wrjww2tblPage:Content

Ông xã tôi đang cặm cụi lặt rau, trong khi cô con gái 20 tuổi của tôi đang dán mắt vào màn hình điện thoại để nhắn tin. Tôi nhắc nhở thì con nói “Đến giờ đi học rồi” và con vào phòng đóng chặt cửa. Tôi đành ngồi xuống giải quyết đống chén dơ, rồi hâm lại thức ăn và luộc mớ rau. Đến khi vợ chồng tôi ngồi vào mâm cơm thì mới thấy cửa phòng con bật mở, con bé hớn hở vẫy tay chào ba mẹ: “Con đi học đây”.

Tôi thấy buồn lòng nên than thở với chồng: “Con cái bây giờ sao mà vô tâm quá, không biết chia sẻ công việc với những người thân trong nhà”. Ba cháu trầm ngâm một lúc rồi lên tiếng: “Tất cả cũng tại mình, vì quá cưng chiều con nên mình đã làm hết mọi việc mà không hề bảo con phụ giúp, khiến bọn trẻ ỷ lại và dần dần coi đó là bổn phận mà cha mẹ phải làm. Bây giờ mình mới nhận ra sai lầm trong cách giáo dục con, anh e rằng đã muộn”.

Con vo tam
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Lời nói của ông xã khiến tôi chợt giật mình. Phải chăng tôi đã vô tình tạo cho con thói quen lười biếng và lối sống vô tâm khi nhiều lần tôi bị bệnh, rã rời hết cả người nhưng vẫn cố lau nhà, rửa chén để con được nằm dài trên salon xem phim…Tôi đã từng bê cơm vào tận phòng cho con, rồi đợi con ăn xong thì mang đi rửa. Hai mươi tuổi đầu nhưng chưa khi nào con tôi đi khám bệnh mà không có mẹ kè kè một bên để khai bệnh giùm con.

Để rồi giờ đây, tuổi cao, sức yếu, tôi mới bàng hoàng nhận ra rằng mình đã làm hư con. Tôi muốn con thay đổi, muốn dạy con chia sẻ việc nhà và biết quan tâm đến người khác, nhưng liệu ở tuổi này, có quá muộn?

Trong nhịp sống hối hả như hiện nay, hầu hết các bậc cha mẹ đều tất bật với nỗi lo cơm áo gạo tiền, ai cũng nghĩ mình bận đến tối mắt tối mũi như vậy âu cũng là vì gia đình, vì muốn cho con một cuộc sống đầy đủ. Nhưng ngược lại, con cái chúng ta lại bị thiếu đi thứ quan trọng nhất, đó chính là những cảm xúc yêu thương và sự quan tâm chia sẻ với người thân.

Có phải vì cha mẹ đáp ứng quá đầy đủ mọi nhu cầu nên con cái mới sinh ra tính dựa dẫm và ỷ lại? Phải chăng khi điều đó xảy ra, những bậc làm cha mẹ như chúng ta cũng gánh lấy một phần trách nhiệm?

UYÊN NHI

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI