Con trai ơi, giúp mẹ!

29/11/2014 - 17:00

PNO - PN - Một thực trạng của nhiều gia đình thành thị hiện nay là cha mẹ bảo bọc con quá mức, không cho con cái làm việc nhà, chỉ dành thời gian học hành. Báo chí đã đánh động hiện tượng “gấu bông” trong xã hội, tức là thế hệ...

edf40wrjww2tblPage:Content

Tuổi nào có thể  bắt đầu làm việc nhà?

 Đối với nhiều gia đình, việc dạy con làm việc nhà thực ra bắt đầu từ rất sớm, nhất là với những gia đình nghèo khó, lam lũ. Nhưng đối với đa số nhà thành phố, con trẻ hầu như không biết làm việc nhà. Gia đình tôi cũng vậy.

Khi còn nhỏ, gia đình có người giúp việc, vì thế hai con trai tôi gần như chả phải động tay động chân việc gì. Cơm có người nấu cho ăn, phòng có người dọn, quần áo có người giặt.

 Đến khi con trai lớn vào cấp II, tức là 11 tuổi, con trai nhỏ lúc đó tám tuổi, thì người giúp việc xin nghỉ về quê. Thay vì tìm người khác, vợ chồng tôi quyết định không cần người giúp việc nữa, để các con biết làm việc nhà.

Như vậy, độ tuổi làm việc nhà của con trẻ là tùy vào hoàn cảnh từng gia đình, nhưng theo tôi, có lẽ cũng phải lớn một chút, độ qua cấp I. Lúc đó, các con mới có ý thức về gia đình, có kiến thức về sự an toàn (phòng cháy chữa cháy, điện đóm, nước nôi), cầm nắm mọi vật chắc chắn, nắm bắt kinh nghiệm và kỹ năng dễ dàng…, việc dạy làm việc nhà sẽ dễ hơn.

Con trai oi, giup me!

Chị Hoa Tranh thường tập cho hai con trai Chíp và Gôn (tên thường gọi ở nhà) làm việc nhà

Con trai đang giúp mẹ hay giúp chính con?

 Dạy con trai làm việc nhà khó hơn dạy con gái. Vì trong tâm thức con trai, việc nhà là tủn mủn, là chuyện con gái, không đáng làm. Làm cách nào đánh bay những ý tưởng vớ vẩn ấy ra khỏi đầu con đây? Mới đầu, khi tôi nhờ con làm giúp việc gì, con hay nói: con làm giúp mẹ đó nha. Như vậy, trong đầu con vẫn cho rằng việc nhà đó là của mẹ - một phụ nữ, con chỉ đang làm “giúp”, chứ con không có nghĩa vụ phải làm. Tôi phải giải thích rõ ràng, nhẹ nhàng với con: đây là việc nhà, việc chung của cả gia đình mình, mỗi người một tay, chứ không phải là “việc của mẹ”. Lâu nay mẹ làm là vì các con còn nhỏ, giờ các con thành “người lớn” rồi, các con phải chia sẻ với ba mẹ. Như vậy mới là con ngoan, mới chứng tỏ các con quan tâm, thương yêu ba mẹ. Cứ từ từ, “nịnh nọt”, các con sẽ làm những gì ba mẹ nhờ. Chồng tôi cũng phải tham gia làm việc nhà thì các con trai mới noi gương ba.

 Khi đã thành công trong việc giao việc nhà cho con, tôi khoe với bà nội. Bà bảo: “Bắt cháu làm việc nhà sớm thế, giỏi thế sau này lại hầu vợ”. Tôi lại nghĩ khác, các con biết làm việc nhà sớm và tốt, sẽ tự lo cho bản thân, chứ chả phải “hầu” ai. Sau này lớn lên, ra ngoài đi học, ở ký túc xá, ở trọ, nếu không biết làm gì, hậu đậu, thì chính ba mẹ là người bị con trách đầu tiên vì đã không trang bị cho con những kỹ năng này.

 Dạy con làm việc nhà như thế nào?

 Chắc chắn việc dạy con sẽ vất vả và mất thời gian hơn mình tự làm rất nhiều, đôi khi còn mua bực vì con làm không khéo. Nhưng các bà mẹ, ông bố hãy kiên nhẫn, mưa dầm thấm sâu, các con sẽ làm được. Chỉ cần động viên và chỉ dẫn đúng cách.

 Hãy bắt đầu bằng những việc đơn giản: rửa bát, quét nhà, lau bụi, giặt quần áo (bằng máy)…, sau đó đến phức tạp hơn như nấu cơm, chuẩn bị thức ăn, lau nhà, dọn phòng… Từ việc chỉ con canh nước khi nấu cơm, đứng cạnh con khi con rửa bát, lặt rau với con, đến mách con những kinh nghiệm làm việc nhà… đều cần sự kiên trì, khéo léo của người làm cha làm mẹ.

 Thực ra, cho tới giờ, hai con trai của tôi cũng chưa khéo léo lắm. Đại khái, đã biết nấu cơm, nấu mì gói, lặt rau, chiên cá, chiên trứng, rửa bát, quét nhà, lau nhà, dọn phòng, giặt đồ, gấp quần áo… Đôi khi ba mẹ vẫn phải nhắc nhở dọn phòng, cơm nấu có hôm hơi nhão… Nhưng điều thành công nhất của tôi là các con đã có ý thức giúp ba mẹ, tháo vát, không ỷ lại vào người khác…

 Chỉ cần mẹ đi làm về mệt, con trai út biết pha cho mẹ ly nước cam, con trai cả bảo để con rửa bát, đi chơi đâu mẹ không bao giờ phải xách hành lý, con trai luôn ý thức chăm sóc bà nội, bà ngoại… là mẹ cảm thấy có con trai không phải là tệ!

 TRẦN LÊ HOA TRANH

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI