Con ngoan để ba mẹ lên… “rẫy”

18/10/2021 - 13:50

PNO - Tháng Mười, nhiều người quay lại công việc, nhưng trường học chưa mở, phụ huynh đối diện với những cuộc “phân thân” để giải quyết bài toán con cái - công việc. Thật may, những vị chủ gia đình lạc quan vẫn thấy ánh sáng trong cảnh ngộ “vừa giữ em vừa xay thóc”.

Mẹ con chơi trò tạm biệt

“Mẹ Việt ơi! Mẹ đâu rồi? Bồng con xíu!” - tiếng gọi tha thiết của đứa con gái hai tuổi luôn khiến chị Ánh Việt (giáo viên ở Phú Nhuận, TP.HCM) bối rối. Là giáo viên cấp II, chị Việt đã quay lại công việc từ khi thành phố còn giãn cách. Việc dạy online tại nhà khiến chị rất bận rộn, vì vừa dạy vừa họp, thảo luận tổ chuyên môn, tự nâng cấp kỹ năng sử dụng phần mềm dạy học. Trong khi đó, con gái hai tuổi không thể quay lại nhà trẻ.

Anh Duy Mạnh - chồng chị - phải làm việc từ xa, vừa nhận việc trông coi con gái. Tạm biệt nhau sau bữa ăn, chị Việt vừa bước vào phòng đóng cửa đã nghe con nói: “Mẹ ơi, sao mẹ đóng cửa?”. Giữa giờ mẹ dạy, đứa trẻ thường xuyên gõ cửa, năn nỉ “con gặp mẹ xíu thôi”, hay “mẹ ôm con xíu”. Việc giảng dạy, chuẩn bị nội dung bài giảng, chấm bài và họp hành thường chiếm toàn bộ thời gian, chị Việt chỉ gặp con một lúc trước khi đi ngủ. Những lời bập bẹ của con gái nhỏ là nỗi day dứt lớn nhất với chị khi phải tập trung cho công việc.

Hai mẹ con chị Ánh Việt khi gặp nhau
Hai mẹ con chị Ánh Việt khi gặp nhau

Chị kể: “Giai đoạn đầu tôi stress, phần vì vừa học vừa làm, lại còn là chỗ dựa tinh thần cho phụ huynh và học sinh. Mỗi lần con gọi mẹ, tôi xót xa, thấy mình cố gắng chưa đủ, dù cả hai vợ chồng đến cuối ngày đều kiệt sức. Nhưng cũng trong chính những ngày đó, tôi phát hiện con có những cảm xúc trưởng thành vượt khỏi sức tưởng tượng của tôi. Mẹ con tôi bắt đầu làm quen và tận hưởng sự xa cách, chia tay, cả sự hứa hẹn, và việc tái ngộ trong một ngày. Tôi giải thích với con việc tôi ở trong phòng nhưng là đang dạy học nên không thể gặp con”.

Chị Việt biến “thử thách đóng cửa” thành một trò chơi. Trước khi đóng cửa (vào phòng làm việc), hai mẹ con sẽ tạm biệt “hết mình” bằng những cử chỉ âu yếm, đập tay khích lệ nhau. Xong việc, chị ùa ra làm một cuộc “tái ngộ” hoành tráng với con.

Chị tâm sự: “Hai mẹ con đều hạnh phúc hơn, tập trung hơn khi gặp lại nhau. Lúc ngủ, bé dang hai tay ôm ba mẹ, thể hiện sự trân trọng đặc biệt với việc được ở gần ba mẹ. Chồng tôi cũng ý thức rõ hơn về cảm xúc của con, anh thận trọng hơn, lắng nghe từng bày tỏ của con gái”.

Con gái chị Việt khi mẹ làm việc
Con gái chị Việt chơi khi mẹ làm việc

Khám phá năng lực không ngờ của con

Anh Tuấn Anh (TP.Vũng Tàu, Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng hoang mang với hai nhóc tì ở tuổi tiểu học trong những ngày khó khăn này. Khi TP.Vũng Tàu nới lỏng giãn cách, cả anh và vợ đều quay lại chỗ làm, trong khi hai đứa con (lớp Một và lớp Ba) lại chưa thể quay lại trường học. 

Nỗi sợ của vợ chồng anh Tuấn Anh xuất phát từ kinh nghiệm kèm cặp con học online trước đó. Khi con trẻ khai giảng online, anh cũng sấp ngửa với việc “đưa cậu út đến với thế giới của học hành”. Con trai anh mới vào lớp Một đã phải học online, cả vợ chồng anh phải thay phiên nhau ngồi cạnh để… đưa con trở lại thực tế, bởi cu cậu chưa ý thức được mình đang học. Giai đoạn vật vã ấy chưa qua thì nhận tin phải quay lại công tác. Anh Tuấn Anh đành giao phần coi ngó hai cháu cho chị giúp việc theo giờ, còn bố mẹ sẽ thay phiên nhau về sớm để “tiếp quản” khi chị giúp việc hết giờ làm.

Kế hoạch đó cũng chỉ “dã chiến”, bởi người giúp việc tất bật với việc bếp núc, nhà cửa, chỉ có thể trông giữ hai cháu ở góc độ giữ an toàn. Anh đành giao việc và giao quyền cho cô con gái tám tuổi: phải giúp đỡ, nhắc nhở em.

Vậy mà ngay trong ngày 1/10, khi sấp ngửa chạy về “thay ca” cho người giúp việc, anh ngỡ ngàng chứng kiến cảnh cậu quý tử đang ngồi ngay ngắn trên bàn học, đang làm bài tập cô giáo vừa giao cuối buổi học. Ở một góc phòng khách, cô con gái đang ngồi… khâu lại con siêu nhân bằng vải cho em. Cô bé thấy bố về thì báo cáo: “Con nói em phải làm bài tập ngay khi lớp học kết thúc để chơi cho thoải mái, vậy thì con mới khâu cho em con siêu nhân bị rách!”.

Đã mười ngày trôi qua kể từ ngày thứ nhất “lịch sử”, kỷ luật lớp học của “chị Hai” vẫn được duy trì khá hiệu quả. Vợ chồng anh Tuấn Anh đã được thở phào, thậm chí còn tự hào khi khám phá ra năng lực không ngờ của các con.

Anh Tuấn Anh giao việc và giao quyền cho cô con gái tám tuổi: phải giúp đỡ, nhắc nhở em
Anh Tuấn Anh giao việc và giao quyền cho cô con gái tám tuổi: phải giúp đỡ, nhắc nhở em

“Phải tận hưởng khó khăn này”

Đó là lời đùa của anh Tuấn Việt (H.Hóc Môn, TP.HCM) với vợ khi phải sống trong cảnh vừa làm phụ huynh, vừa làm giáo viên, bảo mẫu, kiêm… trợ lý IT.

Khi thành phố nới lỏng giãn cách, cho phép bán mang đi, quán cà phê của vợ chồng anh Việt hoạt động lại. Theo anh, quyết định này rất khó khăn vì vợ chồng đang phải lo liệu việc học online cho hai cháu tiểu học. Thế nhưng anh không thể bỏ qua cơ hội kinh doanh, khi bốn tháng qua đã gồng gánh rất nhiều chi phí.

“Chúng tôi vẫn cầm cự mỗi ngày theo cách sơ khai nhất, lo liệu được gì cho con thì lo, rồi lao vào buôn bán, con cần thì lại chạy vào. Vẫn phải đảm bảo dinh dưỡng ba bữa ăn cho hai đứa. Vợ tôi cứ đến cuối ngày lại nói: “Tới giới hạn rồi, nếu ráng nữa sẽ… đứt hơi”. Nhưng tôi nghĩ, khó khăn này chỉ là tạm thời, tình thế đã như vậy thì mình nên đón nhận nó với tâm lý thoải mái nhất có thể. Tôi nói với vợ, chỉ cực thân thôi thì đành, đừng để tâm lý nặng nề.

Khó khăn chỉ tạm thời, phải tận hưởng, kẻo mốt cuộc sống được trở lại, sung sướng ập đến đỡ không kịp!”.

Sự hài hước cũng là một “liều thuốc” cho gia đình chị Thái Xuyên (Vĩnh Lộc A, TP.HCM) trong những ngày tất tả “đứa trên lầu với mẹ, đứa dưới trệt với ba”. Cả vợ chồng chị đều phải vừa làm việc, vừa kèm cặp con. “Bí quyết” của chị là khoán trắng đứa con gái bảy tuổi cho chồng, còn chị đảm đương cậu út ba tuổi. “Đã khoán trắng tức là mỗi người chịu hoàn toàn trách nhiệm với con, nếu anh lên cơ quan, anh phải đưa con gái theo, tôi cũng phải như thế với con trai. Chúng tôi quán triệt là không “chơi trò” gửi con cho nhau, vì vốn dĩ việc vừa làm vừa chăm một đứa trẻ đã quá tải rồi, nên cả hai vợ chồng đều phải “kỷ luật” - chị Xuyên chia sẻ.

Theo chị Xuyên, việc “giao” con gái cho chồng cũng khiến chị thót tim vì anh vốn không phải người chu toàn. Con gái đã lớn, đã biết nền nếp và tự chăm sóc bản thân thì dễ chăm hơn nên chị nhường việc đó cho chồng. Thế nhưng, chồng chị đêm nào cũng kể về việc chăm con như một… chiến công, chị nghe vừa “nhức tai”, vừa buồn cười. 

Anh nói, thay vì thần tượng các cầu thủ bóng đá, anh chính thức chuyển sang… thần tượng các thầy cô giáo khi phải kiên nhẫn dạy dỗ, lại còn đối diện với hàng ngàn câu hỏi của bọn trẻ. Có hôm, chị đứng hình khi con gái nằng nặc đòi… đổi phụ huynh. Cô bé phân công em trai theo ba, còn chị thì theo mẹ. Người cha nghe thế thì mặt… méo xệch, vì anh biết mình không đủ năng lực để vừa làm việc, vừa kiêm nhiệm chăm bẵm một đứa trẻ lên ba. 

Lúc này, chị Xuyên lại tạo điều kiện để con gái “đánh giá chất lượng dịch vụ chăm sóc” của người cha. Cô bé nêu ra một loạt những “bất cập” trong tính cách của ba: hay tập trung vào máy tính mà không nghe tiếng con gọi, hay nổi nóng, và… nói tục trong lúc làm việc. Tất cả những điều mà cô bé phàn nàn cũng chính là các vấn đề mà chị Thái Xuyên ấm ức ở chồng bấy nay. Nhưng khi nghe từ con gái, thái độ của anh “cầu thị” hơn hẳn. Đó cũng là thời khắc ghi dấu lần đầu tiên chị thấy anh nghiêm túc khắc phục tính cách.

Khó khăn, vất vả, thậm chí quá tải, kiệt sức… là tình trạng chung của những phụ huynh trong thời “công sở mở cửa nhưng trường học lại đóng”. Nhưng “mọi thứ dần dễ dàng hơn” qua từng ngày, và quan trọng là trong gánh nặng trách nhiệm, mỗi gia đình lại có cơ hội khắc phục, chữa lành một cách thần kỳ những vấn đề của mình. Ở mỗi gia đình, đôi khi những câu hài hước như “khó khăn chỉ là tạm thời thôi”, “tận hưởng khó khăn kẻo sung sướng sắp ụp xuống đầu”… đã xử lý được tất cả. 

Minh Nguyễn

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI