“Có những tháng ngày tôi đã không muốn sống”

17/10/2021 - 06:00

PNO - Khi đối diện với những điều không như ý, để thích ứng hoặc thay đổi cục diện, người trong cuộc cần điều chỉnh quan niệm, góc nhìn mới để không bị hoàn cảnh nhấn chìm. Đó là đúc kết của chị Lê Hải Yến - một doanh nhân (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) - trước bao biến động đã trải qua.

Cuộc tìm lại chính mình

Nhìn chị Yến hôm nay - một phụ nữ hay cười, sành điệu, trẻ trung và có một tổ ấm hạnh phúc - ít ai ngờ chị đã từng trải qua những tháng ngày không muốn sống.

Ở tuổi 23, chị lấy chồng khi chưa có nhiều trải nghiệm và tìm hiểu kỹ. Chỉ sau một thời gian ngắn chung sống, sự khác biệt trở thành hố sâu chia cắt nhưng không ai đủ can đảm để quyết định dừng lại.

Chị Lê Hải Yến
Chị Lê Hải Yến từng không thiết sống (Ảnh nhân vật cung cấp)

Hai năm sau, khi con trai mới 10 tháng tuổi, chị đến tòa nộp đơn xin ly hôn, chấm dứt mối quan hệ bằng thỏa thuận chị được quyền nuôi con và phải… trả tiền thuê nhà cho chồng khi chị chưa tìm được chỗ ở mới.

5 năm sau cuộc hôn nhân thất bại, quãng ngày đau khổ đó vẫn in hằn trong tâm trí, chị Yến trải lòng: “Tôi rơi vào khủng hoảng khi chồng cũ vẫn không ngừng đe dọa, chửi bới, bạo lực tinh thần”. Cú vấp ngã đầu đời khiến chị quẩn quanh trong bế tắc, nghĩ rằng đời mình “bỏ đi” rồi. Công việc hành chính ở một bệnh viện không đủ cho chị niềm vui sống.

Quãng này, để an toàn, chị gửi con về quê nhờ cha mẹ chăm sóc. Chị Yến nhìn nhận: “Có lẽ khi đó, lòng tôi luôn khát khao một cuộc sống hạnh phúc nhưng hiện thực lại đối nghịch nên tôi nhìn đâu cũng chán chường, tủi thân, bi quan”.

Cũng bằng khát khao đó, ở tuổi 28, chị mạnh dạn trao cho người đàn ông quen biết đã lâu (mà trước đó vốn chỉ là quý mến đơn thuần) lời đề nghị: “Anh có muốn làm cha của con em không?”. Hẳn nhiên, để đánh cược đời mình thêm một lần, chị Yến đã tìm hiểu đủ để tin rằng anh Phạm Văn Huỳnh - người đàn ông ấy - rất có trách nhiệm, có hiếu và không tệ bạc với người phụ nữ của mình. Chị cũng chỉ cần vậy.

Chị nhớ, hạnh phúc đã không đến sớm với chị bởi sự hồi đáp… nửa vời của anh Huỳnh. Là công chức ở tận Vũng Tàu, mỗi tuần, anh Huỳnh chỉ về thăm chị được vài tiếng rồi đi. “Một phần anh ấy chưa vượt qua định kiến của bản thân cùng những trở ngại từ gia đình” - chị Yến thẳng thắn. 

Chị Yến tâm sự, những ngày nhập viện chờ sinh mổ cậu con trai - ước muốn lớn lao của chị, kết quả mối quan hệ chưa kịp mặn mà giữa chị và anh Huỳnh - chị bị thiểu ối nhưng không có người thân nào bên cạnh.

Tự nhập viện, tự ký cam kết mổ cho mình; con chào đời, chị bồng con về từ phòng hậu phẫu và chăm sóc con, nhờ người mua thuốc giảm đau và mua thêm phần ăn để tự bồi dưỡng. “Tôi không thấy buồn dù quanh mình, các sản phụ đều có người chăm sóc, thương yêu do ngay từ đầu tôi đã xác định có những cuộc chiến mình chỉ có thể đơn độc đương đầu” - chị Yến kể.

Con cứng cáp, để tiện mưu sinh, chị lại nén lòng gửi con về quê nhờ cha mẹ nuôi dưỡng. Chính trong những ngày xa con và vì mối quan hệ không chắc chắn, một lần nữa, chị rơi vào trầm cảm. Một hôm, chị đi làm về ngang qua cầu Nguyễn Văn Cừ (Q.5, TP.HCM), nghe tiếng nói cười vọng lên từ dạ cầu, nơi một vài gia đình sống trên những con thuyền neo đậu.

“Trong giây phút đó, tôi nhận ra nếu mình không tự cứu thì sẽ không ai có thể giúp mình và còn làm khổ thêm cha mẹ, con thơ. Còn hạnh phúc, nếu không tự giành lấy, sẽ chẳng ai mang lại được cho tôi” - chị Yến tâm sự.

Chị Yến âm thầm chuẩn bị rồi quyết định nghỉ việc. “Đó là quyết định hồi sinh cuộc sống sau những quãng mất phương hướng, chán mọi thứ và nhiều lần có ý định tự tử. Tôi muốn trở thành một phụ nữ thành công, có tất cả”, chị kể.

Thành công, có tất cả khi đó đối với chị là kinh tế vững vàng và cả sự bình an, thư thái của tâm hồn. Cuộc sống tốt đẹp phải khởi đầu bằng sự đoàn tụ gia đình. Chị bắt đầu làm mới bản thân, thử sức với việc trở thành đối tác kinh doanh cho một tập đoàn Ấn Độ tại Việt Nam. 

Tổ ấm hạnh phúc của chị Lê Hải Yến
Tổ ấm hạnh phúc của chị Lê Hải Yến ( Ảnh nhân vật cung cấp)

Kiên trì chinh phục hạnh phúc

Lao vào công việc, chị Yến gom góp mua được nhà và đón cha mẹ, các con vào TP.HCM sống với mình. Còn tình cảm riêng, chị khẳng định: “Tôi không muốn lặp lại thất bại, nên chỉ có thể tìm cách cải thiện, chinh phục anh và khiến anh gắn bó, trách nhiệm hơn với gia đình”. Giữa bộn bề công việc, chị dành cho anh Huỳnh sự quan tâm, chăm sóc và từng bước kéo anh về với mình.  

Trở ngại duy nhất lúc này chính là định kiến từ người thân của chồng. Đó cũng là nỗi đau thầm kín của chị Yến bấy lâu khi cậu con trai không được gia đình chồng chấp nhận.

Chị chia sẻ: “Trong 10 năm, tôi không một chút giận hờn gia đình anh vì đã nhiều lần thử đặt mình trong nghĩ suy của họ để thấu hiểu, cảm thông. Tôi kiên trì đối đãi bằng sự chân tình, nhẫn nhịn và có lẽ nhờ thế, hai năm trở lại đây, khi nhìn thấy cuộc sống của chúng tôi ổn định, hạnh phúc, người thân anh đã mở lòng đón nhận”. 

Ngẫm về tháng ngày bươn bả đó, chị Yến đúc kết: “Hạnh phúc không đến trong hình hài một bó hoa đẹp mà là một cái cây còi cọc, xấu xí. Mình phải vun trồng, đánh đổi bằng thời gian, nhẫn nại để cái cây ấy nở hoa rực rỡ”. Bí quyết của sự kiên trì chính là không ngừng gạt bỏ tất cả suy nghĩ tiêu cực, than thân trách phận.

Chị nói: “Tôi sẽ không có hôm nay nếu những năm tháng đó cứ quẩn quanh than trách đời mình kém may hay anh ấy vô tâm”. Chị Yến đã nhìn vào điểm tốt của chồng để ngăn ấm ức, tủi thân. Chị cảm thấy mình may mắn vì có anh và những đứa con ngoan. 

Giờ đây, xong việc ở Vũng Tàu, anh Huỳnh dành hết thời gian cho gia đình để cùng vợ và các con tận hưởng những khoảnh khắc hạnh phúc. Chia sẻ thêm bí quyết để chinh phục anh, chị Yến nói, do anh hơn tuổi, có phần khô khan nên chị quyết định bỏ… sĩ diện để muốn gì đều nói ra với chồng.

“Tôi thẳng thắn những việc mà cả hai có thể làm cho nhau. Tôi hứa với anh sẽ không cáu kỉnh, chê bai bất kỳ điều gì liên quan đến anh. Còn anh chỉ cần không cau có và nặng lời với vợ” - chị Yến kể và cho biết anh Huỳnh đã không làm được điều này thời gian đầu. Khi đó, chị tự quán triệt phần lớn đàn ông Việt Nam không thích thể hiện tình yêu thương, điều này đòi hỏi phụ nữ phải tinh tế, kiên trì.

Anh đi đâu về, chị đón anh bằng gương mặt vui vẻ, niềm nở, ân cần hỏi han, mang nước, thức ăn cho anh… dù không nhận được bất kỳ phản ứng nào. “Anh thường quát lại: “Ăn/uống gì mà lắm thế!” bằng gương mặt ít cười. Mặc kệ, tôi vẫn kiên trì áp dụng “chiến thuật” này. Thành quả là giờ đây, người tươi cười đầu tiên là anh, người mang nước cho tôi hay mở lời hỏi han cũng là anh” - chị Yến nói. 

Cuộc đời ví như những thước phim. Chọn chia sẻ từng thước phim đời lên trang cá nhân cùng nhiều hội nhóm dành cho các chị em, chị Yến mong những trải nghiệm trưởng thành, thay đổi tư duy của bản thân giúp được những người ít nhiều chung cảnh ngộ. Bây giờ, mỗi ngày nhận nhiều tin nhắn, cuộc gọi của chị em tâm sự về gia đình, nhờ tháo gỡ chị đều sẵn sàng giúp.

Chị kể, cách đây vài năm, một phụ nữ từ Long An đón xe lên gặp chị. Từ một người vợ, người mẹ quê mùa, vụng ăn nói và có cuộc sống phụ thuộc; người phụ nữ ấy giờ trở nên linh hoạt, có chính kiến và độc lập, bản lĩnh trong cuộc sống. “Tôi thấy mình cũng có ích cho đời đấy chứ”, chị Yến cười, một nụ cười rạng rỡ… 

Tuyết Dân 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI