Con nghiện game - cuộc đuổi bắt "truyền kỳ"

11/12/2015 - 12:11

PNO - “Đã mê game là bỏ hết, bỏ học, bỏ người yêu, bỏ gia đình. Thậm chí, có người đang nghiện ma túy mà quên luôn cả nghiện, chuyển sang nghiện game”.

Con nghien game - cuoc duoi bat

Một game thủ từng “biếu không” 10 năm tuổi trẻ cho game bảo: “đã mê game là bỏ hết, bỏ học, bỏ người yêu, bỏ gia đình. Thậm chí, có người đang nghiện ma túy mà quên luôn cả nghiện, chuyển sang nghiện game”. Khi đã bỏ hết, gia đình còn có nghĩa gì với người trẻ?

29 tuổi, bỏ game được hai năm, nhưng anh Đỗ Ngọc Tân (Q.Hải Châu, Đà Nẵng) không bao giờ quên những đêm trắng triền miên với các cuộc chiến ảo. Bắt đầu từ những trò giải trí vô thưởng vô phạt trên internet, Tân bị cuốn vào cuộc chiến Võ lâm truyền kỳ, vào hàng game thủ thế hệ đầu của thể loại đầy ma lực này.

“Khoảng năm 2004, chưa có khái niệm nghiện game, mọi biểu hiện của chúng tôi lúc ấy được xem là... đẳng cấp, là đam mê”, Tân nói. Ban đầu, Tân chỉ chơi ngoài giờ học. Lên lớp 12, lấy lý do “luyện thi đại học”, Tân đắm chìm trong quán net với các “chiến hữu”. Từ một học sinh giỏi, Tân sa sút dần với những buổi ngủ bù trên lớp. Từ giấc mơ vào Đại học Bách khoa TP.HCM, Tân đăng ký thi và “hạ cánh” an toàn vào ngành học lấy điểm thấp nhất Trường đại học Quy Nhơn.

Thấy con trai bỗng dưng thay đổi, ông Đỗ Bảy cũng băn khoăn, nhưng khi nghe Tân giải thích “học gần nhà cho tiện”, ông yên tâm. Vào Quy Nhơn, “đỡ được phân nửa khoảng cách”, Tân thường xuyên leo xe về Đà Nẵng, “sum họp” với các chiến hữu thân quen. Suốt ba năm trời ra vô giữa Đà Nẵng, Bình Định, Tân chỉ xuất hiện ở nhà vào những thời điểm “hợp lý” nhất, như nghỉ hè, nghỉ tết.

Theo anh, các game thủ “bén duyên” từ thời phổ thông, nhưng thời sinh viên mới là giai đoạn lý tưởng để “toàn tâm toàn ý” với game online, do lịch học không cố định, trườ ng đại học cũng không khắt khe trong việc quản lý sinh viên. Tân bỏ bê học hành, hai học kỳ liên tiếp bị cảnh cáo.

Bỏ học về Đà Nẵng, Tân tiếp tục chơi game, sống bằng mì gói, thức ăn nhanh, không còn phân biệt ngày đêm, chỉ đi ngủ khi thân thể rã rời; và chỉ sử dụng ngôn ngữ trong trường hợp duy nhất: hú hét, chửi thề, trêu ghẹo, khích bác nhau trong trận cao trào. Ba năm sau, chuyện Tân bỏ học mới đến tai gia đình. Quá hạn tốt nghiệp hai năm anh vẫn không mang được tấm bằng về. Vợ chồng ông Bảy bàng hoàng. Giữa cơn thất vọng, khóc lóc của ba mẹ, Tân chán nản... bỏ đi chơi game.

Tân tâm sự: “Thỉnh thoảng có nghĩ đến tương lai, gia đình, nhưng tôi tự trấn an rằng, mình có thể kiếm tiền từ game, từ việc bán đồ ảo. Cầm tiền thật trên tay, tôi lại lần nữa tin rằng mình cũng đang kiếm tiền, đang có sự nghiệp, cũng đang giống các bạn. Tôi chỉ thực sự hết hứng thú khi ngộ ra rằng, người ta kiếm được tiền vì tạo ra giá trị thực, có ích cho đời sống, còn mì nh, tuy không phạm pháp, nhưng đó là đồng tiền vô nghĩa. Sắp 30 tuổi, tôi vẫn không có gì, ngoài những bữa ăn nhanh, những giờ ngủ vạ vật. Tôi thoát khỏi game nhưng đoạn đời đẹp nhất, tươi trẻ nhất đã qua đi”.

Con nghien game - cuoc duoi bat

Chị Nguyễn Thị Lệ Hằng (P.Hòa Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM) kể khi phát hiện đứa em học lớp 8 của mình nghiện game, mẹ chị buồn bã nằm khóc, ba dáo dác xách xe đi tìm. Có lần biết con trai trốn học, dùng học phí để chơi game, ông Nguyễn Lê Vương - ba chị ra tới tiệm net, “xách” con về nhà, đánh một trận nhừ tử.

Để được tha đòn, Lê Tuấn (em trai chị) vừa quỳ lết lại phía mẹ, vừa van xin, hứa sẽ từ bỏ game. Lần tái phạm tiếp theo, bị bắt gặp ở một tiệm net lạ, Tuấn cương quyết không chịu theo ba về nhà.

Thấy ba còn cương quyết hơn, Tuấn quay sang, quắc mắt tuyên bố: “Ba về trước, tôi về sau, còn không thì... khỏi về!”. Ông Vương lặng lẽ rời tiệm net, về quán nước đầu hẻm nhà ngồi chờ con. Hai tiếng đồng hồ vẫn không thấy Tuấn về, ông Vương lao xe ra cầu Sài Gòn, nhắn tin cho con: “Ba đang đứng trước sông. Nếu con mê muội game đến bất chấp cả nỗi đau của ba mẹ, ba sẵn sàng chết đi để con tỉnh ngộ”.

Lát sau, ông Vương thấy con gái gọi đến, khóc lóc, khuyên can. Ông Vương suy sụp: “Em con hư hỏng, không thiết gia đình, ba cũng không thiết sống”. Con gái òa khóc rồi cúp máy. Sau đó Tuấn gọi: “Con xin lỗi, con về nhà rồi”.

Tối đó, ông Vương mang một lọ thuốc trừ sâu để trước mặt con: “Nếu con đi, đến lúc quay về không thấy ba nữa, đừng trách ba”. Chị Hằng và mẹ Tuấn đứng bên khóc nghẹn. Cũng hôm đó, gia đình đề nghị Tuấn tự nhốt mình ở nhà nửa tháng, không sử dụng điện thoại, internet

Nửa tháng sau đó, bữa cơm nào của gia đình cũng nặng nề. Tuấn giữ lời nhốt mình suốt nửa tháng. Đứa em sôi nổi, hoạt bát ngày nào đã dại người đi trong những tháng ròng nghiện .

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI