Con 18 tuổi, bị thiểu năng, người cha có phải cấp dưỡng?

10/03/2019 - 14:00

PNO - Con của chúng tôi bị thiểu năng, cháu ngờ nghệch, trí tuệ chỉ như của trẻ cấp Một dù nay đã 19 tuổi. Theo nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con, chồng tôi có còn trách nhiệm với cháu nữa không?

Hỏi: Tôi và chồng cũ đã ly hôn được sáu năm. Theo phán quyết của tòa án, việc cấp dưỡng do chồng thực hiện và tôi trực tiếp nuôi con. Tuy nhiên, hơn một năm nay anh không còn cấp dưỡng với lý do con trai của chúng tôi đã đủ 18 tuổi và anh hết nghĩa vụ trong chuyện này. Nhưng con của chúng tôi bị thiểu năng, cháu ngờ nghệch và chỉ có trí tuệ của trẻ cấp Một dù nay đã 19 tuổi. Có phải chồng tôi hết nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con khi cháu đủ 18 tuổi? Nếu không, tôi phải làm sao?

Minh Thị Thanh Thư (Dĩ An, Bình Dương)

Con 18 tuoi, bi thieu nang, nguoi cha co phai cap duong?
Ảnh minh họa

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi trên về cho chúng tôi. Xin được giải đáp thắc mắc của bạn như sau:

Theo quy định tại điều 70 của Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 về quyền và nghĩa vụ của con thì con cái có quyền được cha mẹ thương yêu, tôn trọng, thực hiện các quyền, lợi ích hợp pháp về nhân thân và tài sản theo quy định của pháp luật; được học tập và giáo dục; được phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ và đạo đức. Điều luật này cũng quy định: "Con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình thì có quyền sống chung với cha mẹ, được cha mẹ trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc”.

Bên cạnh đó, điều 71 luật này cũng quy định rõ: "Cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình". Đồng thời, điều 110 cũng nêu rõ về nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con đó là “Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con”.

Như vậy đối với trường hợp của chị, con được xác định là đã thành niên nhưng không có khả năng lao động. Vì thế cha mẹ phải có nghĩa vụ cấp dưỡng liên tục, trọn đời cho con. Nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác. 

Để xử lý vấn đề này, pháp luật cũng quy định rất rõ, trong trường hợp người có nghĩa vụ nuôi dưỡng trốn tránh nghĩa vụ thì theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức được quy định tại điều 119 của luật này, Tòa án buộc người đó phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định.

Luật sư Trần Đăng Sĩ (Đoàn Luật sư TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI