Chuyện tình bông so đũa

28/02/2016 - 08:29

PNO - Bốn giờ sáng, Huệ khều khều nách chồng: “Dậy cưng! Chụm lẹ cái bếp lò. Má đang ho kìa!”. Phòng trong, tiếng ho của bà Mười khúc khắc, thúc giục.

Đực xoãi tay chân, ngáp. Mệt không muốn dậy. Vụ dậy trễ là tại bà xã nghen. Con thì ai không ham, nhưng phải từ từ chớ. Mới cưới hơn năm, gấp gì! Một đêm dồn ba trận, trâu cũng oải nữa chớ người ta.

Ngoài kia, đã lao xao tiếng người: “Út Đực đâu gồi? Hồi khuya “sập hầm” sao mà trễ vậy?”. Tiếng Huệ giả lả: “Đâu có! Mấy chú, mấy anh ngồi uống nước chờ chút đi. Có hủ tíu liền hà”. Gần hai năm lên phố ở rể, Đực vẫn không quen nổi nếp sống thức khuya, dậy sớm.

Dưới quê, đi làm về là nhào ra sau nhà, tắm mát. Ăn cơm xong lúc sáu giờ chiều, coi truyền hình tới tám giờ tối, vô mùng ngủ thẳng giấc tới sáu giờ sáng. Ngày nào cũng vậy, chỉ khi nào mùa vụ gấp quá mới làm trễ tới bảy giờ tối hoặc thức giấc lúc bốn, năm giờ sáng. Ở đây, thức dậy đúng giờ, nhưng đi nghỉ không có giờ. Bữa nào bán hết sớm, cũng bảy tám giờ tối. Bữa nào ế, cù cưa cù nhằng tới nửa đêm, không theo quy luật, nên Đực luôn đói ngủ.

***

Năm ngoái, đò ghe rình rang rước dâu từ Cần Thơ về Long Phú. Đám cưới xong, ba ngày sau, hai vợ chồng Út Đực lại tay xách, nách mang đồ đạc, quà mừng từ Long Phú về lại Cần Thơ. Hai Huệ còn chưa kịp nhớ mặt bốn người anh chị bên chồng. Ai cũng mừng cho chú rể thoát cảnh tối ngày chân tay, mặt mũi sình bám.

Đừng có nói “chó chui gầm chạn” nghen! Ở rể có cái hay của ở rể. Má chồng nàng dâu không có cơ hội “gầm ghè” nhau. Lúc đầu nghe bà nhạc nói với ba má, rằng: “Ông nhà tui mất sớm. Nhà má con đều đàn bà. Anh chị sui có thương thì cho thằng Út gửi rể, nếu không được...”. Ba má Đực chịu liền.

Chuyen tinh bong so dua
Ảnh: Khắc Hiếu

Nhà năm đứa con, hai con chị theo chồng không tính, còn ba thằng đực rựa, lo cưới vợ, cất nhà cho tụi nó, muốn khùng. Đực tính thầm trong bụng, nếu ba má không cho ở rể, nó cũng theo vợ, vì thương Huệ dữ lắm. Duyên nợ từ kiếp nào, chớ khi không người phố, người cù lao làm sao gặp nhau mà nên vợ chồng?

Huệ học lớp 10, đúng năm ba bị bệnh ung thư bao tử, mất. Bà Mười buồn khóc cả tháng, làm cô con gái lớn phải nghỉ học ở nhà chăm má. Ngôi nhà vắng hoe, tầng trên có phòng của ông Mười, ít bước chân lai vãng. Không phải vợ con tệ bạc gì, mà mỗi khi bước lên lầu là đau nhói trong lòng vì thương nhớ, cứ nghe như tiếng ông cười rổn rảng bên chậu hoa giấy ngoài lan can. Ba người túm núm dưới tầng trệt, cũng là nơi bán hủ tíu. “Học nhiêu đó được rồi con Hai! Nhiều chữ rồi cũng đi lấy chồng. Ráng phụ má giữ tiệm hủ tíu, nó nuôi cả nhà đó, chớ ba mày lái xe tải, cất được cái nhà rồi bỏ đi sớm”.

Lo đám tang cho ba xong, Huệ theo má về quê ngoại bên Phụng Hiệp, cô nói muốn đi chợ nổi. Chiếc xuồng ba lá róc rách sóng vỗ, mái dầm khỏa nước chầm chậm, len lỏi giữa rừng xuồng, ghe ken sin sít, ồn ào tiếng người, lan tỏa mùi bông, trái, bánh mứt... Cả khúc sông rực rỡ như vườn hoa trăm sắc. Mỗi xuồng, ghe lắc lư cây bẹo, cột lúc lỉu các sản vật. Khóm, chuối, xoài, chôm chôm, rau xanh, bầu bí, tỏi, ớt... bán một chục mười bốn, mặc sức lựa. Huệ ngắm nghía một hồi, chỉ chiếc xuồng kế bờ.

“Kỳ vậy má?”. “Con nói gì?”. “Chiếc xuồng kìa! Trên ngọn cây cột chùm bông gì vậy?”. Cô gái lách qua những thân ghe, níu tay kéo xuồng về phía cây bẹo có chùm bông trắng sữa. Bà Mười bảo: “Bông so đũa. Từ hồi nào giờ mới thấy có người dựng cây bẹo bán thứ này”. Chàng trai ngồi trên xuồng, ở trần, ngực nở thành múi, căng làn da nâu, mặt chữ điền tươi rói, pha chút ngờ nghệch.

Ngày trẻ bà Mười cũng từng đi hái bông so đũa về nấu canh chua cá lóc, cá ngát... nhưng hái tới hai cần xé như cậu da nâu này thì chưa. “Dì với em có mua không? Sáng giờ tui bán được có mấy ký hà”. Hai Huệ kéo đuôi tóc dài ra trước ngực: “Nhiều bông so đũa vậy, hái lâu mau anh Hai?”. “Tui thứ út, tên Đực, ở dưới An Thạnh Ba lận. Nghe nói chợ nổi Phụng Hiệp vui lắm, nên hái bậy mớ so đũa đem theo chớ buôn bán gì đâu. Trèo hái cũng hết cả buổi...”. Chàng nông dân ngó trân trân vô mặt Huệ, buông một câu: “Cô Hai đẹp dã man luôn!”.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI