Chuyện nhỏ mà không nhỏ

06/04/2025 - 06:00

PNO - Nuôi dưỡng một đứa trẻ từ khi lọt lòng đến khi trưởng thành cũng tựa như xây một ngôi nhà, gồm nhiều công đoạn.

Kiểm tra xem hôm nay con học thế nào, quan sát những biến đổi của trẻ hay đơn giản là theo dõi tin nhắn của thầy cô để kịp thời phối hợp với nhà trường cùng giáo dục con em mình là những việc tuy nhỏ nhưng thể hiện trách nhiệm của người làm cha mẹ.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Sáng đầu tuần, tôi chở con đến trường rồi ngồi uống trà cùng vài người bạn là giáo viên. Một bạn nói với tôi như phân bua: “Chờ chút, mình chuyển tiền đóng học phí cho vài học sinh bởi một số phụ huynh cứ chuyển cho mình mà không chuyển thẳng cho trường theo cú pháp đã hướng dẫn”.

Bạn còn kể nhiều phụ huynh không xem tin nhắn về học tập, thời khóa biểu ở lớp mà giáo viên gửi vào nhóm, thỉnh thoảng lại nhắn tin hỏi riêng. “Một lớp vài chục em mà phụ huynh nào cũng hỏi riêng như vậy thì giáo viên trả lời cũng bở hơi tai” - bạn than.

Như để chứng minh, bạn đưa điện thoại cho tôi xem tin nhắn trong nhóm phụ huynh lớp mình phụ trách. Có nhiều tin nhắn không ai xem. Điều này đã phổ biến nhiều năm qua. Không ít phụ huynh gần như đổ hết trách nhiệm giáo dục đạo đức, thể chất và kiến thức cho con em mình lên vai giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn và cả ban giám hiệu.

Nuôi dưỡng một đứa trẻ từ khi lọt lòng đến khi trưởng thành cũng tựa như xây một ngôi nhà, gồm nhiều công đoạn. Trong đó, phần ý tưởng (thai giáo), bảng thiết kế (những điều chúng ta mong muốn ở con), nền móng (đạo đức), bộ khung (những kỹ năng tự lập, sinh tồn, cân bằng)… phần lớn được bồi đắp từ phía gia đình.

Nơi tôi sinh sống, gần như các bé tiểu học luôn có người thân đưa đón. Không ít bà mẹ còn là nội trợ toàn thời gian, rất có điều kiện để quan tâm, chăm lo cho con. Thế nhưng, họ vẫn thích giao khoán tất cả cho nhà trường. Thời gian ở gần trẻ, phụ huynh chỉ đưa điện thoại, máy tính bảng cho trẻ chơi để mình rảnh rang lướt mạng xã hội. Khi con em học hành sa sút hay có biểu hiện ham chơi, sinh thói hư tật xấu, không ít phụ huynh đổ mọi trách nhiệm lên thầy cô, nhà trường.

Kiểm tra xem hôm nay con học thế nào, quan sát những biến đổi của trẻ hay đơn giản là theo dõi tin nhắn của thầy cô để kịp thời phối hợp với nhà trường cùng giáo dục con em mình là những việc tuy nhỏ nhưng thể hiện trách nhiệm của người làm cha mẹ. Nếu phụ huynh nào cũng biết quan tâm tới những “chuyện nhỏ” như thế, thầy cô cũng đỡ phần nào gánh nặng.

Trương Thế Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI