Chuyên gia tâm lý Ngô Minh Uy: 'Ly hôn có cần về thưa chuyện?'

18/06/2019 - 09:00

PNO - Có người băn khoăn, “tới” thì thưa gửi nghiêm túc, vậy lui có cần phải làm-một-điều-gì đó không? Theo chuyên gia tâm lý Ngô Minh Uy, với cha mẹ, chúng ta không cần phải quá “căng thẳng”.

Đứng trước việc khép lại đời sống hôn nhân, có lẽ điều chúng ta bận tâm nhất chính là những đứa con. Nói sao cho con hiểu? Bắt đầu câu chuyện thế nào? Con vượt qua cú sốc này ra sao?...

Và hầu hết chúng ta đều ít bận tâm đến cha mẹ hai bên - những chứng nhân của chính gia đình mình.

Chuyen gia tam ly Ngo Minh Uy: 'Ly hon co can ve thua chuyen?'
Chuyên gia tâm lý Ngô Minh Uy

Phóng viên: Thưa anh, trong cuộc sống mang vẻ hiện đại như bây giờ, cha mẹ hai bên có còn là rào cản chính cho những quyết định ly hôn của con cái không?

Chuyên gia tâm lý Ngô Minh Uy - Giám đốc Công ty Tư vấn và Giáo dục We Link: Việc cản trở hay khích lệ không liên quan đến đời sống hiện đại hay truyền thống, mà lại liên quan đến việc phát triển ý thức về tính cá biệt hóa cá nhân - khả năng trở thành chính mình và có mục tiêu cho chính cuộc đời của từng người; và khả năng xây dựng được mối quan hệ hài hòa với người khác.

Khảo sát của tôi và các cộng sự được công bố trong hội thảo quốc tế về nhân cách lần thứ 3 diễn ra tháng Tư vừa qua cho thấy tỷ lệ người trưởng thành Việt Nam có được tính cá biệt hóa cá nhân cao chỉ ở mức 6,8%, đa số (73,8%) chỉ ở mức trung bình, còn lại là mức thấp. 

Không chỉ là quyết định ly hôn mà còn nhiều quyết định khác bị… cản trở bởi cha mẹ hay các thành viên khác trong gia đình dường như là điều không tránh khỏi, trong khi đó, các quyết định này lẽ ra phải tùy thuộc vào cá nhân có liên quan, là vợ hoặc chồng hoặc cả hai người họ. 

Chuyen gia tam ly Ngo Minh Uy: 'Ly hon co can ve thua chuyen?'
Ảnh minh họa

* Nói như thế thì với những người trưởng thành, có gia đình riêng, cha mẹ có thể hoàn toàn chỉ là “vai phụ”?

- Hơi khó khăn nhưng đúng là như vậy, cha mẹ trong tương quan với con cái không nên xen vào các quyết định của con. Nói vai trò phụ thì nghe… “ngoài rìa” quá, tuy nhiên đúng là ngoài người trong cuộc, những người khác còn lại đều không có vai trò gì.

Chẳng những ly hôn, mà trong tất cả quyết định của người trưởng thành, tôi nghĩ cha mẹ chỉ mang ý nghĩa tham chiếu, gợi ý, động viên chứ đừng nên là người nhất nhất mọi thứ đều phải nghe theo. Tôi biết, có rất nhiều người, đã cố trì níu cuộc hôn nhân trục trặc của mình chỉ để làm vừa lòng cha mẹ. Có người, chờ đến khi cha mẹ qua đời mới dám ly hôn...

* Có một thực tế, hầu như trước khi ly hôn, chúng ta chưa khi nào nghĩ rằng sẽ phải chuẩn bị tâm lý cho cha mẹ hai bên.

- Trong các buổi làm tham vấn tâm lý cho những người sắp ly hôn, các khách hàng của tôi đều được hỗ trợ để bản thân họ không bị chi phối bởi cảm giác áy náy về những phản ứng tiêu cực của cha mẹ liên quan đến chuyện ly hôn. Chẳng hạn gần đây có trường hợp khi người vợ muốn ly hôn và đã bị cha mẹ can thiệp bằng cách tuyên bố từ mặt con mình. 

Việc của những người con là thông báo về quyết định của mình cho cha mẹ và những người có ý nghĩa với cuộc sống của mình, và chuẩn bị tâm lý cho họ chứ không phải chịu trách nhiệm về những cảm xúc hay phản ứng tiêu cực.

Chuyen gia tam ly Ngo Minh Uy: 'Ly hon co can ve thua chuyen?'

* Nhưng hầu như chúng ta chỉ chú trọng việc nói thế nào với con, mà chẳng ai bận tâm đến cảm xúc của cha mẹ. Chúng ta nên làm thế nào cho đúng, thưa anh?

- Điều đó là đúng, chúng ta chỉ có trách nhiệm nói chuyện và chuẩn bị tâm lý cho con của mình mà thôi, đặc biệt là những đứa trẻ đang ở lứa tuổi chưa trưởng thành. Còn với cha mẹ, tôi nghĩ chỉ nên là một cuộc nói chuyện rõ ràng về quyết định của mình, đó cũng chính là động tác chuẩn bị tâm lý, về việc con đã đi đến quyết định chấm dứt hôn nhân. Tôi không đồng ý với giải pháp là phải chuẩn bị một kịch bản kỳ công.

Chúng ta nên nhớ rằng, chính cuộc sống bất hạnh của chúng ta mới ảnh hưởng nhiều đến cha mẹ. Tôi đọc đâu đó rằng, sống tốt cho mình chính là cách báo hiếu hay nhất.

* Xin cảm ơn anh. 

Lan Khôi (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI