Chồng hư tại...vợ!

03/05/2013 - 17:28

PNO - PN - Khi bước vào cuộc sống chung, nhiều bà vợ mới ngỡ ngàng nhận ra những thói tật xấu của chồng. Tất nhiên là họ không chấp nhận, thậm chí ghét cay ghét đắng những tật xấu ấy nhưng lại không có bất cứ động thái nào can...

Hồi mới lấy Phong, ai cũng khen Hiền tốt số, có người chồng yêu chiều vợ. Đi làm thì thôi, hễ về đến nhà là Phong lăn vô bếp, không giành phần nấu cơm, rửa chén cũng xung phong quét dọn, giặt giũ thay vợ. Cuối tuần, làm gì thì làm, Phong luôn dành một buổi “hộ tống” vợ đi mua sắm. Gặp Hiền, ai nấy đều nhận ra ngay cô đang hạnh phúc thông qua cách nói chuyện, đụng đâu cũng “anh Phong mình”. Thế nhưng, không lâu sau, Hiền đột nhiên ít nói, hỏi chuyện gia đình chỉ nghe cô thở dài ngao ngán. Có hôm, đến nơi làm việc rồi mà Hiền vẫn còn đeo kính râm, nhìn kỹ, thấy có vệt bầm tím trên cả cánh tay. Đâu chỉ một lần, cứ mươi bữa nửa tháng, Hiền lại “ẩn mình” trong chiếc áo dài tay và cặp kính râm không chịu tháo. Dù vậy, với ai, Hiền cũng luôn quả quyết: “Tụi mình rất hạnh phúc”.

Chong hu tai...vo!

Giấu đồng nghiệp nhưng khó giấu bạn thân. Hiền chia sẻ: “Anh Phong rất nóng. Bình thường ảnh chiều chuộng mình hết mực, nhưng bực lên là có thể giáng cho vợ một cái tát nổ đom đóm”. Hiền kể, lần đầu bị đánh, cô rất sốc nhưng đến lần thứ hai, thứ ba, vợ chồng gây nhau, bao giờ cũng kết thúc bằng cái tát của chồng nên Hiền… quen, bất kể theo thời gian, tần số Phong đánh vợ cứ nâng lên cả lượng và chất. Nghe kể, bạn Hiền nổi nóng, khuyên cô nếu bị chồng đánh, nhẹ thì nhờ cha mẹ khuyên can, nặng phải trình báo để chính quyền can thiệp. Hiền tròn mắt, xua tay: “Vợ chồng trẻ, ai chẳng vậy, ai chẳng có “cái tôi” to đùng, đụng chuyện là “xù” lên. Mọi mâu thuẫn, xung đột không ngoài mục đích để hiểu nhau”.

Hiền cho rằng, sau nhiều năm chung sống, “cái tôi” của mỗi người sẽ ít thể hiện lại vì lúc đó, ai cũng sẽ trở nên đằm tính, chín chắn và biết “nhịn” nhau hơn. Bản tính cộc cằn, vũ phu của Phong theo đó sẽ thay đổi. Thế nhưng, đã tám năm trôi qua, cuộc hôn nhân của Hiền đang bên bờ vực thẳm. “Bản tính khó dời”, nóng nảy, thô lỗ, thích giải quyết bằng nắm đấm của Phong ngày càng khiến Hiền tuyệt vọng, không thể chịu đựng hơn nữa.

***

Đang thiêm thiếp thì điện thoại reo có tin nhắn, Nga đọc: “Mở cửa cho anh với”. 23g. Nga lò dò ngồi dậy, cảm giác khó chịu trào lên. Nga để ý, dạo này không khi nào Thịnh - chồng Nga, về trước 23g, lần nào cũng với đôi chân xiêu vẹo. Dẫn xe vào nhà, Thịnh giả lả: “Anh no rồi nha, buồn ngủ quá bà xã ơi!”. Nói xong, Thịnh quăng mình lên sôpha, nhanh chóng chìm vào giấc ngủ. Lôi được chồng vô đến giường cũng là lúc Nga rớm nước mắt. Cảm giác bực bội chuyển thành nỗi tủi thân. Nga trở lại sôpha ngồi khóc, tự hỏi, lời hứa của chồng biết bao giờ mới thực hiện: “Nhậu cũng có lúc chán chớ. Khi nào thấy đủ, chán, có năn nỉ anh cũng không thèm rớ một giọt rượu”.

Chong hu tai...vo!

Câu này, Thịnh nói với Nga không biết bao nhiêu lần. Từ thời mới lấy nhau, mỗi lần say, Thịnh vuốt giận vợ: “Rượu giúp cho chuyện làm ăn, kinh doanh trở nên suôn sẻ hơn”. Sau này có con, Thịnh càng lấy lý do giao tế để đi nhậu, vì mục đích chăm lo cho gia đình. Thế nhưng nhiều hôm, dù ở nhà mà nghe các chiến hữu rỉ rả đang thiếu… tay, Thịnh cười khì: “Khi nào đủ, chán nhậu, anh tự khắc sẽ dừng” rồi dông xe đi thẳng. Nga cứ tin lời hứa đó của chồng, để rồi tự đặt mình trong tâm thế đợi chờ, mong một ngày Thịnh… chán nhậu. Chán đâu không thấy, chỉ thấy trách nhiệm và vai trò người chồng, người cha nơi Thịnh mỗi ngày mỗi mai một. Chuyện gia đình lớn nhỏ gì Thịnh đều bỏ mặc cho vợ giải quyết. Nhiều hôm, con gái đổ bệnh, Nga một mình đón taxi đưa đi viện, trong khi công việc lại bù đầu mà chồng thì còn bận... nhậu. Mới đây, vì quá chán ngán người chồng vô trách nhiệm, suốt ngày say xỉn, Nga đã thu xếp hành lý, ôm con gái về nhà mẹ.

***

Có câu: “Gieo hành vi, gặt thói quen, gieo thói quen, gặt tính cách”. Suy cho cùng, thói tật của chồng, một phần lỗi cũng do các bà vợ. Chính sự chịu đựng, chờ đợi chồng thay đổi của các bà đã vô tình dung túng cho tật xấu ấy thành một thói quen, lâu dần nâng lên thành tính cách. Đánh vợ được một lần, Phong sẽ khó lòng kiềm chế ở lần sau, lần sau nữa. Để cho cơn tức giận, nóng nảy của Phong vô tư “chuyển thể” thành nắm đấm, không thể phủ nhận có “công” đóng góp của Hiền. Một phần trong lúc cãi vã, thay vì cơm sôi bớt lửa, Hiền cứ nghênh mặt thắng thua khiến ông chồng điên tiết. Mặt khác, khi bị đánh, Hiền lại cam chịu, nín lặng với niềm tin một ngày nào đó, “già” thêm một chút, chồng sẽ thay đổi tính tình mà không chịu chia sẻ, trình báo để nhận được sự giúp đỡ.

Chuyện ăn nhậu của Thịnh tiếp diễn từ ngày này qua ngày khác, lâu dần trở thành một sở thích khó bỏ. Thịnh quen đắm mình trong không khí các cuộc nhậu, quen nếp nghĩ sau giờ làm là phải “vây bàn tròn” với các chiến hữu. Thế nên có nhiều hôm, bạn bè bận việc, không “gầy” được “độ”, Thịnh đành về nhà sớm nhưng tâm trạng lại bứt rứt không yên. Đó là do ngay từ đầu, Nga không chịu nhắc nhở, khuyên bảo chồng bớt nhậu, khéo léo kéo Thịnh về với vai trò của người chồng, người cha. Chính sự im lặng, tin vào lời hứa có ngày chồng chán nhậu vô tình đã tạo cho Thịnh thói quen “dấn thân” đến với các cuộc vui…

Trong đời sống vợ chồng, để duy trì hạnh phúc, tôn trọng, yêu thương và sống có trách nhiệm thì việc can thiệp, góp ý, khuyên bảo về những thói tật xấu của nhau cần phải được thực hiện mỗi ngày. Điều đó chẳng những giúp cho đối phương hoàn thiện mình hơn mà còn tránh được nguy cơ gây chán ngán, thất vọng về nhau. Tạo một thói quen thì dễ nhưng thay đổi nó lại là việc chẳng dễ chút nào, nhất là tự mình phải thay đổi. Do vậy, nếu ngó lơ hoặc chờ đợi một phép màu vào một ngày chồng “tỉnh ngộ”, tự động sửa đổi thói tật thì các bà đã và đang góp phần giết chết cuộc hôn nhân của mình.

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI