Chồng đưa vợ về quê, thả ngay cửa bếp

14/09/2018 - 16:00

PNO - Vợ vốn rất mặc cảm về tay nghề bếp núc của mình. Mà ở quê chồng hình như ai cũng khéo léo, giỏi giang, nấu nướng thoăn thoắt nhẹ nhàng, cỗ bàn linh đình...

Sau đám cưới hai tháng, chồng đưa vợ về quê. Về tới nhà sau hơn hai giờ chạy xe ê cả mông, chồng chẳng nói gì, thả vợ cái bộp xuống ngay cửa bếp, rồi đi thẳng lên nhà trên.

Thả cái bộp là chính xác luôn, không nói quá tí nào, chồng chạy xe vòng ra sân sau, ngay cửa bếp. Bước xuống xe là thấy đầy một sân, một bếp toàn… đàn bà.

Người già, người trẻ vừa chặt, băm, chiên, xào vừa nói cười rổn rảng, người lặng lẽ gói gói, nhặt nhặt. Vợ hoa cả mắt, không biết nên làm gì, chào ai trước ai sau.

Chong dua vo ve que, tha ngay cua bep
Hình minh họa

Mà cũng chả cần chờ đến vợ nói, vang lên khắp nơi tiếng đùa vui: “Trời, cậu Ba bữa nay mới chịu đưa vợ về ra mắt. Cưng vợ quá sợ về quê cực hay sao…”.

Chồng cười chào mọi người, nào bà Út, cô Hai, chị Bảy, chị Tám… Vợ nghe mà loạn hết cả đầu, chỉ biết cúi lia lịa đệm theo tiếng chào của chồng.

Rồi chồng thanh minh, rằng bận quá, rằng hôm nay biết cả đại gia đình có mặt nên đưa vợ về… Nói xong, chồng bảo, em ở đây chơi với mọi người, rồi bỏ lên nhà trên. 

Vợ hoảng quá, níu áo chồng: “Em không biết làm gì hết anh ơi”, chồng cười nói nhỏ: “Làm gì cũng được, không sao đâu. Em ở đây là quen được với hết cả họ hàng đó”.

Nhìn quanh quất, không biết đứng đâu, ngồi đâu, làm gì, bước theo chồng, thấy một bàn nhậu đang hò dô, sợ quá, lại tụt xuống bếp. Thấy có mấy chị ngồi nhặt rau, vợ nghĩ việc này dễ nhất, mình làm được, thế là sà vào.

Đó là chuyện cách đây đã mười năm. Bây giờ, vợ đã quá quen với cái bếp nhà quê chồng. 

Lần nào về quê, chẳng kịp thay đồ là vợ nhào ngay xuống bếp. Ở đó, luôn có hàng chục nụ cười thân thương chào đón vợ.

Mười năm, mỗi năm ít nhất năm, sáu lần về quê, vợ chỉ có làm mỗi việc là… nhặt rau cùng với mấy cô cháu. Bởi vợ vốn rất mặc cảm về tay nghề bếp núc của mình.

Mà ở quê chồng hình như ai cũng khéo léo, giỏi giang, nấu nướng thoăn thoắt nhẹ nhàng, cỗ bàn linh đình, theo kiểu quê thôi, nhưng ngon miệng.

Tất cả bà Út, cô Hai, chị Bảy, chị Tám… đều biết là vợ vụng. Gói cái chả giò không xong, thái miếng thịt cũng dày cộm. Nhưng chẳng ai cười chê, hình như còn có phần thương hơn vì “con nhỏ thật bụng lắm, làm không được nói làm không được, nhưng lúc nào cũng phụ những việc lặt vặt; còn ăn uống thì hồn nhiên, ngon lành, ăn gì cũng được, ngồi bàn trên nhà cũng được, xuống sàn bếp cùng mấy cháu cũng không sao, không chảnh như con gái thành phố khác”. 

Vợ biết, nói thế là ngầm ý so sánh vợ với vài cháu dâu, chị dâu khác ở thành phố về. Họ ngại cái bếp ở quê, vì lười cũng có, mà vì không biết nên làm thế nào, cư xử ra sao với người nhà quê cũng có.

Bởi ở đó lúc nào cũng đông đúc vào những ngày của gia đình, dòng họ. Họ giữ ý quá thành ra khép nép hay có vẻ cao xa, khiến mọi người ở quê cũng ngại. Họ lại hay sợ dơ, tránh né những vật dụng ám khói, quê mùa.

Còn với vợ, tất cả mọi thứ đều lý thú, hay ho và gần gũi. Vợ nhận về những tình cảm của quê y như vậy và đối xử lại cũng y như vậy.

Ai sợ về quê bị xét nét, chê bai, vợ không sợ. Vợ nghĩ, nếu có, chắc là bị đánh giá trên nhà khách hay… trong phòng ngủ. Nghĩa là đừng có ngồi tréo ngoảy ở nhà trên hay trốn tiệt trong phòng ngủ; về quê mà chẳng dám bước xuống bếp, gần gũi, thân thiện với mọi người.

Chứ cứ nhào xuống bếp, phụ cái này, cái kia một chút; thích món nào thì cứ khen thật tình, học hỏi cách làm thì sẽ được thương thôi. Vợ thích cái bếp ở quê, thích những người đàn bà ở quê, cả những món ăn và cái tình quê đối đãi với nhau. 

Chong dua vo ve que, tha ngay cua bep
Hình minh họa

Ở dưới bếp, vợ được nghe mọi người kể về tuổi thơ của chồng, về những món ăn chồng từng thích, những trò phá làng phá xóm chồng từng làm. Những ngày chồng đi học ở thành phố, nhà nghèo, các chị thường làm cho chồng hũ muối tiêu, muối ớt lên đó ăn với cơm.

Cái nick Muối tiêu thời sinh viên của chồng mà trước đó vợ nghe buồn cười, giờ về đây, qua lời kể của các dì trở thành thân thương, tự hào: ừ, chồng mình đã vượt qua bao nhiêu gian khó để thành người như hôm nay. Trong đó, có phần đóng góp từ gian bếp nghèo, ám khói nhưng ấm áp này.

Mười năm làm dâu, một cô gái thành phố chỉ nấu ăn bằng bếp gas, bếp điện đã trở nên gần gũi, thân yêu với cái xó bếp quê này. Và ngược lại, cái xó bếp quê ấy cũng mở rộng vòng tay ấm áp chào đón vợ, thương yêu như đứa con được sinh ra và lớn lên từ đây. 

Vợ biết là chồng yêu vợ nhiều lắm, mỗi khi nhậu ở nhà trên, thỉnh thoảng ngó xuống, thấy vợ má hồng, mắt sáng rỡ, cười nói với bà Út, cô Hai, chị Bảy… 

 Thanh Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI