Chông chênh đường tới trường

03/08/2013 - 12:05

PNO - PN - Căn nhà thuê của gia đình em Nguyễn Phạm Mỹ Tiên, lớp 7 Trường THCS Phú Mỹ nằm tận cuối con hẻm sâu, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Q.Bình Thạnh. Gọi là nhà nhưng thực ra chỉ là vài tấm tôn cũ, những tấm vách không lành lặn...

Hơn một năm nay, mẹ Tiên phát bệnh ung thư vú nên sức khỏe suy yếu, phải nhập viện chữa trị, thu nhập từ gánh hủ tíu không còn, tất cả trông vào việc chạy xe ôm lúc có lúc không của ba và đồng lương công nhân thời vụ của người anh. Bệnh của mẹ di căn, cánh tay sưng to; ba của Tiên tất tả đi vay mượn để chữa trị cho mẹ. Mới đây, ba của Tiên bị cườm, mắt mờ hẳn, bác sĩ chỉ định mổ nhưng không thể xoay xở đủ tiền cho ca phẫu thuật, đành xếp hàng chờ được mổ miễn phí.

Chong chenh duong toi truong

Mỹ Tiên tranh thủ học mọi lúc...

Sớm hiểu nỗi khó khăn của gia đình, Tiên tỏ ra tháo vát, đảm đang việc nhà. Ngoài giờ học, em phụ các bác hàng xóm dọn hàng, bán hàng kiếm chút tiền phụ mẹ. Em xin sách cũ của người quen để học, quần áo thì ai cho gì mặc nấy, đồng phục đi học thì xin lại của các chị lớp trên, chưa bao giờ dám hỏi mẹ mua áo mới.

Nghe Tiên được nhận học bổng, cả nhà mừng đến chảy nước mắt vì khoản tiền phải đóng cho Tiên đầu năm học đã không còn phải lo lắng nữa. Cô Trần Thúy Phượng - giáo viên chủ nhiệm lớp 6.10 Trường THCS Phú Mỹ cho biết: “Dù cuộc sống gia đình Tiên rất khó khăn, ba mẹ lại bệnh nặng nhưng em luôn cố gắng để đạt kết quả học tập tốt nhất. Trong lớp cũng có quỹ do các bạn đóng góp để hỗ trợ cho em. Phần học bổng từ Báo Phụ Nữ sẽ giúp Tiên giảm nhiều khó khăn đầu năm học”.

Chúng tôi đến nhà cô bé Nguyễn Ngọc Thiên Ơn, học lớp 6 Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, Q.2 khi cả nhà đang tất bật bào dừa, đãi đậu… chuẩn bị cho nồi xôi của mẹ vào sớm mai. Ơn được ba mẹ và anh chị “ưu tiên” nhất nhà. Buổi sáng, Ơn được ngủ đến 5g sáng, còn mẹ và các anh chị phải thức dậy từ khi 3-4g để nấu bốn nồi xôi các loại, xay đậu làm sữa, nhào bột, chiên bánh, ram thịt bán bánh mì… Đến 6g thì ai không đi học sẽ cùng đẩy xe ra đầu ngõ để bán hàng với mẹ. Hai chị lớn đến giảng đường, Ơn và hai anh đi học. Buổi chiều, mẹ đi rửa chén thuê hoặc phụ nấu ăn, hai chị không đến trường sẽ thay nhau nấu xôi cho khách đặt hoặc đi cắm hoa tại đám tiệc, đi dạy đàn.

Sau khi sinh Ơn thì bố lâm bệnh, do khó khăn, không có điều kiện chữa trị kịp thời nên bị liệt. Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng Ơn chưa bao giờ xao nhãng việc học tập. Cô bé đang tuổi ăn, tuổi ngủ phải thức sớm cùng mẹ không ít lần ngủ gục bên những trang sách. Nhưng rồi giọt mồ hôi của mẹ, tiếng rên đau đớn của cha đã thôi thúc Thiên Ơn trên hành trình đi tìm con chữ.

Chong chenh duong toi truong

Thiên Ơn phụ mẹ bán hàng

“Em sẽ cố gắng học thật giỏi để sau này có thể dạy học cho các em nghèo trong xóm”. Bởi thế, với cô bé này, những vách tường, ván gỗ trong căn nhà nhỏ cũng trở thành trang giấy để em làm bài tập mỗi khi hết vở chưa có tiền mua. Chị Vũ Thị Thìn - Chi hội trưởng PN, Phó Ban điều hành KP.3, P.Bình Trưng Đông, Q.2 cho biết: “Gia đình cháu Ơn thuộc diện xóa đói giảm nghèo nhưng chị em cháu lại học rất giỏi và ngoan ngoãn, bà con làng xóm ai cũng quý mến”.

Chương trình học bổng Vì nữ sinh hiếu học, vượt khó của Báo Phụ nữ TP.HCM sẽ giúp gia đình các em vơi bớt một phần gánh nặng, tiếp thêm niềm tin và chắp cánh cho những ước mơ về một tương lai tươi sáng, dù con đường phía trước của các em còn lắm chông chênh.

 Nguyễn Thu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI